Nikkei: Công xưởng bận rộn chỉ còn là quá khứ, nhà máy ở Việt Nam trở nên lặng lẽ khi đơn hàng từ phương Tây chậm lại
Đáng nhẽ đây là thời điểm mà Phan Ngoc Anh – một công nhân may tại Việt Nam có thu nhập tốt nhất năm khi ngành dệt may bận rộn, vận chuyển các đơn hàng đến Mỹ và châu Âu trước dịp Giáng sinh. Nhưng đó là câu chuyện của những năm trước, không phải năm 2022 hiện tại, Nikkei Asia viết.
Nhu cầu mua sắm cuối năm – tưởng như bất biến, giờ lại đang sụt giảm đáng kể do đà giảm tốc của các nền kinh tế phương Tây ảnh hưởng tới khu vực Thái Bình Dương, tới cả những nơi như Việt Nam - quốc gia trong top xuất khẩu hàng may mặc, đồ điện tử và nhiều hàng hóa dịp lễ phổ biến khác.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 của Việt Nam giảm 14,3% so với tháng 8. Điều này làm dấy lên lo ngại về giảm tiêu thụ ở các thị trường nước ngoài – những nước là đối tác chính của Việt Nam và đang đối mặt lạm phát, thiếu hụt nhiên liệu và suy thoái kinh tế.
Anh, giám đốc bán hàng tại Po Lai Kam, công ty chuyên in nhãn "Made in Vietnam" trên các sản phẩm của Nike, Puma, Yonex và Levi's cho biết: "Nếu tình hình ở Mỹ và châu Âu không khả quan hơn, chúng tôi sẽ không còn hy vọng gì nữa".
Sản xuất giày dép, điện thoại và đồ nội thất đang chậm lại, trong khi đó một số công nhân nghỉ việc và bắt đầu về quê.
Trong quý III, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 13,7%, chủ yếu do cùng kỳ năm ngoái thấp vì giãn cách. Hầu hết chuyên gia đều dự đoán quý IV sẽ tăng trưởng chậm hơn.
“Năm nay, thị trường không phải chậm mà là bất động”, Megha Khemka, Giám đốc nhà cung cấp bông S.P. Yarns, nói trong một hội chợ thương mại gần đây.
Goldman Sachs cho biết xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh hơn dự kiến, đạt 29,9 tỷ USD trong tháng 9, mức thấp thứ hai trong năm nay. Theo Maybank, máy tính, thiết bị di động và linh kiện là những mặt hàng chính giảm mạnh nhất do nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Ngân hàng Thế giới cho biết hàng tồn kho cao và tiêu thụ giảm ở các nước nhập khẩu sẽ làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa châu Á. Tổ chức này dự báo các nền kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, thấp hơn mức dự báo 5% đưa ra hồi tháng 4.
S.P. Yarns, có trụ sở tại Ấn Độ, có khách hàng ở Indonesia, Bangladesh và Việt Nam vốn là những quốc gia sản xuất hàng may mặc cho các nhà bán lẻ như H&M và Primark của Châu Âu. Megha Khemka cho biết họ là những người cảm nhận rõ nhất sự sụt giảm trong chi tiêu của khách hàng,
Trong một báo cáo gần đây, Maybank dự báo tăng trưởng quý IV của Việt Nam sẽ giảm tốc xuống còn 5,7%.
"Những yếu tố bất lợi bên ngoài sẽ gia tăng trong năm tới và khiến kinh tế Việt Nam giảm tốc, do rủi ro suy thoái gia tăng ở Mỹ và EU khi Fed mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ và gián đoạn nguồn cung do chiến tranh Nga-Ukraine", Maybank cho hay.
Nikkei Asia cho rằng sóng gió đang thổi qua phần lớn châu Á, nhưng Việt Nam đặc biệt bị ảnh hưởng bởi Mỹ, EU là những khách hàng lớn nhất của Việt Nam.
Theo Our World in Data, quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam tương đương 208% GDP vào năm 2020 – mức cao nhất khu vực nếu không tính Singapore và Hong Kong (Trung Quốc).
Những biến động ở nước ngoài đang gây áp lực lớn lên nền kinh tế Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết tại cuộc họp báo công bố tăng trưởng GDP quý III và 9 tháng 2022. Bà Hương cho biết các doanh nghiệp vẫn cần được hỗ trợ để phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Tháng 9, tháng 10 năm ngoái, nhân viên làm việc tại các nhà máy giống như nhà máy của Anh phải lưu trú lại xưởng sản xuất để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, song ít nhất khi đó, họ cũng có nhiều việc để làm. Năm nay, họ không bị COVID-19 cản trở nhiều, nhưng lại không có việc làm. Tuy nhiên, Anh lạc quan rằng nhu cầu sẽ phục hồi về mức bình thường, nhưng phải qua ít nhất hai mùa mua sắm cho dịp nghỉ lễ nữa.