|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nợ xấu chờ cơ chế chuyển nhượng tài sản bảo đảm

10:40 | 12/02/2019
Chia sẻ
Nợ xấu đang có dấu hiệu quay trở lại nền kinh tế. Nguyên nhân được cho là do nợ xấu cũ chưa được xử lý dứt điểm, cộng với nợ mới phát sinh. Vấn đề xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản vẫn là vướng mắc lớn nhất cho sự ùn ứ của nợ xấu bấy lâu nay.

Theo thống kê của Công ty quản lý tài sản VAMC, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản đang chiếm tới 62%, tài sản trên đất chiếm 7% trong tổng giá trị tài sản bảo đảm các khoản nợ tại tổ chức này.Nhiều dự án tại cả TP. HCM và Hà Nội đang bị các ngân hàng siết nợ, phát mãi, bán đầu giá. Tuy nhiên, kết quả không thật tích cực.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC, cho biết trên thực tế, tiềm năng phát triển thị trường mua bán nợ rất lớn bởi nguồn cung dồi dào. Sự phát triển của thị trường mua bán nợ sẽ giúp cho tình hình tài chính của các doanh nghiệp, cũng như ngân hàng thương mại lành mạnh và minh bạch hơn. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể cho hoạt động của thị trường này phát triển, các cơ chế, chính sách mua bán nợ vừa thiếu, vừa yếu.

no xau cho co che chuyen nhuong tai san bao dam
 

Nhận định về tình hình nợ xấu tại các ngân hàng trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng dù đã được tích cực xử lý, nhưng nợ xấu được xử lý vẫn quá ít so với kỳ vọng.Cụ thể, trong 5 năm, VAMC mới xử lý được 1/3 số nợ xấu trong đống nợ 280.000 tỉ đồng đã mua của các ngân hàng thương mại. Kết quả này là quá chậm so với kỳ vọng và nó cho thấy còn rất nhiều điểm nghẽn.

Theo ông Hiếu, Nghị quyết 42 ra đời cho thấy nỗ lực xử lý nợ xấu của cả hệ thống. Tuy nhiên, nghị quyết dường như chỉ giải quyết được khâu ban đầu để xử lý nợ xấu mà chưa làm được điều cốt lỗi. Cụ thể, nghị quyết mới chỉ cho các ngân hàng quyền thu giữ tài sản bảo đảm, nhưng lại không có quy định việc xử lý sau khi thu hồi sẽ xử lý như thế nào. Trong khi đó về nguyên tắc, thu hồi tài sản rồi thì phải mua bán thì mới gọi là xử lý. Tuy nhiên, để mua bán được một tài sản đảm bảo như hiện nay là không đơn giản.

Thực tế cho thấy các khoản nợ luôn tục được hạ giá, nhưng bán đấu giá vẫn không thành công. Vướng mắc này nằm chính ở việc mua bán nợ xấu nhưng lại không cho mua bán tài sản bảo đảm trên giấy.

Ông Hiếu phân tích, hiện nay ở Việt Nam vướng quy định phải có mua bán thực mới có thể công chứng về việc đã mua bán tài sản đó. Tuy nhiên, nếu ngân hàng A cho vay một khoản 100 tỉ đồng, có tài sản bảo đảm là 150 tỉ đồng, khi ngân hàng A bán khoản nợ đó, đáng ra cũng phải được phép bán luôn tài sản bảo đảm. Tức là tài sản bảo đảm đó phải được chuyển nhượng cho ngân hàng, rồi ngân hàng được chuyển nhượng cho khách hàng mua nợ.

Tuy nhiên, trong thực tiễn làm việc thì không có đơn vị công chứng nào dám công chứng việc mua bán tài sản đảm bảo trên giấy như vậy. “Họ lý luận rằng anh bán nợ chứ không phải bán tài sản bảo đảm nên họ không công chứng được, trừ khi hoạt động mua bán bất động sản đó phải diễn ra thật”, ông Hiếu chỉ ra.Phân tích về ảnh hưởng của việc nợ xấu quay lại và tiếp tục ùn ứ, ông Hiếu nhận định, điều này sẽ tạo ra sự căng thanh khoản của ngân hàng. Nếu tình trạng này kéo dài có thể một vài ngân hàng sẽ dẫn tới mất thanh khoản và phá sản.

Chúng ta có thể hiểu nôm na rằng, ngân hàng huy động rồi cho vay nhưng khoản vay không trở lại thì ngân hàng phải tiếp tục huy động mới để trả cũ. Từ đó, lãi suất sẽ bị đẩy lên cao khi ngân hàng cố gắng huy động mới về nuôi nợ xấu và nợ xấu thì vẫn ở đó không thể thu hồi tiền về cho ngân hàng hoạt động. Khi đến một ngưỡng nào đó, ngân hàng không thể huy động được thêm tiền mới, nợ xấu tiếp tục phát sinh, thì ngân hàng sẽ phá sản.

Điều này không chỉ ảnh hưởng tới ngân hàng mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển của cả nền kinh tế. Bởi ngân hàng là mạch máu để nuôi nền kinh tế, nếu nó không tuần hoàn được, cơ thể kinh tế cũng sẽ chết theo. Lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn tới doan nghiệp.

Trước đây 5 năm, VAMC sinh ra mang theo sứ mệnh xử lý nợ xấu ngân hàng. Tuy nhiên, sau 5 năm hoạt động, dường như tổ chức này vẫn chỉ làm được nhiệm vụ nhốt nợ lại để ngân hàng sống lại một thời gian, còn xử lý nợ thì rất èo uột. Đến thời điểm đáo hạn, nợ xấu cũ bắt đầu quay trở lại. Đây sẽ là một điểm nghẽn mới và lớn với các ngân hàng.

Muốn giải quyết được vấn đề này không còn cách nào khác là hình thành thị trường mua bán nợ để ngân hàng bán nợ đi, bán thấp hơn giá trị sổ sách với tỷ lệ chiết khấu cao để dòng tiền thật quay trở lại với ngân hàng. Còn nếu không bán được thì nợ xấu sẽ tiếp tục cột dòng máu ngân hàng lại. Theo đó, cần phải có những sắc lệnh của chính phủ, nghị quyết của Quốc hội về thành lập thị trường mua bán nợ và xử lý vấn đề chuyển nhượng tài sản bảo đảm sao cho thông suốt dễ dàng.

Xem thêm

Đình Vũ

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.