|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nỗi buồn… cây cam sành

21:45 | 27/11/2018
Chia sẻ
Theo nhận định của nhà vườn, mùa cam chính vụ năm nay cho năng suất cao hơn mọi năm nhưng giá cam liên tục giảm. Lúc cao điểm chỉ có giá từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng/kg, thậm chí không có thương lái đến mua. Và hiện nay, khi gần cuối vụ thì giá có nhích lên, nhưng khả năng bà con trồng cam bị lỗ là rất lớn.

Với diện tích 2ha đất canh tác, ông Lê Minh Chí ở ấp Đắc Lực, xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành) trồng khoảng 3.000 gốc cam. Vườn cam của ông Chí áp dụng kỹ thuật cho trái ăn chuyền nên thu hoạch trái quanh năm. “Vườn cam nhà tôi một tháng thu hoạch 1 lần khoảng 2 - 3 tấn trái. Từ đầu tháng 6, thương lái đến thu mua tại vườn được 8.000 đồng/kg, sau đó giảm chỉ còn 5.000 đồng/kg, có thời điểm xuống còn 3.000 đồng/kg, thậm chí không có ai tìm đến mua” - ông Chí cho biết.

noi buon cay cam sanh
Cam sành của vườn ông Lê Minh Chí ở ấp Đắc Lực, xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành) rơi vào cảnh khó bán, chín rụng đầy gốc.

Ông Chí nhớ lại: “Thời điểm này của các năm trước, cam sành cũng được giá 10.000 đồng/kg. Còn nếu rơi vào nghịch vụ thì giá từ 15.000 đồng/kg trở lên. Còn cách đây 4 năm về trước, cam sành có giá lên tới 35.000 đồng/kg. Có thể nói, năm nay giá bán cam thấp kỷ lục nên nhà vườn trồng cam bị lỗ là rất lớn”.

Thời gian qua, cam sành giảm giá mạnh khiến nhiều nhà vườn “mất ăn mất ngủ”, thậm chí cảm thấy “ám ảnh” khi nhắc tới hai từ “cam sành”. Vì theo bà con nhà vườn, chi phí cho mỗi ha cam sành từ lúc trồng đến khi cho trái lên tới vài trăm triệu đồng. Chính vì vậy, với giá cam “bèo bọt” như thời gian qua, nhiều nông dân bị lỗ nặng, đặc biệt đối với vườn cam mới cho trái ở năm đầu tiên.

Vào những ngày thượng tuần tháng 11-2018, bà Lê Thị Cúc cũng ngụ tại ấp Đắc Lực, xã Hồ Đắc Kiện đang trong tình cảnh trái cam sành đã chín mọng nhưng vẫn chưa tìm được lái đến thu mua. Bà Cúc buồn rầu cho biết: “Nếu cam bán xô thì được giá 4.000 đồng/kg. Nhà tôi trồng 6ha cam sành, thu hoạch xoay vòng cả năm. Mỗi lần thu hoạch được khoảng 4 - 5 tấn/ha. Đợt rồi tới kỳ thu hoạch mà không tìm được lái thu mua nên trái rụng bỏ, thấy tiếc lắm nhưng biết làm sao bây giờ”. Trong tâm trạng rầu rĩ, bà Cúc thở dài chia sẻ thêm: “Tôi đầu tư trồng mới thêm 1ha cam sành. Năm nay cây cho trái đầu tiên, ước năng suất đạt rất cao vì không bị ảnh hưởng nước ngập, do bờ bao đã được khép kín. Chưa kịp vui vì cam năm nay được mùa thì ai ngờ giá lại liên tục giảm, vụ cam này coi như lỗ nặng”.

Thời điểm này, đang vào vụ thu hoạch trái cam sành, tuy nhiên bà con lại không vui khi giá cam sành liên tiếp sụt giảm và rất ít thương lái tìm mua. Theo nhận định chung của các nhà vườn, nguyên nhân giá cam sành giảm là do đang vào mùa thu hoạch cam chính vụ ở nhiều nơi, từ đó nguồn cung dồi dào. Nguyên nhân chính nữa là do hiện nay nhà vườn sử dụng phương pháp chích thuốc vào cây, vì lẽ đó mà thương lái đến mua cũng không bán được giá cao. Qua khảo sát của chúng tôi, thương lái mua cam sành loại 1 tại vườn vào lúc chính vụ chỉ có giá 5.000 đồng/kg, loại 2 giá 2.000 đồng/kg, giảm 8.000 đồng - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ; còn mua xô thì có giá 4.000 đồng/kg.

Với giá thành thu mua cam sành giảm như hiện nay khiến cho các hộ nông dân lo lắng trong việc đầu tư cho thời gian tiếp theo. Do giá phân bón càng tăng, mà giá thành sản phẩm lại giảm, vì vậy nhiều hộ dân không dám mạo hiểm tiếp tục đầu tư và chăm sóc cây cam sành. Cùng với đó, thời gian gần đây, xuất hiện một số dịch bệnh trên cây trồng nên các nhà vườn gặp không ít khó khăn, thậm chí nhiều hộ nông dân đã mất dần niềm tin vào việc phát triển cây cam sành.

Chủ tịch UBND xã Hồ Đắc Kiện Nguyễn Văn Mỹ cho biết: “Trên địa bàn xã có 395ha diện tích trồng cây ăn trái, trong đó, có 228ha trồng cam. Năm 2018, diện tích cây ăn trái giảm gần 8ha (so với năm 2017) chủ yếu là giảm diện tích trồng cam, nguyên nhân chính là do giá cam xuống thấp trong vòng 1 năm qua, nên một số chủ vườn, nhất là những vườn cây cho trái nhiều năm (sắp tàn), không mặn mà trong việc chăm sóc, đầu tư để tiếp tục cho trái do lo không có lãi. Trong khi tái đầu tư tốn nhiều vốn và nhiều rủi ro nên phần lớn chủ vườn đã chọn hướng chuyển sang trồng các loại cây trồng khác cho tiềm năng kinh tế cao, ít rủi ro hơn, như: dừa, nhãn, mít...”.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Mỹ, sản lượng cam càng ngày càng nhiều, do các tỉnh lân cận trồng nhiều làm sản lượng cung vượt cầu nên giá khó có thể tăng; những vườn cam đã lão hóa không nên đầu tư cho trái lại vì việc tái đầu tư là khá rủi ro, trong khi các loại cây trồng khác đang cho giá trị kinh tế khá ổn định và hiệu quả khá cao, như: xoài, mít thái, dừa, nhãn, bưởi... Do đó, việc chuyển đổi sang các loại cây trồng trên là cần thiết, đúng hướng. Tuy nhiên, cần chuyển đổi từng bước và phù hợp, như: đối với vườn cam cho trái tốt thì tiếp tục giữ lại để được năng suất tốt nhất; để chuẩn bị chuyển đổi có thể trồng xen ngay từ bây giờ, để khi cây lão hóa là có cây trồng thay thế; hạn chế chuyển đổi đất lúa sang trồng cam trong bối cảnh hiện tại.

Xem thêm

K. X