|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nỗ lực để nền kinh tế không bị đứt gẫy - Bài 1: Tiếp sức cho doanh nghiệp

08:45 | 30/08/2020
Chia sẻ
TP HCM đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ nhằm không để nền kinh tế thành phố bị đứt gẫy, góp phần thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa khôi phục sản xuất kinh doanh.

Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội; trong đó, có hoạt động kinh tế. Với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP HCM đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ nhằm không để nền kinh tế thành phố bị đứt gẫy, góp phần thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa khôi phục sản xuất kinh doanh. 

Thành phố tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, quyết liệt hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng như chủ động đón đầu trong thu hút đầu tư, tiếp cận thị trường do các hiệp định thương mại tự do mang lại.

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp khôi phục, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, UBND TP HCM cùng các Sở, ngành, quận, huyện đã có nhiều giải pháp quyết liệt, chủ động hỗ trợ các hộ kinh doanh và doanh nghiệp giảm rủi ro để tái sản xuất kinh doanh; giải quyết chính sách cho người lao động khó khăn do nghỉ dịch bệnh.

Triển khai các gói hỗ trợ

Cụ thể, UBND TP HCM đã ban hành các Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch; giao thông vận tải; kinh doanh dịch vụ ăn uống; chợ đầu mối, chợ truyền thống (có nhà lồng), siêu thị, trung tâm thương mại; cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông; bảo tàng, di tích; thư viện, phòng đọc sách và tổ chức tập luyện của các đơn vị hoạt động thể dục thể thao, áp dụng trên địa bàn TP HCM.

Bên cạnh đó, định kỳ hàng tuần UBND TP HCM tổ chức họp trực tuyến Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp với 24 quận - huyện để nghe báo cáo tình hình thực hiện và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong và sau dịch COVID-19.

Trên lĩnh vực thuế, Cục Thuế TP HCM đã xây dựng Bộ tiêu chí hướng dẫn các trường hợp được miễn, giảm và giãn thuế do ảnh hưởng của dịch COVID-19; triển khai rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ với tổng số doanh nghiệp và tổ chức được ưu đãi là 255.904 doanh nghiệp và 43.778 cá nhân.

Đồng thời, Cục thuế Thành phố phối hợp với 24 quận, huyện rà soát danh sách các hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh để thực hiện hỗ trợ theo chính sách của Chính phủ. 

Cơ quan thuế đã xác định được 1.304 trường hợp hộ kinh doanh thuộc diện được hỗ trợ và 551 trường hợp không thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Cùng với đó, hạn chế hoặc không tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh; đẩy mạnh công tác hoàn thuế và tính đến ngày 9/7, thành phố đã giải quyết 684 hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp với số tiền hoàn hơn 4.500 tỷ đồng.

Trên lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP HCM đã làm việc với các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng để thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng. 

Cùng với đó, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… Đến ngày 24/7/2020, các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ cho 233.885 khách hàng, với tổng dư nợ đạt 474.104 tỷ đồng.

Mặt khác, Bảo hiểm xã hội Thành phố cũng đã kịp thời hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; xử lý hồ sơ tạm hoãn vào quỹ hưu trí tử tuất cho 316 đơn vị với 29.517 lao động. Dự kiến số doanh nghiệp tạm hoãn khoảng 2.000 đơn vị với 136.730 lao động.

Sở Công Thương xây dựng Bộ tiêu chí xếp hạng ưu tiên hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và tổ chức hướng dẫn thực hiện; phối hợp với UBND quận, huyện tổ chức kiểm tra 17 điểm bán về công tác triển khai bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, Sở phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh thành phố tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp năm 2020 với chủ đề “Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển suản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19”. 

Tại hội nghị có 12 Ngân hàng thương mại cổ phần hội sở chính và 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn đã tham gia hỗ trợ 17.215 khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại bởi dịch COVID-19 với tổng số tiền đạt 87.638 tỷ đồng.

Sở Du lịch thành phố đã xây dựng và triển khai kịp thời Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 gây ra trong lĩnh vực du lịch; kế hoạch giảm tác động đối với ngành du lịch thành phố trong và sau dịch bệnh; phối hợp Sở Y tế, UBND các quận, huyện khẩn trương rà soát khách du lịch hiện đang lưu trú tại các cơ sở lưu trú, mô hình Homestay/Airbnb, kiến nghị giải pháp quản lý các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố trong tình hình dịch bệnh; kiểm tra việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn an toàn phòng chống dịch bệnh.

Nỗ lực để nền kinh tế không bị đứt gẫy - Bài 1: Tiếp sức cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Thanh niên

Đồng hành bằng hoạt động cụ thể

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong nước và trên thế giới hiện nay, Thành phố tiếp tục xây dựng và thực hiện các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, dưới tác động của dịch COVID-19 đợt mới này, nền kinh tế thành phố gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi thực hiện các chỉ tiêu thu ngân sách và khôi phục kinh tế trong năm 2020. 

"Tính đến 31/7, TP HCMcó khoảng 21.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động và giải thể, kéo giảm số vốn đăng ký hơn 12.000 tỷ đồng. Vì vậy, ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả, TP HCM cần khẩn trương triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế trong thời gian sớm nhất", ông Nguyễn Thành Phong nói.

Thành phố tiếp tục rà soát và điều chỉnh kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, xây dựng nhóm giải pháp trong khuôn khổ tác động của đại dịch giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tồn tại, phát triển và tránh phá sản; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; nghiên cứu các kịch bản khôi phục du lịch và kích cầu du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt; đẩy nhanh tiến độ đầu tư công năm 2020 của thành phố...

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, TP HCM xây dựng gói hỗ trợ thứ hai để hỗ trợ doanh nghiệp trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trước mắt là các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch. 

Điểm nhấn của chính sách hỗ trợ các ngành nghề bị tác động nặng nề của dịch COVID-19 như: du lịch lữ hành, nhà hàng, khách sạn, vận tải và các dịch vụ liên quan đến du lịch...

Về các giải pháp cụ thể, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết, trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ Công tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình hình dịch COVID-19.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp từ nay đến hết năm 2020 với 5 nhóm giải pháp như: hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh, ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp; trong đó chú trọng hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động, hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa trên 100 triệu dân. 

Đồng thời, hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.

Nỗ lực để nền kinh tế không bị đứt gẫy - Bài 1: Tiếp sức cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thành Phong. (Ảnh: Zing News)

Là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 90-95% các doanh nghiệp lữ hành đã tạm ngưng hoạt động, Sở Du lịch thành phố đã xây dựng hai kịch bản hỗ trợ doanh nghiệp trong trong thời gian tới, đồng thời có những đề xuất cụ thể đối với nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết đã đề xuất UBND Thành phố tiếp tục có giải pháp cụ thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch tiếp cận những gói hỗ trợ của Chính phủ. 

Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng trong năm 2020 với khoảng thời gian từ 6-12 tháng; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong năm 2020...

Mặt khác, doanh nghiệp du lịch cần được hỗ trợ vay 50% tiền ký quỹ hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành và hoàn lại trong vòng 1 năm để có nguồn vốn tái khởi động. 

Cụ thể, hiện nay kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa thì doanh nghiệp ký quỹ 100 triệu đồng, còn đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 250 triệu đồng, khách du lịch ra nước ngoài là 500 triệu đồng.

Về lâu dài, Thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh quá trình số hóa quản trị doanh nghiệp và quản lý ngành. Mặt khác, tiếp tục các chương trình khởi nghiệp sáng tạo. 

Bên cạnh đó, kịp thời dự báo, phối hợp với các quốc gia đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở rộng cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lãnh đạo TP HCM thường xuyên yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động.

“Bởi khi doanh nghiệp phá sản kéo theo ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế trong xã hội", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Hoàng Tuấn