|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nỗ lực nâng giá dầu của Ả-rập Saudi cuối cùng cùng nhận được 'quả ngọt'

07:43 | 18/07/2017
Chia sẻ
Bằng việc hạn chế xuất khẩu, Ả-rập Saudi hy vọng sẽ cân bằng được trữ lượng dầu thô của Mỹ đồng thời chứng minh cho các nhà đầu tư thấy rằng công cuộc tái cân bằng thị trường đang dần phát huy hiệu quả.
no luc nang gia dau cua a rap saudi cuoi cung cung nhan duoc qua ngot
Ảnh minh họa.

Ả-rập Saudi đang cố gắng cắt giảm lượng dầu xuất khẩu sang Mỹ nhằm hỗ trợ giá dầu.

Lượng dầu thô mà Mỹ nhập khầu từ Ả-rập Saudi đang ở dưới mức 900.000 thùng/ngày chỉ trong trong vòng 4 tuần trước ngày 7/7, theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ cho hay. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2015 và đồng thời là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trong cùng thời điểm.

Thông tin từ ngành công nghiệp Ả-rập Saudi dự báo lượng dầu thô Mỹ nhập khẩu từ nước này trong tháng 8 sẽ còn giảm xuống dưới mức 800.000 thùng/ngày.

"Ả-rập Saudi muốn nhìn thấy những biến chuyển trong thị trường dầu thô và tăng cường quá trình tái cân bằng," Reuters dẫn lời nguồn tin này cho hay.

Hôm 12/7, Ả-rập Saudi tuyên bố sẽ cắt giảm lượng xuất khẩu dầu thô trong tháng 8 xuống mức thấp nhất trong năm nay đối với mọi thị trường, đặc biệt là Mỹ bởi đây là thị trường có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với giá dầu.

Mỹ chiếm khoảng hơn 40% tổng trữ lượng dầu thương mại và các sản phẩm từ dầu thô thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Các báo cáo về trữ lượng dầu thô của nước này được công bố theo tuần thay vì theo tháng giống như các nước khác.

Do vậy trữ lượng dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Mỹ thu hút đông đảo sự chú ý của các nhà đầu tư cũng như giới phân tích. Điều này lý giải tại sao Mỹ lại có tầm ảnh hưởng lớn tới giá dầu đến vậy.

Ả-rập Saudi là quốc gia cung cấp dầu thô lớn nhất của Mỹ (sau đó là Canada), với lượng xuất khẩu trung bình 1,1 triệu thùng/ngày cho các nhà máy lọc dầu Mỹ trong năm 2016.

Bằng việc hạn chế xuất khẩu, Ả-rập Saudi hy vọng sẽ cân bằng được trữ lượng dầu thô của Mỹ đồng thời chứng minh cho các nhà đầu tư thấy rằng công cuộc tái cân bằng thị trường đang dần phát huy hiệu quả.

Chiến lược này của Ả-rập Saudi có vẻ như đang phát huy tác dụng sớm hơn dự kiến khi trữ lượng dầu thô giảm nhanh hơn thường lệ trong quý 2 và quý 3 năm 2017. Trữ lượng dầu thô Mỹ giảm 40 triệu thùng kể từ hồi cuối tháng 3 so với mức giảm 8 triệu thùng cùng kỳ năm 2016.

Trữ lượng dầu thô của Mỹ hiện đang chỉ cao hơn 3 triệu thùng so với cùng kỳ năm 2016. Một trong những nguyên nhân lớn là do hoạt động lọc dầu được đẩy mạnh công suất lên mức kỷ lục trong khi nhập khẩu dầu thô giảm. Các quan chức cấp cao của Ả-rập Saudi và các nước thành viên OPEC hy vọng trữ lượng dầu thô Mỹ sẽ còn giảm sâu và mạnh hơn nữa trong mùa hè (được coi là mùa lái xe).

Ả-rập Saudi dự định sẽ dùng việc trữ lượng dầu thô giảm mạnh để thuyết phục các nhà đầu tư rằng thị trường dầu thô đang tái cân bằng trở lại và do đó giá dầu cần được nâng lên.

Tuy nhiên, chiến lược này lại tiềm ẩn một số mối đe dọa đối với Ả-rập Saudi khi Mỹ có thể quay sang nhập khẩu dầu thô từ các quốc gia thành viên OPEC và ngoài OPEC khác.

Trong khi lượng dầu thô xuất khẩu của Ả-rập Saudi sang Mỹ giảm thì Iraq lại trái ngược hoàn toàn. Lượng dầu thô xuất khẩu theo mùa của nước này trong năm nay đã tăng lên mức kỷ lục trong vòng gần 5 năm.

Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC giảm mạnh trong tháng 6 xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng.

Sản lượng khai thác của 2 quốc gia OPEC không ký thỏa thuận cắt giảm là Nigeria và Libya đã tăng lên, làm yếu đi mức độ tuân thủ của các các quốc gia thành viên khác thuộc tổ chức này.

Lượng dầu thô tăng này có thể bù lại trữ lượng dầu thô Mỹ giảm. Điều này có thể phá vỡ nỗ lực của Ả-rập Saudi.

Nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi điều gì sẽ xảy ra khi qua tháng 8, "mùa lái xe" kết thúc và nhu cầu dầu thô bắt đầu giảm?

Ngay lúc này, OPEC đang kỳ vọng các nhà đầu tư coi việc trữ lượng dầu thô của Mỹ giảm như một dấu hiệu của tái cân bằng thị trường và giá dầu sẽ tiếp tục tăng cao.

Cuối tuần trước, giá dầu thô nối tiếp đà tăng vào cuối phiên giao dịch hôm thứ 6 do dấu hiệu nhu cầu dầu thô được củng cổ, bù lại trữ lượng dầu hiện đang ở mức cao. Đóng cửa phiên tuần trước, cả hai hợp đồng dầu WTI và dầu Brent tăng tới 5% lên ngưỡng 46,54 USD/thùng và 48,94 USD/thùng.

Đức Quỳnh tổng hợp