|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nikkei: Làn sóng M&A diễn ra trên khắp Đông Nam Á với Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu

15:37 | 30/12/2019
Chia sẻ
Các doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam Á đang gấp rút thực hiện các thương vụ mua lại ở những thị trường lân cận, trong đó doanh nghiệp Thái Lan dẫn đầu xu hướng, còn Việt Nam và Indonesia là hai điểm đến đầu tư hàng đầu.
Nikkei: Làn sóng M&A diễn ra trên khắp Đông Nam Á với Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu - Ảnh 1.

Nguồn: PR Week

Các thương vụ M&A tăng về số lượng lẫn qui mô thỏa thuận

Tính từ đầu năm 2019 đến ngày 16/12, Dealogic (công ty cung cấp thông tin tài chính có trụ sở tại Anh) cho biết họ đã phân tích 67 thương vụ mua lại ở Đông Nam Á với tổng giá trị là 9,6 tỉ USD, gấp gần ba lần con số 3,5 tỉ USD đạt được trongnăm 2018, theo đưa tin từ Nikkei Asian Review.

Cũng theo Dealogic, qui mô giao dịch trung bình đạt 144 triệu USD, mức cao nhất trong 10 năm qua.

Vì tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực không tương đồng và nhiều vấn đề chính trị còn tiếp diễn trên toàn thế giới, doanh nghiệp ở các nền kinh tế Đông Nam Á chín muồi hơn đang sử dụng phương thức M&A để đối phó với các thách thức.

Vào tháng 12, Bangkok Bank đã đạt được thỏa thuận mua ngân hàng Permata (Indonesia) với Standard Chartered. Để giành được thỏa thuận này, Bangkok Bank đã đánh bại Sumitomo Mitsui Banking Corp. của Nhật Bản và DBS Group Holdings cùng Oversea-Chinese Banking Corp. của Singapore.

Bangkok Bank đã đồng ý đầu tư 2,67 tỉ USD để mua lại 89% cổ phần của Bank Permata. Đây là thương vụ mua lại ngân hàng nước ngoài lớn nhất từng được thực hiện bởi một ngân hàng thương mại của Thái Lan.

Ông Chartsiri Sophonpanich, Giám đốc Điều hành kiêm Chủ tịch của Bangkok Bank, nhận định "khoản đầu tư trực tiếp chiến lược này" như một "cột mốc" cho ngân hàng.

Bangkok Bank cho biết mong muốn cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp Thái Lan mở rộng ra nước ngoài là đó một lí do cho thỏa thuận với Standard Chartered.

Các thương vụ M&A ở khu vực Đông Nam Á đang được "dẫn dắt" bởi các công ty đến từ những nền kinh tế tiên tiến hơn thực hiện. Nhà đầu tư Thái Lan chiếm khoảng 38% số lượng thỏa thuận tính theo giá trị trong giai đoạn 2010 - 2019, theo sau là Singapore (32%) và Malaysia (23%).

Nikkei: Làn sóng M&A diễn ra trên khắp Đông Nam Á với Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu - Ảnh 2.

Ảnh: Nikkei Asian Review/Dealogic

Tuy nhiên, tham vọng của các công ty từ Thái Lan tăng mạnh vào năm 2019 khi giá trị các thương vụ M&A của họ đã đạt mức 6,4 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 67% của khu vực.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Thái Lan PTT Exploration and Production đã mua lại chi nhánh Malaysia của Murphy Oil (công ty có trụ sở đặt tại Mỹ) với giá 2,1 tỉ USD vào đầu năm nay, trong khi Siam Cement mua 55% cổ phần của công ty bao bì giấy Indonesia Fajar Surya Wisesa hồi tháng 5.

Bà Pavida Pananond, Phó Giáo sư tại Trường Kinh doanh Thammasat (Bangkok), cho biết nền kinh tế phát triển hơn của Thái Lan đang giảm tốc một cách tự nhiên.

Tuy nhiên, các yếu tố kinh tế vĩ mô như "bất ổn chính trị, nhu cầu trong nước bão hòa, chính sách thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ hơn của chính phủ và đồng baht quá mạnh" có thể đẩy nhanh kế hoạch rót vốn ra nước ngoài của doanh nghiệp Thái Lan.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quí III của Thái Lan tăng 2,4% so với cùng kì năm ngoái. Trong khi đó, thấp hơn hầu hết quốc gia khác trong khu vực. Tăng trưởng GDP quí III của Việt Nam đạt 7,3% so với cùng kì năm 2018, của Philippines đạt 6,2%, của Indonesia đạt 5% và Malaysia đạt 4,4%.

Là một nền kinh tế tiên tiến hơn trong khu vực, Singapore ghi nhận mức tăng trưởng thấp 0,5% trong quí III so với cùng kì năm ngoái.

Nikkei: Làn sóng M&A diễn ra trên khắp Đông Nam Á với Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu - Ảnh 3.

Ảnh: Nikkei/Dealogic

Việt Nam và Indonesia là hai điểm hút vốn M&A hàng đầu

Theo dữ liệu của Dealogic, trong khi doanh nghiệp Thái Lan dẫn đầu số thương vụ M&A trong khu vực, Việt Nam và Indonesia lại lần lượt là điểm đến hàng đầu trong năm 2018 và 2019.

Hai nước trên thu hút nhiều đầu tư hơn kể từ giữa những năm 2010, từ đó tạo nên mức tăng trưởng nhanh chóng và thị trường nội địa rộng lớn.

Tập đoàn Ayala Corp. của Philippines đã đầu tư 237,5 triệu USD vào Yoma Group của Myanmar hồi tháng 11. Thương vụ này là minh chứng rõ ràng cho mô hình kể trên. Thỏa thuận hợp tác giữa Ayala và Yoma không lớn nhưng nó cho phép Ayala theo đuổi cơ hội tại một nền kinh tế ít phát triển nhưng tăng trưởng nhanh như Myanmar. Ayala cũng rất muốn nhân rộng thỏa thuận tương tự ở các thị trường khác.

Vốn nhận được rất nhiều khoản đầu tư, các công ty khởi nghiệp lớn của Đông Nam Á đang bắt đầu tham gia vào hoạt động M&A trong khu vực. Kì lân Gojek của Indonesia đã mua lại startup thanh toán Coins.ph của Philippines với giá 72 triệu USD hồi tháng 1 như một phần trong kế hoạch mở rộng của họ.

"Hoạt động M&A tại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng mạnh vào năm 2020", ông Justin Tang, Giám đốc cấp cao tại công ty United First Partners (Singapore), cho hay.

"Các nhà điều hành hiện nay đã bắt đầu chấp nhận viễn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và Brexit kéo dài.

Họ không thể ngồi yên chờ đợi giải pháp trước khi đưa ra quyết định được. Chúng ta đã thấy nhiều tập đoàn bắt tay làm các thương vụ M&A trong khi định giá đang khá hợp lí và ch phí vốn còn thấp", ông nói thêm.

Yên Khê