|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nợ công tăng nhanh gấp ba tốc độ tăng trưởng

08:17 | 08/01/2017
Chia sẻ
Tại hội nghị của Bộ Tài chính chiều 7-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tỉ lệ nợ công tăng rất nhanh, mức tăng trung bình trong năm năm qua là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. 

Thủ tướng yêu cầu xem xét trách nhiệm người đứng đầu tại các dự án thua lỗ của ngành công thương. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ - một dự án đầu tư ngàn tỉ đến nay liên tục gặp khó khăn, thua lỗ - Ảnh: LƯƠNG BẰNG

Ngày 6-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến chỉ đạo tại hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Công thương (sáng) và Bộ Tài chính (chiều). Thủ tướng đã đi thẳng vào những vấn đề của hai bộ này đang gặp phải và đưa ra các yêu cầu cụ thể để khắc phục.

Tại hội nghị của Bộ Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tỉ lệ nợ công tăng rất nhanh, mức tăng trung bình trong năm năm qua là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Dư địa chính sách tài khóa còn rất hạn hẹp, cân đối ngân sách khó khăn, thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ. Nên để có vốn đầu tư, vốn cho đầu tư phát triển, Chính phủ buộc phải đi vay.

Xem xét nới trần nợ công

Thẳng thắn nhấn mạnh chi thường xuyên tăng là nguyên nhân chính khiến ngân sách luôn căng thẳng, nợ công đã sát trần là 64,98%, nếu tính đầy đủ nợ xây dựng cơ bản, bảo hiểm xã hội, lãi suất hỗ trợ... thì nợ công đã vượt trần cho phép, Thủ tướng yêu cầu cần phải có biện pháp, thậm chí xem xét tới vấn đề nới trần nợ công.

Bộ Tài chính nghiên cứu rồi báo cáo Thường trực Chính phủ để báo cáo Thường vụ Quốc hội sao cho nợ công an toàn hơn.

Vấn đề thứ hai được Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành tài chính trong năm nay là phải đề xuất sửa một số sắc thuế, cải thiện môi trường đầu tư như thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt nghiên cứu về thuế nông nghiệp công nghệ cao.

Đánh giá cao Bộ Tài chính đi đầu khoán xe công, Thủ tướng yêu cầu cần tổng kết mô hình này, đề xuất sửa chính sách theo hướng giảm xe công và bán lại xe công đã mua.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, xe công “chỉ là một hạt ngọc trong khối tài sản khổng lồ kém hiệu quả của chúng ta”. Nguồn lực công rất lớn là trụ sở, đất đai nhưng chưa định giá chính xác, vẫn sử dụng tùy tiện.

Theo ông, đây là tâm điểm cho lợi ích nhóm, tham nhũng nên ngành tài chính cần đề xuất cách quản lý hiệu quả.

Ngành công thương “vấp”, nhưng chưa “ngã”

Tại hội nghị ngành công thương, Thủ tướng công nhận Bộ Công thương đã có những cải cách, đặc biệt về bộ máy, cán bộ.

Việc cắt giảm và bãi bỏ nhiều quy định không còn phù hợp như quy định dán nhãn năng lượng, quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo... đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thẳng thắn nêu tồn tại, hạn chế, Thủ tướng nói tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo ở nhiều đơn vị của Bộ Công thương đã tạo dư luận không tốt, nhiều dự án thua lỗ kéo dài, bất cập trong quy hoạch nên chưa tạo động lực và hỗ trợ tư nhân tham gia...

Cho rằng ngành công thương đang bị “vấp” nhưng chưa “ngã”, Thủ tướng yêu cầu ngành cần tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt tái cơ cấu bộ máy để tập trung nguồn lực nhằm phát triển những sản phẩm có thế mạnh của VN trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

“Đi đầu là bộ trưởng và người đứng đầu các tập đoàn đều phải lưu ý tái cơ cấu đơn vị mình thế nào. Tấm gương là Bộ Công thương đã làm, có quá nhiều cục vụ, quá nhiều đơn vị, làm gì cho đất nước?...

Các tập đoàn, tổng công ty bộ máy đồ sộ, người đông, không thiết thực, sản phẩm không rõ ràng và không tập trung thì phải sắp xếp lại” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với các dự án “đắp chiếu”, Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu khi xử lý các tồn tại. Ngân sách sẽ không tiếp tục ném tiền vào dự án thua lỗ nên Bộ Công thương cần phải tính toán, đánh giá kỹ lưỡng để xử lý, tránh thất thoát.

Nhiều tập đoàn kêu khó

Tại lễ tổng kết ngành công thương, một số tập đoàn nêu gặp nhiều khó khăn lớn.

Ông Lê Minh Chuẩn, chủ tịch Tập đoàn Than - khoáng sản, nhấn mạnh đây là năm thứ tư liên tiếp tập đoàn này gặp khó.

Giá alumin sụt giảm từ 300 USD xuống còn 200 USD, giá than cũng giảm tới 50%, ông Chuẩn khẳng định sản phẩm than của tập đoàn đang bị tồn kho tới trên 10 triệu tấn.

Ông Nguyễn Tiến Trường, tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN, cũng nêu năm 2016 ngành dệt may tăng trưởng chỉ 5,2%, thấp nhất kể từ năm 2008.

“Bảy nước tham gia xuất khẩu dệt may lớn của thế giới, chiếm giữ khoảng 60% lượng xuất khẩu đều cho VN là đối thủ cạnh tranh trọng tâm. Họ đều lấy những đặc điểm kinh doanh, chào hàng của VN làm đối tượng để đưa ra mức thấp hơn. Thời gian tới sẽ tiếp tục khó khăn khi cả năm nước xuất khẩu dệt may thế giới đều tập trung tấn công vào VN” - ông Trường lo ngại.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ nhỏ đi

Thủ tướng đã chỉ đạo ngành công thương và tài chính một số giải pháp mạnh.

Với Bộ Công thương, Thủ tướng yêu cầu ngành cần phải hội nhập tích cực, chủ động. Dẫn chứng việc xuất khẩu vào ASEAN giảm sút, Thủ tướng cho rằng cần có phương án thúc đẩy thị trường tiêu thụ, gắn với xúc tiến thương mại. Cần thúc đẩy để từ đại sứ đến thương vụ phải tập trung quảng bá sản phẩm VN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng “nhắc” phải có hàng rào thương mại phù hợp cam kết quốc tế để bảo vệ thị trường, huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư.

Thủ tướng nhấn mạnh: tới đây cần phát động sản xuất công nghiệp hướng đến phục vụ ngành nông nghiệp công nghệ cao, giảm nhập khẩu những sản phẩm cơ khí, máy móc trong nước đã sản xuất được. “Đừng để nông dân phải khổ vì chuyện đi nhập một số cái VN có thể làm được” - Thủ tướng nói.

Ông cũng yêu cầu ngành công thương phải huy động mọi nguồn lực kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư, ngành và lĩnh vực mà tư nhân làm tốt và hiệu quả cần khuyến khích để tư nhân làm.

Chỉ đạo Bộ Tài chính, Thủ tướng cũng nêu tinh thần khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ nhỏ đi, từng doanh nghiệp nhà nước phải mạnh lên. Thủ tướng đề nghị bộ này bảo đảm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

“Bao năm trời nay mới thoái được 8% vốn nhà nước, còn 92% vẫn Nhà nước nắm. Chỉ khi thực hiện cổ phần hóa hiệu quả thì chúng ta mới có thêm vốn phát triển đất nước” - Thủ tướng nói.

Ký nhiều hiệp định nhưng xuất khẩu liên tục giảm

Ông Cao Đức Phát, phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế trung ương, đã đưa ra vấn đề trên tại hội nghị tổng kết ngành công thương.

Ông Phát hỏi: Tại sao nhiều năm qua VN đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, nhưng tốc độ tăng trưởng lại liên tục giảm.

Dẫn chứng giai đoạn 2006-2010 tăng 16,1%, 2011-2015 tăng 13,7% và 2016 tăng chỉ 8,6%, ông Phát cho rằng cần phải hỗ trợ hàng hóa trong nước, đổi mới xúc tiến thương mại.

“Trụ sở, đất đai chưa định giá chính xác, vẫn sử dụng tùy tiện. Đây là tâm điểm cho lợi ích nhóm, tham nhũng. Ngành tài chính cần đề xuất phương thức quản lý hiệu quả nguồn lực đặc biệt quan trọng này

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Lê Thanh - Ngọc An