|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nỗi buồn tăng vốn của ngân hàng nhỏ

11:13 | 02/10/2016
Chia sẻ
Kế hoạch tăng vốn điều lệ được các nhà băng đưa ra trong mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng vừa kết thúc. Tuy nhiên, ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, không dễ tăng vốn trong bối cảnh hiện nay.

Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là tiếp tục đẩy mạnh xử lý sở hữu chéo, nhằm lành mạnh hệ thống. Đồng thời, các ngân hàng phải nâng cao năng lực tài chính để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nếu không sẽ phải sáp nhập, hợp nhất hoặc bán lại (M&A). Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường đại học Mở TP.HCM), ngân hàng không dễ tăng vốn trong bối cảnh hiện nay. Lý do là, không chỉ giá cổ phiếu ngân hàng thấp hơn mệnh giá, mà áp lực thoái vốn cũng đang đè nặng các nhà băng nhỏ.

Tại Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), trong khi nhà băng này đang nỗ lực tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, thì 2 cổ đông lớn là Vietcombank và VietinBank lại đang tính đường thoái vốn khỏi Saigonbank để đáp ứng theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN.

noi buon tang von cua ngan hang nho

Việt Á tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ trong năm nay, sau khi không thực hiện được trong năm 2015. Ảnh: Đức Thanh

Năm 2015, Saigonbank từng có ý định sáp nhập vào Vietcombank, do khó thực hiện kế hoạch nâng vốn, nhưng bất thành. Bởi vậy, kế hoạch tăng vốn của Saigonbank có thực thi được trong năm nay hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, Saigonbank được phân loại thuộc nhóm tổ chức tín dụng lành mạnh và được tự thực hiện cơ cấu lại. Đến cuối năm 2015, Saigonbank đã hoàn thành cơ bản các nội dung cơ cấu lại theo phương án đã được NHNN phê duyệt, nhưng đến nay vẫn chưa thể tăng vốn.

Ngoài Saigonbank, hiện thị trường có ít nhất 4 ngân hàng thương mại có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng hoặc cao hơn không nhiều (Ngân hàng Kiên Long - Kienlongbank, Ngân hàng Bản Việt - Viet Capital Bank, Ngân hàng Nam Á - Nam A Bank, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín - VietBank). Tuy nhiên, trong số này, chưa có nhà băng nào đề cập việc M&A với ngân hàng khác.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc NHNN, chủ trương của NHNN là trong năm 2016, các ngân hàng thương mại phải nâng cao năng lực tài chính, nhất là các ngân hàng thương mại quy mô vốn còn thấp, để có thể đáp ứng nhu cầu và tạo sức mạnh cho mình trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.

Vì thế, ngay cả các nhà băng lớn cũng chạy đua tăng vốn, nhưng chủ yếu thông qua việc chia cổ tức. Chẳng hạn, Ngân hàng Á Châu (ACB) chia cổ tức năm 2015 trên 10% bằng cổ phiếu để nâng vốn điều lệ; Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chi trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu, với tỷ lệ 13,07%, cùng với việc chia cổ phiếu thưởng là 5,69%. Trong khi đó, với các nhà băng nhỏ, việc phát hành cổ phiếu huy động vốn rất khó khăn do giá cổ phiếu thấp và nhà đầu tư ít quan tâm.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng đã công bố thông tin về việc tăng vốn điều lệ. Cụ thể, NHNN chấp thuận việc OCB tăng vốn điều lệ từ 3.547 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua tại các nghị quyết số 02/2015/NQ-ĐHĐCĐ ngày 25/4/2015, số 03/2015/NQ-ĐHĐCĐ ngày 1/10/2015. Theo đó, OCB sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tác chọn lọc bên ngoài và cổ đông hiện hữu là 500 tỷ đồng. Năm nay, để nâng cao năng lực tài chính, OCB đã thông qua kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Việt Á (VietABank) cũng cho biết, thực hiện phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức sau khi được NHNN chấp thuận với tỷ lệ chia cổ tức của năm 2015 là 7,5% và nếu thông qua sau đợt phát hành này, Ngân hàng sẽ tăng vốn từ 3.500 tỷ đồng lên 3.762 tỷ đồng.

Trong đợt tăng vốn trước đó, VietABank đã phát hành cổ phiếu thu về hơn 400 tỷ đồng để bổ sung vào nguồn vốn, đưa vốn điều lệ lên xấp xỉ 3.500 tỷ đồng. Năm 2015, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng vốn lên 4.200 tỷ đồng, nhưng không đạt được. Kế hoạch năm 2016, VietA Bank sẽ tăng tiếp vốn điều lệ lên 4.200 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2015.

Sau khi hoàn tất tăng vốn lên 4.511 tỷ đồng, Ngân hàng Bắc Á (BacA Bank) tiếp tục tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng trong năm nay theo kế hoạch đã được thông qua.

Thống đốc NHNN đã chấp thuận việc Bac A Bank tăng vốn điều lệ từ 4.400 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua, song nhà băng này vẫn chưa thể thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Theo Vân Linh

Báo Đầu tư