Nissan tìm kiếm cơ hội sáp nhập với Honda
Honda Motor Co. và Nissan Motor Co. đang trong quá trình thảo luận sáp nhập, một bước đi chiến lược được kỳ vọng sẽ tạo ra một đối trọng mạnh mẽ với Toyota Motor Corp. tại Nhật Bản và nâng cao vị thế cạnh tranh toàn cầu. Thông tin này đã làm dấy lên nhiều tranh luận trong giới chuyên gia cũng như trên thị trường tài chính, theo Reuters.
Cổ phiếu Nissan đã tăng kỷ lục tới 24% trong phiên giao dịch, trong khi cổ phiếu Honda giảm 3,4%. Một số nguồn tin tiết lộ, hai hãng xe Nhật Bản đang xem xét nhiều phương án, bao gồm việc sáp nhập, liên kết vốn hoặc thành lập công ty mẹ chung. Mitsubishi Motors Corp. – đối tác vốn của Nissan, cũng có thể tham gia vào thỏa thuận này. Cổ phiếu Mitsubishi đã tăng 17% ngay sau tin tức.
Theo báo cáo từ TBS, các bên có thể đưa ra thông báo chính thức vào ngày 23/12, dù các cuộc thảo luận hiện vẫn ở giai đoạn đầu và chưa có gì đảm bảo sẽ đạt được thỏa thuận.
Sức ép cạnh tranh và lý do sáp nhập
Trong trường hợp thương vụ hợp nhất giữa Honda, Nissan và Mitsubishi hành công, điều đó sẽ tái cấu trúc ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản thành hai nhóm lớn: nhóm của Toyota và nhóm của Honda, Nissan và Mitsubishi. Hiện tại, Toyota dẫn đầu thị trường với doanh số 5,2 triệu xe trong nửa đầu năm, bỏ xa doanh số 4 triệu xe của Honda, Nissan và Mitsubishi cộng lại.
“Cả hai bên đều sẽ được hưởng lợi từ việc sáp nhập này,” Vivek Vaidya, Phó chủ tịch cấp cao tại Frost & Sullivan, nhận định. Ông cho rằng thực thể mới sẽ trở thành một nhà sản xuất ô tô toàn diện, từ động cơ đốt trong, hybrid đến xe điện (EV).
Trong bối cảnh thị trường EV ngày càng khốc liệt, đặc biệt với sự cạnh tranh từ Tesla và BYD của Trung Quốc, việc sáp nhập sẽ giúp Honda và Nissan tiết giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ phát triển xe thế hệ mới. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng đây có thể chỉ là “một sự hợp tác phòng thủ” để đối phó với khó khăn tài chính và sự suy giảm doanh số.
Bloomberg nhận định, thỏa thuận này sẽ mang lại lợi ích ngắn hạn cho Nissan, đặc biệt trong việc tái cơ cấu tài chính. Nissan hiện đang đối mặt với doanh thu trì trệ, lợi nhuận thấp, áp lực từ các cổ đông và khoản nợ lớn. Hãng đã phải giảm 9.000 nhân sự và 20% công suất sản xuất toàn cầu để tiết kiệm 2,6 tỷ USD.
Về phía Honda, hãng cũng gặp không ít thách thức trong việc duy trì sức cạnh tranh với các đối thủ lớn. “Honda kỳ vọng quy mô lớn hơn sẽ là lợi ích chính từ việc hợp tác này,” James Hong, nhà phân tích tại Macquarie Securities Korea Ltd., nhận xét.
Seiji Sugiura, nhà phân tích tại Tokai Tokyo Intelligence Laboratory, cho rằng sáp nhập sẽ tạo ra một trục đối trọng với Toyota, từ đó thúc đẩy sự cạnh tranh và đổi mới trong ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan. Julie Boote, nhà phân tích tại Pelham Smithers Associates, cảnh báo rằng Honda và Nissan sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề chồng chéo trong quản lý và vận hành. Việc tích hợp các hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh cả hai đều có lịch sử hợp tác không mấy thành công với các đối tác nước ngoài, sẽ là một bài toán lớn.
Honda và Nissan đã bắt đầu xây dựng mối quan hệ từ đầu năm nay thông qua việc hợp tác phát triển pin và phần mềm xe điện. Động thái này cho thấy cả hai đang nghiêm túc trong việc chuẩn bị cho tương lai EV.
Dù vậy, cả hai hãng đều bị đánh giá là tụt hậu so với Toyota – tập đoàn đã mở rộng liên minh với Subaru, Suzuki và Mazda. Với khả năng tài chính mạnh mẽ, Toyota vẫn là cái tên thống trị trên cả thị trường nội địa và quốc tế.
Viễn cảnh thương vụ sáp nhập giữa Honda và Nissan thành công, không chỉ thay đổi cục diện ngành ô tô Nhật Bản mà còn định hình lại chiến lược cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, với những thách thức về quản trị, tài chính và thị trường, liệu đây sẽ là một bước tiến chiến lược hay chỉ là “phao cứu sinh” tạm thời?
Khi ngày 23/12 đến gần, mọi con mắt đều đổ dồn vào quyết định của hai ông lớn này, trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô đang chuyển mình mạnh mẽ trước áp lực từ công nghệ và biến động kinh tế.