Nở rộ cà phê rang xay nguyên chất
Cà phê là loại thức uống phổ biến của người Việt. Trong thời gian dài, người tiêu dùng vẫn thích thưởng thức những ly cà phê đặc quánh, nổi bọt "bồng bềnh" với hương thơm ngào ngạt thì nay thói quen này đã dần thay đổi. Cuộc khủng hoảng cà phê bẩn đã khiến người tiêu dùng chuyển "gu" sang cà phê sạch, nguyên chất nên tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở tham gia thị trường này.
Hàng trăm thương hiệu mới ra đời
Chưa có thống kê đầy đủ nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, hàng ngàn quán cà phê rang xay từ lớn tới nhỏ đã xuất hiện ở khắp các tỉnh, thành. Rất nhiều dự án khởi nghiệp cùng hàng loạt thương hiệu cà phê rang xay ra đời như Light Coffee, Shin Coffee, Phúc Nguyên, The Kaffeine Coffee, Revo Coffee, 1864 CAFÉ… Tất cả đều nhấn mạnh đến các yếu tố sạch, mộc, nguyên chất, organic, thậm chí nâng tầm lên thành triết lý cà phê nhằm đánh vào tâm lý ưa sạch, sợ bẩn của người tiêu dùng.
Ghi nhận tại thị trường TP HCM cho thấy ngày càng nhiều quán cà phê có trang bị máy xay tại chỗ trước khi pha nhằm tăng thêm niềm tin cho khách, cũng như tạo "chất riêng" cho thương hiệu của mình. Những quán này còn bán cà phê hạt đã rang hoặc rang xay luôn cho khách có nhu cầu. Ngay cả những quán vỉa hè, xe đẩy hiện nay cũng dần thay đổi, chuyển sang bán cà phê rang xay thay vì trộn bắp, bơ, đậu nành vì nhiều người tiêu dùng cho biết khi đã quen với cà phê nguyên chất thì không thể uống lại cà phê độn bắp, đậu nành như trước.
Nổi bật nhất trong phong trào khởi nghiệp với cà phê mấy năm trở lại đây là The Coffee House của Nguyễn Hải Ninh với hơn 100 cửa hàng khắp cả nước sau 4 năm. Trong lần trao đổi với phóng viên gần đây, Nguyễn Hải Ninh, CEO The Coffee House, khẳng định cà phê tại The Coffee House là dòng sản phẩm cà phê nguyên chất 100%, không sử dụng bất cứ phụ gia nào. Mỗi ngày, chuỗi cà phê của anh đón khoảng 60.000 lượt khách, trong đó cà phê là thức uống bán chạy nhất, chiếm tỉ lệ 40%.
Gần đây nhất, thị trường còn chứng kiến sự chuyển hướng có các đại gia trong lĩnh vực cà phê hòa tan sang cà phê rang xay khi nhận thấy tiềm năng của thị trường này còn quá lớn. Điển hình như thương hiệu rang xay King Coffee của Trung Nguyên International, Cà phê Việt của Nestcafé hay Công ty CP Phúc Sinh - 1 trong 10 công ty xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam - cũng đang phát triển sản phẩm cà phê rang xay cho thị trường nội địa với thương hiệu K Coffee…
Theo ghi nhận của phóng viên, cà phê rang xay nguyên chất đang ở mức giá từ 200.000 - 500.000 đồng/kg loại có thương hiệu và từ 120.000 - 150.000 đồng/kg theo dạng "nhà làm". Các DN tham gia lĩnh vực này cho biết thực tế với giá nguyên liệu cà phê thấp như hiện nay, chỉ hơn 100.000 đồng/kg đã có cà phê nguyên chất 100%, các quán cà phê hiện hữu hoàn toàn có thể kinh doanh có lãi, vấn đề là vẫn còn ít người tiêu dùng chấp nhận cà phê nguyên chất. Trong cà phê nguyên chất rang xay có nhiều dòng, nhiều mức giá khác nhau tùy theo cách rang xay, tỉ lệ phối trộn các loại cà phê, có những loại đặc biệt giá lên tới hàng triệu đồng/kg.
Các thương hiệu cà phê rang xay chen chân nhau để có chỗ đứng ở các siêu thị và tiếp cận người tiêu dùng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Không dễ đứng vững
Tuy vậy, tham gia mảng cà phê này không phải ai cũng thành công. Anh V.C.V, chủ một công ty cà phê rang xay ở quận 9 (TP HCM), cho biết sau 4 năm hoạt động, công ty đang thu hẹp sản xuất do thị trường khó khăn.
"Sản phẩm của chúng tôi đã có mặt trên kệ ở nhiều siêu thị nhưng sau phải rút do không đạt doanh số. Thực sự cà phê nguyên chất rất kén khách. Mời 10 khách dùng thử thì 9 khách chê cà phê dở vì đã quen với cà phê phải đen, đậm đà, sánh trong khi cà phê thật màu cánh gián, hơi chua và nhìn hơi lõng bõng. Cà phê nguyên chất cũng khó vào các quán cà phê hiện nay vì chủ quán phải chiều theo sở thích số đông khách hàng. Tôi để ý thấy một số quán treo bảng cà phê nguyên chất nhưng vẫn bán thêm cà phê độn để bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Chỉ các DN tài chính mạnh hoặc dự án khởi nghiệp có nhà đầu tư hậu thuẫn mới có khả năng phát triển phân khúc này và đợi lợi nhuận ở tương lai" - ông V. nhìn nhận.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, cũng thừa nhận thách thức lớn nhất trong lĩnh vực cà phê rang xay hiện nay vẫn là thay đổi thói quen về khẩu vị của người tiêu dùng Việt. "Hàng chục năm qua, thị trường cà phê Việt Nam đã quen với bắp, đậu nành nên việc thay đổi phải là một quá trình lâu dài. Với kinh nghiệm hơn 9 năm bắt đầu với dòng cà phê nguyên chất tại thị trường nội địa tôi thấy phân khúc này tăng trưởng khá chậm, chỉ khoảng 5%-7%/năm" - ông Thông nhận xét.
Đã xây dựng được thương hiệu cà phê Long Triều, có mặt trong tất cả siêu thị thuộc chuỗi Big C nhưng ông Nguyễn Xuân Tồn, Giám đốc Công ty Cà phê Long Triều, cũng thừa nhận để tồn tại được ở thị trường này không hề dễ. Ông tính toán chỉ trong phạm vi nhỏ là TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã có hơn 50 nhà cung cấp cà phê rang xay. "Rang cà phê không khó cộng thêm nhu cầu tiêu thụ cà phê sạch gia tăng nên ngày càng nhiều cơ sở nhỏ nhảy vào, họ không chịu nhiều chi phí nên cạnh tranh mạnh về giá" - ông Triều nói.
Để bán được hàng, ở kênh siêu thị, Long Triều thường xuyên tổ chức các đợt giới thiệu sản phẩm, cho khách hàng dùng thử. Ở kênh phân phối truyền thống thì bán trực tiếp cho khách hàng và đẩy mạnh bán hàng online, không qua trung gian phân phối để bảo đảm giá tốt và khách hàng được hưởng ưu đãi thật sự trong những đợt khuyến mãi.
Dù vậy, ông Phạm Minh Thông nhìn nhận tiềm năng của thị trường cà phê rang xay nguyên chất tại Việt Nam rất lớn và nhiều triển vọng trong tương lai. "Gần đây, có nhiều DN cà phê lớn và nhiều dự án khởi nghiệp tham gia phân khúc này đã tạo ra một cộng đồng sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng cà phê nguyên chất. Nhiều DN tham gia cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, thị trường phát triển tốt hơn" - ông Thông đánh giá.
Phải có chất riêngÔng Hà Vũ Bảo Giang, chủ chuỗi 14 cửa hàng Z cafe ở Biên Hòa (Đồng Nai), đang chuẩn bị kế hoạch để tiến về thị trường TP HCM, cho biết lĩnh vực cà phê, rất nhiều thương hiệu nhỏ gia nhập thị trường trong thời gian gần đây đã tạo nên sự đa dạng nhưng cũng thêm phần phức tạp. "Kinh doanh chuỗi cà phê sạch vẫn rất hấp dẫn. Cạnh tranh giữa các chuỗi không chỉ là về chất lượng, khẩu vị mà còn ở marketing, dịch vụ, trải nghiệm khách hàng... Ở Z Cafe, chúng tôi có nguồn cà phê rang xay theo công thức riêng để tạo sự khác biệt, đồng thời mang lại những trải nghiệm rất riêng cho khách hàng" - ông Giang cho biết. |