Chuyên gia lưu ý yếu tố có thể khiến nguồn cung ngoại tệ gặp khó khăn, gây thêm áp lực cho tỷ giá
USD mạnh hơn đã gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Tại thời điểm ngày 19/10/2022, chỉ số USD (thước đo giá trị đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền lớn trên thế giới) đạt 112,06 điểm (tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái).
Đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới biên độ giao dịch từ 3% lên 5% và tăng giá mua giao ngay từ 23.925 lên 24.380. Tỷ giá bán tại các ngân hàng thương mại cũng đã được điều chỉnh tăng khá mạnh sau khi nới biên độ, hiện giao dịch quanh vùng VND 24.500, tương đương với việc tiền Đồng đã mất giá gần 7% so với cuối năm 2021.
Cán cân thanh toán tổng thể cần thặng dư
Trong bối cảnh Fed vẫn tiếp tục thắt chặt tiền tệ, các chuyên gia đều nhận định diễn biến mạnh lên của USD là yếu tố chính gây áp lực lên tỷ giá trong nước.
Mới đây, khối phân tích của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo quý IV sẽ là giai đoạn căng thẳng nhất về diễn biến tỷ giá trong nước khi chỉ số USD nhiều khả năng tiếp tục tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed trong bối cảnh lạm phát toàn cầu duy trì ở mức quá cao so với mục tiêu của các ngân hàng trung ương.
Hơn nữa, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tại thời điểm cuối tháng 9 đã thấp hơn mức 12 tuần nhập khẩu nên dư địa để NHNN có thể tiếp tục can thiệp tỷ giá thông qua bán USD từ dự trữ ngoại hối sẽ hẹp dần.
Nói thêm về áp lực lên tỷ giá vốn đã căng thẳng, trao đổi với chúng tôi, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia cho rằng cần lưu ý đến cán cân thanh toán tổng thể. Nếu cán cân này không thặng dư, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung ngoại tệ, gây thêm áp lực cho tỷ giá vốn đã căng thẳng.
"Cán cân thương mại nước ta vẫn thặng dư, nhưng cán cân vãng lai thâm hut, đặc biệt là cán cân dịch vụ thâm hụt lớn trong khi cán cân tài chính cũng đang trong trạng thái yếu (vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp có biểu hiện rút ra).
Trong quý I và II, cán cân thanh toán tổng thể âm, hy vọng từ giờ đến cuối năm cán cân sẽ cân bằng được. Nếu không có thặng dư cán cân thanh toán tổng thể, nguồn cung ngoại tệ sẽ chịu áp lực trực tiếp, tỷ giá sẽ thêm căng thẳng. Khi cán cân thanh toán tổng thể dương, VND sẽ vững giá và khi đó NHNN có thể mua để tăng dự trữ ngoại tệ", TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Xuất khẩu yếu đi có tác động đến nguồn cung ngoại tệ?
Mới đây, các chuyên gia của SSI cũng đề cập đến nguy cơ nguồn cung ngoại tệ gặp nhiều khó khăn trong quý IV khi xuất khẩu nhiều khả năng yếu đi và kiều hối chậm lại. SSI cho rằng yếu tố nội tại kết hợp với áp lực từ bên ngoài khi Fed thực hiện tăng lãi suất trong tháng 11 và tháng 12 sẽ càng khiến cho tỷ giá chịu nhiều áp lực.
SSI nhấn mạnh biện pháp can thiệp từ NHNN sẽ khá hạn chế, khi dự trữ ngoại hối không còn quá dồi dào và nếu tăng lãi suất quá mạnh cũng sẽ tác động lớn đến trạng thái ổn định của nền kinh tế, vốn đang ở vị thế khá khó khăn.
Nói riêng về mảng xuất khẩu, trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 10, SSI cho biết số liệu đã điều chỉnh tính mùa vụ của xuất khẩu và doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cho thấy tăng trưởng đã chậm lại theo quý.
"Xuất khẩu trong quý III đã ghi nhận mức tăng trưởng âm so với quý II cho thấy triển vọng khó khăn trong thời gian tới đối với hoạt động thương mại", SSI cho hay.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 9, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại. Trong đó giá trị xuất khẩu giảm 14% so với tháng trước, chủ yếu ở các mặt hàng điện tử, máy tính, điện thoại. Tính cả quý III, lĩnh vực này cũng giảm tăng trưởng so với quý trước.
CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu đều tăng chậm lại khi xu hướng tiêu dùng của người dân Mỹ giảm tốc trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh. BSC đưa ra hai kịch bản dựa trên khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới suy thoái.
Ở kịch bản nếu Mỹ suy thoái vào năm 2022, xuất khẩu có thể tăng 13,1% và nhập khẩu tăng 12,6%. Nếu Mỹ suy thoái vào năm 2023, xuất khẩu có thể tăng 18% và nhập khẩu có thể tăng 17,3%.
Trong khi đó, các chuyên gia của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa hạ dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu năm 2022 xuống lần lượt 13% và 11% từ 15% và 14,5%, do triển vọng nhu cầu toàn cầu thấp hơn. Điều chỉnh này tương ứng thặng dư thương mại dự báo đạt 11,2 tỷ USD trong năm 2022, cao hơn so với 6,5 tỷ USD trong dự báo trước đó.
VCSC cũng giảm dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 xuống lần lượt 7,5% và 8% từ 12% và 11%, tương ứng thặng dư thương mại 10 tỷ USD.
Về nguy cơ xuất khẩu yếu đi có thể gây khó khăn cho nguồn cung ngoại tệ, gián tiếp gây áp lực lên tỷ giá của Việt Nam, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng điều này không đáng lo ngại.
"Không cần qua lo lắng về nguồn cung ngoại tệ từ nay đến cuối năm. Xuất khẩu của Việt Nam có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại theo tháng nhưng nhìn tổng thể vẫn tích cực. Ngoài ra vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân cũng tăng lên", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh so với các đồng tiền trong khu vực, VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất nên kiều hối gửi về Việt Nam vẫn sẽ tăng. Nếu VND mất giá nhiều như các đồng tiền khác, khi đó mới cần quan ngại về nguồn cung ngoại tệ.
Kể từ đầu năm 2022 (dữ liệu tính đến ngày 21/9/2022), hầu hết loại tiền tệ trong khu vực đã giảm hơn 5% giá trị so với USD, bao gồm Peso Philippines (-12,6%), Baht Thái Lan (-11,6%), Nhân dân tệ của Trung Quốc (-11,6%), Ringgit Malaysia (-9,7%) và Rupiah Indonesia (-5,4%).