|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Xu hướng ngành bán lẻ: Cạnh tranh khốc liệt, sự trỗi dậy của thương mại điện tử và M&A hấp dẫn dòng vốn đầu tư

16:40 | 10/10/2019
Chia sẻ
Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa trong nhóm nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, ngành bán lẻ tăng trưởng kép 11% mỗi năm và được dự báo sẽ còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng trong giai đoạn tới.

CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa đưa ra nghiên cứu về ngành bán lẻ Việt Nam trong năm 2019, công ty này cũng đồng thời đưa ra xếp hạng các doanh nghiệp hàng đầu đối với nhóm hàng tiêu dùng nhanh, siêu thị và nhóm hàng lâu bền, điện máy, điện lạnh, vàng bạc.

r1

Nguồn: Vietnam Report

r2

Nguồn: Vietnam Report

Trong 5 năm trở lại đây, ngành bán lẻ Việt Nam tăng trưởng kép 11% mỗi năm. Tổng doanh thu bán lẻ cũng dự kiến sẽ đạt 180 tỉ USD vào năm 2020, tương đương mức tăng 26,6% từ năm 2018. Nguyên nhân có được sức tăng trưởng cao như vậy là nhờ qui mô dân số lớn (hơn 97 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% từ 18 - 50 tuổi). 

World Bank dự báo chi tiêu hộ gia đình sẽ tăng trung bình 10,5%/năm đi kèm tốc độ gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu. Ngoài ra, tăng trưởng các kênh bán lẻ kỹ thuật số và thương mại điện tử cũng rất đáng lưu tâm trong thời gian tới. 

Theo Vietnam Report, hai doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam là Vincommerce, với hệ thống VinMart và VinMart+, và CTCP Thế giới Di động, gắn liền với thương hiệu Điện máy Xanh, là hai cái tên có điểm số uy tín hàng đầu và giữ vững được vị trí đầu bảng trong hai năm liên tiếp. 

Khảo sát người tiêu dùng và chuyên gia cho thấy, VinMart được đánh giá cao về sự đa dạng hàng hóa, chất lượng của sản phẩm và khâu hậu mãi, chăm sóc khách hàng trong khi Thế giới Di động được đánh giá cao về tài chính và thương hiệu.

Nghiên cứu của Vietnam Report cho thấy một vài xu hướng của ngành bán lẻ. 

Cạnh tranh khốc liệt

Thứ nhất, mặc dù ngành bán lẻ đang có tiềm năng phát triển lớn nhưng cùng với đó là mức độ cạnh tranh khốc liệt với sự "đổ bộ" của nhiều doanh nghiệp nước ngoài và cả trong nước, không ít doanh nghiệp cả nội và ngoại đã buộc phải rời bỏ thị trường. 

Trong đó, các doanh nghiệp nước ngoài đã dần nắm bắt được thị hiếu và thói quen người tiêu dùng Việt Nam để điều chỉnh các hướng chiến lược kinh doanh phù hợp nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước. 

Kết quả nghiên cứu truyền thông của Vietnam Report trong giai đoạn 8/2018 - 8/2019 cũng cho thấy, top ba doanh nghiệp đầu ngành có sự rượt đuổi sát sao về độ phủ thông tin trên 24 nhóm chủ đề.

siêu thị

Nguồn: Vietnam Report

Trong khảo sát các doanh nghiệp bán lẻ do Vietnam Report thực hiện tháng 9/2019, các yếu tố liên quan đến môi trường cạnh tranh, chiến lược cạnh tranh được doanh nghiệp đánh giá là những tác nhân có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp toàn ngành nói chung trong ít nhất ba năm tới. 

Xét về kinh nghiệm phát triển trung tâm thương mại, doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh với các chuỗi bán lẻ nước ngoài có mô hình hiện đại và tiềm lực tài chính. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt đang cho thấy sức mạnh trong lĩnh vực cửa hàng tiện ích. 

Đặc biệt, thời gian tới khi thị trường ở khu vực đô thị đang dần trở nên bão hòa thì thị trường bán lẻ hiện đại sẽ cần lan tỏa đến các vùng nông thôn, nơi đang là "mảnh đất" tiềm năng để các doanh nghiệp phát triển kênh phân phối. Khu vực nông thôn với gần 80% diện tích và đang chiếm hơn 70% số dân Việt Nam là một quy mô thị trường khá lớn và khu vực này đang có nhu cầu mua sắm tăng theo cấp số nhân do sự cải thiện thu nhập nhanh chóng.

Thương mại điện tử phát triển nhanh chóng

Thứ hai, mặc dù các kênh thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, nhưng các kênh bán hàng truyền thống vẫn có sức thống trị thị trường. Trong khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy có đến 98% số doanh nghiệp bán lẻ cho rằng gần như toàn bộ doanh thu đến từ các cửa hàng, đại lý, chỉ có khoảng 2% đến từ bán hàng qua kênh thương mại điện tử. 

20180305174607-4

Thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng (Ảnh: Tinh tế)

Đây cũng là động lực thúc đẩy các nhà phân phối hàng hóa tiêu dùng gia nhập vào thị trường Việt Nam. Trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019 thì thị trường đã chứng kiến việc mở mới thêm hàng trăm cửa hàng tiện ích, siêu thị để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang gia tăng tại các đô thị lớn trên địa bàn cả nước. 

Hiện tại, thị trường bán lẻ của Việt Nam đang có hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi (tăng gấp đôi so với hai năm trước), hơn 8.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ. Dự kiến quí IV/2019 và trong cả năm 2020 nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục xu hướng phát triển chuỗi hệ thống bán lẻ trên thị trường cả nước. Sự kết hợp giữa hệ thống bán lẻ hiện đại và các kênh tiêu dùng truyền thống đã dần đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Xu hướng ứng dụng công nghệ 4.0 vào bán lẻ 

Thứ ba, xu hướng ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng đang buộc các doanh nghiệp bán lẻ phải thay đổi để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Trên thực tế, công nghệ 4.0 trong lĩnh vực bán lẻ đang âm thầm diễn ra và tạo nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam với những thay đổi đột phá từ những tiêu chuẩn dịch vụ đa dạng, hiệu quả và nhanh chóng dựa trên nền tảng công nghệ số, báo cáo của Vietnam Report nêu.

Trong câu hỏi về nhận định xu hướng chính của ngành bán lẻ trong ít nhất ba năm tới, kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy trong số top ba xu hướng được đề cập nhiều nhất, các doanh nghiệp cũng nhắc đến sự tham gia nhiều hơn của trí tuệ nhân tạo trong ngành (chiếm tỷ lệ phản hồi 63,64%).

Theo các thống kê gần đây của Appota công bố, Việt Nam đang nằm trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới với 49 triệu người kết nối Internet. Số người chỉ sử dụng điện thoại để truy cập Internet ở Việt Nam, nhất là ở độ tuổi từ 18 - 34 tuổi, chiếm tỷ lệ rất cao so với tỷ lệ người chỉ sử dụng máy vi tính hoặc các thiết bị khác. 

Không những thế Việt Nam là nước được biết có kết nối di động cao: 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh và theo dự báo, đến năm 2020 cứ 10 người Việt sẽ có 8 người dùng điện thoại di động (Google APAC) và 46% người sở hữu máy tính cá nhân. Đây chính là động lực để xu hướng mua bán online tại Việt Nam nói chung sẽ ngày một gia tăng.

Theo khảo sát của Vietnam Report về hành vi người dùng, trong các nhóm mặt hàng mà người tiêu dùng thường sử dụng kênh trực tuyến để mua nhất thuộc về ba nhóm hàng chính là đặt chỗ du lịch, vé máy bay, khách sạn (chiếm tỷ lệ 54,4%); quần áo, giày dép (41,2%) và thiết bị đồ dùng gia đình (38,2%).

Xu hướng M&A hấp dẫn dòng vốn đầu tư vào ngành

Thứ tư, xu hướng đầu tư và M&A trong ngành. Với một môi trường đầu tư được đánh giá là có nhiều cải thiện theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đang có xu hướng mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam thông qua các chiến lược M&A, nhượng quyền thương mại và các mô hình hợp tác khác nhằm khai thác tối đa quy mô thị trường với dân số gần 100 triệu người. 

Nhiều thương vụ M&A quy mô lớn, điển hình như các vụ M&A Metro Cash & Cary Việt Nam (gồm 19 trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu Euro) và Big C Việt Nam (32 siêu thị/đại siêu thị)… trị giá 1,14 tỉ USD. 

Bên cạnh đó, thị trường cũng chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong nước, điển hình là Tập đoàn Vingroup đã triển khai hoạt động M&A với các chuỗi bán lẻ nổi tiếng VinatexMart, OceanMart, Maximark và Fivimart; Tập đoàn BRG với Intimex và Hapro; Saigon Co.op với chuỗi Auchan (Pháp)…

9bavm2-1538969096-1568039526203938176499

VinComerce thâu tóm lại hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ từ năm 2014

Thời gian tới, Việt Nam dự kiến vẫn tiếp tục là một điểm sáng hấp dẫn dòng vốn M&A trong khu vực, Vietnam Report nhận định. 

Kết quả khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp bán lẻ cũng cho thấy, đứng thứ 3 trong top 5 động lực tạo nên sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong thời gian tới là M&A (tỷ lệ phản hồi khoảng 13%).

Hoạt động truyền thông của các thương hiệu bán lẻ Việt Nam chưa đủ mạnh

Thứ năm, hoạt động truyền thông của các thương hiệu bán lẻ Việt Nam chưa đủ mạnh. Thống kê dữ liệu mã hóa thông tin trên truyền thông cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ hiện vẫn còn hạn chế xuất hiện trên truyền thông (chỉ 26% số doanh nghiệp được nghiên cứu có sự hiện diện tối thiểu 1 lần/tuần), với độ bao phủ thông tin khá khiêm tốn (24,2% số doanh nghiệp đạt 12/24 nhóm chủ đề). 

Về chất lượng thông tin (tỷ lệ chênh lệch tích cực – tiêu cực trên tổng số tin), 48,4% số doanh nghiệp đạt được tỷ lệ an toàn 10%. Về nguồn gốc thông tin, tỷ lệ thông tin được dẫn nguồn từ doanh nghiệp hoặc các lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp còn rất khiêm tốn, 11,6%, trong khi nguồn tin từ báo chí chiếm tỷ lệ áp đảo với 88,4%. 

Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa trong nhóm nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, do đó ngành bán lẻ được dự báo sẽ còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng trong giai đoạn tới. 

Tuy nhiên, các khó khăn, thách thức đến từ nhu cầu tiêu dùng thay đổi liên tục đang đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các chính sách linh hoạt nhằm thích nghi với những xu thế cạnh tranh dựa trên công nghệ nhằm phù hợp với thói quen tiêu dùng hiện đại của thị trường có dân số trẻ như Việt Nam.

Đông A

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.