|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nợ đọng thuế có xu hướng 'phình to', vì sao?

21:00 | 11/06/2019
Chia sẻ
VOV.VN - ĐBQH cho rằng, vướng mắc việc cưỡng chế thu thuế qua ngân hàng rất khó khăn, dường như không thực hiện được vì có biểu hiện "xung đột lợi ích".

Nợ đọng thuế còn rất lớn

Giải trình trước Quốc hội chiều nay (11/6) về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, tình trạng hạch toán, kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, ảnh hưởng đến nguồn thu vẫn diễn ra tại một số doanh nghiệp và đơn vị được kiểm toán, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nợ đọng thuế có xu hướng phình to, vì sao? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội


Về tình trạng trốn lậu thuế, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo: Bên cạnh nhiều doanh nghiệp, hộ cá nhân đã chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật về thuế, vẫn còn một bộ phận người nộp thuế khai sai, khai thiếu số thuế phải nộp, có hành vi trốn lậu, nộp chậm, chiếm dụng tiền thuế.

UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan để thực thi đồng bộ, hiệu quả các giải pháp ngăn chặn kịp thời các phương thức, thủ đoạn trốn lậu thuế cũng như thực hiện tốt các biện pháp cưỡng chế, thu hồi nợ thuế cho NSNN, ông Nguyễn Đức Hải nêu rõ.

Về nợ đọng thuế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho hay, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc quản lý, thu hồi nợ đọng thuế song đúng như các vị ĐBQH đã nêu, tổng số nợ thuế do ngành thuế quản lý còn lớn (82.659 tỷ đồng), tăng 681 tỷ đồng so với năm 2016 và bằng 7,59% số thực thu nội địa năm 2017.

Tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, ông Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổng kết, xác định rõ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng nợ đọng thuế để đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ các vướng mắc hiện hành (nếu có), sát sao trong chỉ đạo, điều hành để thực hiện hiệu quả hơn công tác quản lý, đôn đốc, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế, góp phần giảm dần số nợ đọng thuế qua các năm.

Trước đó, tại phiên thảo luận về ngân sách nhà nước tại Hội trường, ĐBQH Phạm Đình Toản (đoàn Hưng Yên) nhận định, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, kê khai thiếu số thuế phải nộp còn xảy ra ở nhiều nơi.

"Nợ đọng thuế mặc dù được tập trung xử lý thu hồi nhưng vẫn còn rất lớn", ông Toản lưu ý.

Nợ đọng thuế có xu hướng phình to, vì sao? - Ảnh 3.

ĐBQH Phạm Đình Toản


Về chi ngân sách nhà nước, đại biểu Phạm Đình Toản cho rằng, tình trạng phân bổ, giao kế hoạch kéo dài, giải ngân vốn đầu tư chậm diễn ra nhiều năm song vẫn chưa được khắc phục. Tình hình chấp hành kỷ luật ngân sách chưa nghiêm, kết quả thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra còn nhiều sai phạm như nhiều dự án, công trình đội vốn cao, chi tiêu sai chế độ, vượt định mức, lãng phí vẫn còn xảy ra.

Khó thu nợ thuế vì "xung đột lợi ích"?

Đề xuất giải pháp tăng thu ngân sách nhà nước, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước) nhấn mạnh: Cần xử lý nợ đọng thuế bằng phương pháp cưỡng chế trích tiền qua ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng bên thứ 3 nắm giữ tài sản của cá nhân, tổ chức.

Nợ đọng thuế có xu hướng phình to, vì sao? - Ảnh 4.

ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh


Thực tế, các tổ chức thực hiện ở địa phương nhiều năm vướng mắc việc cưỡng chế thu thuế trước tiền qua ngân hàng, các tổ chức tín dụng rất khó khăn, dường như không thực hiện được vì có biểu hiện "xung đột lợi ích".

Theo phân tích của các chuyên gia chuyên ngành thuế, nếu nhà nước không thu được thuế thì bị thất thu thuế, ngân hàng, tổ chức tín dụng, bên thứ ba chưa thu hồi được vốn sẽ không bị mất vốn, vì có hai nguồn bù đắp là bảo hiểm tiền gửi và quỹ trích lập dự phòng rủi ro của khách hàng. Nếu nguồn không sử dụng hết sẽ chuyển thành lợi nhuận của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng, bà Hạnh phân tích.

Từ đó, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề xuất Chính phủ phải có quy định cụ thể, thứ tự ưu tiên trong việc thực hiện cưỡng chế nợ đọng thuế. Ưu tiên giải quyết lương, chính sách cho người lao động; thu nợ thuế; trả các khoản vay ngân hàng...

"Vấn đề này cần được luật hóa trong Luật Quản lý thuế (sửa đổi) mà Quốc hội sẽ thông qua trong kỳ họp thứ 7 này", bà Hạnh kiến nghị.

Dự toán thu NSNN năm 2019 Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Thuế là 1.168.100 tỷ đồng, bằng 101,8% so với ước thực hiện năm 2018. Trong đó, thu dầu thô là 44.600 tỷ đồng, bằng 67,5% so với ước thực hiện năm 2018.

Trần Ngọc