|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngân sách nhà nước năm 2019: Đừng để nợ đọng làm giảm nguồn thu!

21:13 | 01/05/2019
Chia sẻ
Nợ đọng thuế đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng theo các tháng năm 2019, cũng đồng nghĩa với áp lực hoàn thành nghĩa vụ thu thuế, đảm bảo cân đối thu chi mà Quốc hội giao đang đè nặng lên ngành tài chính.
Ngân sách nhà nước năm 2019: Đừng để nợ đọng làm giảm nguồn thu! - Ảnh 1.

Tổng thu ngân sách nhà nước trong quý 1/2019 đạt 381.000 tỷ đồng.

Báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước trong quý 1/2019 đạt 381.000 tỷ đồng, bằng 27% dự toán năm, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngân sách quý 1 đã có thặng dư

Trong đó, đáng mừng là nguồn thu nội địa trong quý 1/2019 lên đến 315.400 tỷ đồng, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2018 và bằng 26,9% dự toán năm 2019 mà Quốc hội giao. Thu từ dầu thô quý 1 chỉ đạt 12.280 tỷ đồng, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2018, bằng 27,5% dự toán năm. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu quý 1 cũng đạt 80.800 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2018, bằng 26,9% dự toán năm.

Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (27.800 tỷ đồng), thu cân đối ngân sách đạt khoảng 53.000 tỷ đồng, tăng khá mạnh 17,7% so với cùng kỳ năm 2018, bằng 28% dự toán năm.

Về chi ngân sách, báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết, tổng chi ngân sách quý 1/2019 đạt 315.600 tỷ đồng, bằng 19,3% dự toán năm, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 46.700 tỷ đồng, bằng 10,9% dự toán năm, tăng 32,4%. Chi trả nợ lãi đạt 30.7600 tỷ đồng, bằng 24,6% dự toán năm, giảm 3,6%. Chi thường xuyên đạt gần 237.200 tỷ đồng, bằng 23,7% dự toán năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Bộ Tài chính đánh giá, do nhu cầu chi quý 1/2019 thấp, nên cân đối ngân sách về tổng thể có thặng dư (thu lớn hơn chi). Điều này có thể là một tín hiệu đáng mừng, đặc biệt trong bối cảnh cân đối ngân sách là một bài toán khó đối với ngành tài chính trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực lý giải, dù cân đối ngân sách có thặng dư nhưng chủ yếu là do giải ngân vốn đầu tư công trong quý 1 tại các địa phương đang chậm, nên dẫn đến chi ngân sách không cao, chứ đây không phải là mức thặng dư "thực chất".

"Vấn đề cốt yếu là vẫn cần sự nỗ lực và sự quyết tâm hơn trong vấn đề thu, chi", ông Lực nói.

Nợ thuế đang ngày càng gia tăng

Năm 2019, Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước với tổng số thu là hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tổng số chi là trên 1,63 triệu tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 222.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Có thể nói, với mức thu cân đối ngân sách của năm 2018 đạt 1,422 triệu tỷ đồng thì nhiệm vụ thu ngân sách mà Quốc hội đã giao chỉ tương đương, không phải là quá khó đối với ngành tài chính. Tuy nhiên nếu xét đến khoản nợ thuế luỹ kế đang diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng theo các tháng của năm 2019 thì áp lực đối với cơ quan này lại không hề nhỏ.

Theo đó, tính đến ngày 31/3/2019 tổng số nợ đọng lên đến gần 83.000 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng số dự kiến thu nội địa năm 2019. So với thời điểm cuối năm 2018, nợ đọng thuế đã tăng 8,7%, tương đương tăng 6.644 tỷ đồng.

Điều đáng nói là trong tổng số tiền thuế nợ đọng, tiền thuế nợ có khả năng thu là 45.332 tỷ đồng, chiếm 54,6%, còn nợ không còn khả năng thu lên đến 37.640 tỷ đồng, chiếm 45,4% tổng số tiền thuế nợ thuế.

Ông Phi Vân Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế lý giải rằng, ngoài nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật thuế của một bộ phận người nộp thuế chưa cao, chưa nộp đúng, đủ, kịp thời số phát sinh phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật thì còn có nguyên nhân chủ quan do các đơn vị quản lý nợ chưa áp dụng triệt để các biện pháp đôn đốc cưỡng chế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế nên hiệu quả công tác thu nợ chưa cao.

"Cũng cần xem lại là con số tuyệt đối hay là tỷ lệ. Bởi nợ đọng thuế tăng lên thì thể hiện hai điểm. Thứ nhất là quy mô kinh tế đang tăng lên nên hành vi trốn thuế gia tăng, phức tạp. Thứ hai là điều này cũng không loại trừ lợi ích nhóm", chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định.

Ông Lực cho rằng, nợ đọng thuế tăng cũng đồng nghĩa với áp lực hoàn thành nghĩa vụ thu thuế của ngành thuế sẽ gia tăng.

Cân đối thu chi là chìa khoá của vấn đề

Không đưa ra một dự đoán cụ thể về bức tranh ngân sách năm 2019, chuyên gia Cấn Văn Lực chỉ đề xuất một số biện pháp mà ngành tài chính nói chung, cơ quan thuế nói riêng cần làm trong thời gian tới.

"Thời gian qua tôi đánh giá rất cao việc cơ quan thuế tích cực, chủ động trong vấn đề đòi nợ thuế. Ngành thuế cũng quyết liệt công khai các doanh nghiệp nợ thuế để truy thu. Mặc dù vậy, vẫn còn một số cái chưa phát huy được như tính minh bạch, thái độ phục vụ...", vị chuyên gia này nói.

Từ đó ông Lực cho rằng, một trong những vấn đề mà thời gian tới ngành thuế nên cải thiện là tăng cường các biện pháp cơ bản như thủ tục thuế cần đơn giản hơn, thái độ của cán bộ thuế cần niềm nở, đúng mực hơn. "Thái độ của cán bộ ngành thuế xét ở khía cạnh nào đó có tác động đến người nộp thuế, khiến người ta quyết định nộp thuế hay trốn thuế", ông nhận định.

Ngoài ra, trong vấn đề thu thuế cho ngân sách, chuyên gia này cũng cho rằng cần phải đảm bảo tính minh bạch và công bằng. Thực tế đã xảy ra trường hợp có hộ, công ty, doanh nghiệp lẽ ra phải nộp thuế nhiều hơn nhưng bằng cách nào đó lại chỉ phải nộp thuế rất ít. Nên vấn đề này cần phải thay đổi và đảm bảo làm sao cho công bằng.

Cùng với đó, là phải cơ cấu lại ngân sách nhà nước, giảm chi thường xuyên. "Mặc dù hiện nay chi thường xuyên đã giảm so với trước nhưng vẫn còn ở mức cao và cần phải giảm thiểu. Song song với giảm chi thường xuyên thì phải tăng thêm đầu tư phát triển", ông Cấn Văn Lực nhận định.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đặt vấn đề, không nên căn cứ vào nhu cầu chi tiêu mà xác định việc thu thuế, mà cần phải rà soát lại chi tiêu xem có hợp lý không.

"Những gì cần cắt giảm thì giảm, trên cơ sở cắt giảm tối đa thì mới xem xét việc thu thuế như thế nào, có cần tăng thêm các sắc thuế mới không... Đây là cách tiếp cận cần thiết nhất. Nếu tiết kiệm chi tiêu thì có thể cắt giảm được thuế cho doanh nghiệp", bà Lan góp ý.

Cùng với đó, chuyên gia Phạm Chi Lan đề xuất, cải thiện hành thu, không để thất thoát thuế từ những người gian lận thuế, từ những công chức làm về thuế, tăng năng lực, hiệu quả hành thu. Bà Lan cho rằng, vẫn có không ít trường hợp doanh nghiệp trốn được thuế, né được thuế là do có sự tiếp tay của cán bộ ngành thuế.

Song song với đó, ngành thuế cần tiếp tục đơn giản hóa bộ máy hành chính, cắt giảm tối đa lực lượng thuế nhằm tránh lãng phí, loại bỏ những cán bộ thiếu năng lực, thiếu đạo đức hoặc là cả hai, đang gây ra sự kém hiệu quả cho ngành thuế.

Chuyên gia Cấn Văn Lực bổ sung thêm, các sắc thuế cũng sẽ giúp nguồn thu tăng lên, nhưng theo nghiên cứu của ông, phải ưu tiên tăng cơ sở thuế.

"Cơ sở thuế ở đây là mở rộng đối tượng thu thuế trên cơ sở các sắc thuế hiện nay, chứ không phải là tăng thuế VAT. Chúng ta không tận thu nguồn thuế VAT, một khoản thu rất lớn cho ngân sách, mà thay vào đó nên tăng thu thuế các mặt hàng xa xỉ và thuế thu nhập cá nhân.

Nếu chúng ta cân đối được bài toán thu, chi một cách hợp lý thì nhiệm vụ thu ngân sách mà Quốc hội giao sẽ thực hiện được", chuyên gia Cấn Văn Lực đúc kết lại vấn đề.

Duyên Duyên