|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nợ xấu của Vietcombank, BIDV và VietinBank giảm hơn 18.700 tỷ đồng trong quý cuối năm

16:26 | 10/01/2022
Chia sẻ
Tại thời điểm cuối quý IV/2021, dư nợ xấu của 3 "ông lớn" quốc doanh trên là khoảng 31.700 tỷ đồng, giảm hơn 18.700 tỷ đồng so với cuối quý III và giảm khoảng 4.400 tỷ đồng so với 2020.
Nợ xấu của Vietcombank, BIDV và VietinBank đã giảm hơn 18.700 tỷ đồng chỉ trong một quý - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ: Lê Huy).

Kết quả kinh doanh sơ bộ mới đây của các ngân hàng quốc doanh có thấy những chuyển biến tích cực theo chất lượng tài sản mà cụ thể là con số nợ xấu và tỷ lệ bao phủ nợ xấu.

Mới đây nhất, Vietcombank cho biết tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2021 được kiểm soát ở mức 0,63%, tăng nhẹ 0,01 điểm % so với đầu năm nhưng giảm gần một nửa so với thời điểm cuối quý III/2021.

Với dư nợ tín dụng cùng thời điểm ở mức 963.670 tỷ đồng, ước tính quy mô nợ xấu của Vietcombank là khoảng gần 6.100 tỷ đồng, tức giảm khoảng 4.800 tỷ đồng chỉ trong quý IV.

Mặt khác, ngân hàng cũng đã nâng tỷ lệ quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng lên mức cao kỷ lục 424%, tức mỗi đồng nợ xấu được dự phòng bởi 4,2 đồng lợi nhuận thuần. Như vậy, quỹ dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank ước tính vào khoảng hơn 25.700 tỷ đồng.

Tương tự, chỉ tiêu chất lượng tài sản tại BIDV cũng cho thấy sự thay đổi khả quan. Tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh xuống mức 0,81%, thấp hơn 0,73 điểm % so với năm 2020. Tỷ lệ nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ở mức 0,42%, giảm 0,82 điểm % so với năm 2020.

Với dư nợ tín dụng tăng 11,8% lên 1,33 triệu tỷ đồng, có thể tính được số dư nợ xấu của ngân hàng này vào khoảng gần 10.800 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cuối quý III/2021 cũng như cuối 2020.

Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của BIDV cũng tăng vọt 235%, mức cao nhất trong các năm gần đây. Quy mô của quỹ dự phòng này vào khoảng 25.400 tỷ đồng.

Tại VietinBank, dư nợ bình quân đã tăng 12,3% so với năm 2020, tương đương mức 1,14 triệu tỷ đồng. Với tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm ở mức 1,3%, dư nợ xấu của ngân hàng này ước khoảng 14.800 tỷ đồng.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng đã tăng lên mức 171%, tức VietinBank đã chi ra 1,7 đồng để dự phòng cho mỗi đồng nợ xấu, quy mô dự phòng ước khoảng 25.308 tỷ đồng.

Như vậy, tại thời điểm cuối quý IV/2021, dư nợ xấu của 3 "ông lớn" quốc doanh trên là khoảng 31.700 tỷ đồng, giảm hơn 18.700 tỷ đồng so với cuối quý III và giảm khoảng 4.400 tỷ đồng so với 2020.

Nợ xấu của Vietcombank, BIDV và VietinBank giảm hơn 18.700 tỷ đồng trong quý cuối năm - Ảnh 2.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Trong báo cáo chiến lược 2022 mới công bố, các chuyên gia của Chứng khoán SSI bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của những ngân hàng đã trích lập dự phòng trước và/hoặc trích lập đầy đủ các khoản cho vay tái cơ cấu khi những nhà băng này có đủ năng lực để xử lý rủi ro nợ xấu.

Ngược lại, nhóm phân tích tiếp tục giữ quan điểm cẩn trọng về rủi ro tín dụng đối với các ngân hàng yếu kém và/hoặc các ngân hàng có bộ đệm trích lập dự phòng mỏng.

Các chuyên gia cho rằng theo Thông tư 16/2021, kể từ ngày 15/1/2022, các ngân hàng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại các khoản vay có vấn đề/quá hạn. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho các công ty trong việc thay thế các khoản nợ xấu bằng trái phiếu mới phát hành.

Ngoài ra, việc tái cơ cấu nợ theo Thông tư 14 dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2022, sau đó số liệu nợ xấu thực sự sẽ được hé lộ tại các ngân hàng.

Lê Huy