|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nỗ lực giảm sản lượng của Arab Saudi càng khiến OPEC+ thêm chia rẽ, giá dầu khó tăng mạnh

17:00 | 06/06/2023
Chia sẻ
Sau khi Arab Saudi thông báo sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong tháng 7, giá dầu chỉ tăng nhẹ. Thị trường có vẻ không tin rằng nỗ lực của Riyadh sẽ đủ để đảo ngược đà giảm của giá dầu.

(Hình minh họa: MarketWatch). 

Hôm 4/6, liên minh OPEC+ đã đồng ý gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng dầu trước đó đến hết năm 2024. Arab Saudi, thủ lĩnh kinh tế của nhóm OPEC, cũng cam kết cắt giảm thêm 1 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 7.

Kết quả của cuộc gặp gỡ cuối tuần qua có đôi chút bất ngờ. Tuy nhiên, các nước này có lẽ đã trông đợi giá dầu tăng mạnh hơn sau khi Arab Saudi tự nguyện cắt giảm sản lượng. Một số nhà phân tích dự kiến giá dầu sẽ không tăng sốc sau động thái của Arab Saudi, và đây là tin tốt với người tiêu dùng.

Ông Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cấp cao tại ngân hàng Swissquote Bank, bình luận: “Arab Saudi sẽ tiếp tục cáng đáng phần lớn gánh nặng của việc cắt giảm sản lượng và hy vọng nỗ lực đó sẽ đảo ngược xu hướng giảm trên thị trường dầu mỏ và kéo giá đi lên.

Nhưng món quà này giúp một số thành viên OPEC được hưởng lợi trong khi số khác phải chịu thiệt, do đó trong vài tháng tới, chúng ta có thể sẽ chứng kiến thêm rạn nứt trong liên minh dầu mỏ. Đây không phải tình huống hữu ích cho OPEC và những người mong đợi giá dầu tăng”.

Các thông báo sau cuộc họp của OPEC đã giúp giá dầu đi lên hôm 5/6, nhưng mức tăng có phần khiêm tốn. Giá dầu Brent giao tháng 8 tăng 0,8% lên 76,7 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI giao tháng 7 kết phiên đạt 72,2 USD/thùng, tương mức với mức tăng 0,6%.

Tháng 10 năm ngoái, OPEC+ đồng ý giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày. Đến tháng 4 năm nay, một số thành viên OPEC+ bất ngờ thông báo tiếp tục giảm sản lượng thêm 1,6 triệu thùng/ngày. Khi đó, Arab Saudi đã tự nguyện cam kết cắt giảm 500.000 thùng dầu/ngày cho đến cuối năm nay.

“Hành động tối ưu”

Ông Anas Alhajji, đối tác tại công ty tư vấn năng lượng Energy Outlook Advisors, đã dự đoán từ trước cuộc họp rằng OPEC+ có thể sẽ thông báo các nhà sản xuất dầu lớn trong liên minh sẽ giảm thêm sản lượng trong tháng 7, và Arab Saudi đã làm đúng như vậy.

Ông Alhaji viết: “Bằng việc cắt giảm sản lượng lớn bổ sung và đánh giá tác động của hành động này vào mỗi cuối tháng, Arab Saudi nhắm đến việc đánh đuổi phe bán khống và kiểm soát kỳ vọng trên thị trường dầu mỏ”.

Ông đánh giá rằng OPEC+ đã lựa chọn “hành động tối ưu” tại cuộc họp. Đây là yếu tố tích cực cho giá dầu mỏ, nhưng sẽ phải đối chọi với “phản ứng khổng lồ từ Trung Quốc khi nước này giải phóng dầu khỏi các kho dự trữ”.

Do đó, ông Alhajji nhìn nhận rằng giá dầu sẽ tăng “trong môi trường mà Arab Saudi thiết lập mức sàn còn Trung Quốc định đoạt mức trần”. Ông dự đoán giá dầu sẽ tăng “đáng kể” trong nửa cuối năm nay.

Phản ứng thiếu ấn tượng

Ông Tom Kloza, trưởng nhóm phân tích năng lượng toàn cầu tại Oil Price Information Service, nhận xét rằng nhìn chung, kết quả của cuộc họp “có lẽ đã phơi bày một số rạn nứt và chia rẽ của OPEC+ so với các thỏa thuận trước đó”.

Ông nói với Marketwatch rằng “sẽ rất khó để phân xử bất đồng giữa các phe phái khác nhau trong OPEC+”. Việc Nga không tuân thủ hạn ngạch sản xuất là “điểm gây tranh cãi” trong cả nhóm. 

Ông Kloza cũng nhận ra các bằng chứng cho thấy Venezuela và Iran đang hoặc sắp tăng sản lượng, và một số nước như UAE “có kế hoạch để sản xuất thêm rất nhiều dầu mỏ”. Ông cũng tin rằng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ vận động các thành viên hoàng tộc Arab Saudi để nước này cung ứng thêm dầu trong chuyến công du dự kiến diễn ra trong tuần này.

Ông Brian Milne, nhà phân tích tại DTN, cho biết hạn ngạch sản xuất dầu thô của UAE sẽ được nâng lên thêm 200.000 thùng/ngày vào năm 2024. UAE có năng lực sản xuất lớn hơn hạn ngạch hiện tại là 3 triệu thùng/ngày và đã yêu cầu được phân bổ hạn mức lớn hơn.

Hạn ngạch bổ sung của UAE được đánh đổi bằng mất mát của một số quốc gia khác. Hạn mức sản xuất dầu mỏ của Angola và Nigeria bị cắt giảm mạnh vào năm 2024 bất chấp sự phản đối của hai nước này.

Tuy nhiên, do sản lượng dầu mỏ trong những năm gần đây của hai quốc gia Tây Phi thấp hơn đáng kể so với hạn ngạch nên sự điều chỉnh sẽ chỉ đơn giản là “giúp khắc phục các con số sai lệch”.

Tuy nhiên, nhà phân tích Kloza vẫn cho rằng “việc đảm bảo sự tuân thủ từ các phe phái khác nhau, đặc biệt là Nga, sẽ vô cùng phức tạp”.

Nhìn chung, ông Kloza nói rằng cuộc họp mới nhất của OPEC+ không tạo ra “thỏa thuận quan trọng làm thay đổi cuộc chơi. Thị trường không ấn tượng bởi động thái này, dù Arab Saudi có vẻ đã hy sinh để giúp cho cả nhóm”. 

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.