Nợ công hơn 3 triệu tỷ: ASEAN giảm, Việt Nam tăng
Tại bài nghiên cứu “Đánh giá Luật Quản lý nợ công tại Việt Nam và một số hàm ý chính sách” công bố ngày 7/11, TS Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Hồng Ngọc (Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách - VEPR) đã chỉ ra một số vấn đề đáng lo ngại về con số nợ công của Việt Nam.
Theo nhóm nghiên cứu, tại Việt Nam, nợ công đang là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm trên các diễn đàn kinh tế gần đây. Với một nước đang phát triển như Việt Nam, vay nợ có thể xem là một công cụ cần thiết để tài trợ vốn, đáp ứng nhu cầu đầu tư và khuyến khích phát triển sản xuất trong giai đoạn nền kinh tế còn có mức tích lũy thấp. Tuy nhiên, nếu chúng ta lạm dụng việc vay nợ và sử dụng thiếu thận trọng nguồn tài chính này thì các khoản nợ sẽ thành một gánh nặng cho tương lai, khiến sự bền vững của nền kinh tế bị đe dọa.
Nợ công của Việt Nam vẫn đang tăng. Ảnh: L.Bằng |
Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam những năm gần đây có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt kể từ năm 2011. Cụ thể, chỉ trong vòng 5 năm từ năm 2011 đến năm 2015, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã tăng khoảng 12,2 điểm phần trăm, từ 50% lên đến 62,2%.
Tới cuối năm 2016, nợ công ước tính đã lên tới 63,7% GDP. Với tốc độ tăng liên tục khoảng 5% mỗi năm như trong giai đoạn 2011-2016, mức trần nợ công 65% GDP do Quốc hội đặt ra có thể sẽ bị phá vỡ trong thời gian tới.
Dẫn số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhóm nghiên cứu đã cho thấy nợ công của Việt Nam đang cao hơn hẳn Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia.
Đáng chú ý, nợ công của nhiều nước ASEAN có xu hướng giảm dần, trong khi của Việt Nam vẫn tăng đều đặn.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, nợ công của Việt Nam mỗi năm tăng thêm khoảng gần 300 nghìn tỷ đồng.
“So với các quốc gia còn lại trong khu vực ASEAN cũng như so với các nhóm quốc gia mới nổi và đang phát triển trên thế giới, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ, từ vị trí thấp nhất giai đoạn từ 2000-2005 vươn lên đứng đầu trong năm 2016”, nhóm nghiên cứu nhận định.
Với chiều hướng gia tăng quy mô và tính rủi ro của nợ công như hiện nay, quản lý nợ công đang là một trong những vấn đề được quan tâm nhất đối với các nhà hoạch định chính sách, giới học thuật cũng như dư luận tại Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Dự thảo Luật Quản lý nợ công sửa đổi đã được xây dựng nhằm bổ sung, điều chỉnh và khắc phục các hạn chế của Luật hiện hành.
Nhóm tác giả cho rằng, cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật quản lý nợ công với Luật ngân sách nhà nước (ban hành vào năm 2015, có hiệu lực bắt đầu từ năm 2017) và Luật đầu tư công (ban hành vào năm 2014, có hiệu lực từ năm 2015), bên cạnh đó cũng cần đảm bảo sự liên hệ chặt chẽ của luật này với Luật Doanh nghiệp (trong đó bao gồm các DNNN) và Luật Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, cần cải thiện việc thống kê, quản lý và công bố thông tin về nợ công theo hướng tăng tính công khai, minh bạch, tính hệ thống, đầy đủ, tính trung thực, khách quan, chính xác và tính cập nhật. Đặc biệt, cần quy định cụ thể về biểu mẫu báo cáo thống kê nợ công, thời hạn công bố thông tin và mức độ cập nhật của số liệu công bố, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quản lý và đánh giá về tình hình nợ công.
Thông lệ tốt trên thế giới cho thấy khuôn khổ pháp lý nên quy định thẩm quyền quản lý nợ chỉ thuộc về một cơ quan, thường là một đơn vị thuộc Bộ Tài chính, nhằm tình trạng phân tán và tăng cường sự phối hợp trong quản lý nợ. Cụ thể, cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm giải trình nợ công từ khâu đàm phán, vay nợ, quản lý sử dụng nợ cho đến lên kế hoạch trả nợ, từ đó tăng tính thống nhất và hiệu quả trong quản lý nợ, tạo điều kiện giảm thủ tục hành chính và tinh giản bộ máy.
Cuối cùng, đối với quản lý rủi ro bảo lãnh Chính phủ, cần có cơ chế theo dõi và hạn chế tối đa tình hình ngân sách phải trả nợ thay hoặc bảo lãnh nợ cho các khoản DNNN tự vay tự trả khi các doanh nghiệp này phá sản. Thực hiện các biện pháp siết bảo lãnh nợ và tăng tính công khai, minh bạch trong việc bảo lãnh nợ.
Phó Chủ tịch WB: Việt Nam cần giải quyết nút thắt trong huy động vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng
Trong bối cảnh trần nợ công của Việt Nam đang sát ngưỡng cho phép và nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam ... |
Nợ công vẫn trong tầm kiểm soát
Theo Chính phủ, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam dự kiến vào cuối năm 2017 là 62,6%, so với mức 63,7% của ... |