|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ba yếu tố khó lường ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, sản xuất và lạm phát của Việt Nam

08:33 | 18/10/2022
Chia sẻ
Lạm phát cao toàn cầu, các ngân hàng trung ương lớn siết chặt chính sách tiền tệ và rủi ro suy thoái kinh tế là yếu tố khó lường kìm hãm đà tăng trưởng của Việt Nam, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, sản xuất và lạm phát trong nước.

Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 lên 7,8% (dự báo trước đó là 7,2%).

Các chuyên gia tại đây cho rằng có nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm đầu tư công; xuất khẩu tiếp tục được hưởng lợi nhờ lộ trình tham gia các hiệp định FTAs; dòng vốn FDI ổn định và tiêu dùng nội địa tích cực.

Ở chiều ngược lại, lạm phát cao toàn cầu, các ngân hàng trung ương lớn siết chặt chính sách tiền tệ và rủi ro suy thoái kinh tế là yếu tố khó lường kìm hãm đà tăng trưởng của Việt Nam, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, sản xuất và lạm phát trong nước.

Về lĩnh vực xuất khẩu, các chuyên gia tại đây đánh giá kim ngạch xuất khẩu Việt Nam các tháng cuối năm sẽ chịu nhiều áp lực hơn, đến từ các yếu tố sau.

 

Thứ nhất, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chậm lại, do nhu cầu tại các thị trường lớn giảm sút. Cụ thể, 43% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tương ứng 82,5 tỷ USD đến từ máy móc thiết bị, linh kiện điện tử đóng góp chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp FDI, trong đó tổng công ty lớn như Samsung (chiếm 50% tỷ trọng đóng góp giá trị xuất khẩu hàng điện từ của khối này) lại đang thu hẹp sản xuất, cắt giảm số ngày làm việc của công nhân từ 5 ngày/tuần xuống 3 ngày/tuần và khuyến khích các kỳ nghỉ cho công nhân tại nhà máy Việt Nam.

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP - ngành điện tử tháng 9 đã giảm mạnh về mức âm đạt âm 2,4 so với cùng kỳ.

Ngoài ra, đà tăng giá của mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông lâm thủy sản, gạo, thép,… có thể sẽ chững lại hoặc đảo chiều trong thời gian tới khi nguồn cung dồi dào. Bên cạnh đó, việc VND tăng giá so với các đồng tiền của đối tác thương mại (do neo theo USD), khiến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam giảm tính cạnh tranh.

 

Báo cáo nhấn mạnh lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu, vẫn là yếu tố khó lường có thể kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam do xung đột Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến nguồn cung hàng hóa cơ bản, nông sản và năng lượng thế giới vẫn gián đoạn gia tăng áp lực chi phí đẩy.

NHTW các nước lớn trên thế giới đã đồng thuận tăng lãi suất tăng, thu hẹp không gian chính sách nới lỏng tài khoá và tiền tệ.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng tại các quốc gia đối tác thương mại chính của Việt Nam là Mỹ và EU, Trung Quốc đều có xu hướng suy giảm trước rủi ro suy thoái kinh tế, do vậy có thể trở thành thách thức lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. 

Về lạm phát, mặc dù xuất hiện một số yếu tố rủi ro gây gia tăng áp lực lạm phát trong năm 2022, KBSV kỳ vọng lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt ở mức 3,8% cho cả năm 2022 do các yếu tố sau.

 

Thứ nhất, biến động giá hàng hóa, chủ yếu là giá xăng dầu trong nước giảm mạnh theo giá dầu thế giới từ cuối quý III.

Thứ hai, giá heo hơi ổn định quanh mức 55,000 – 60,000 nhờ nguồn cung ổn định đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Cuối cùng, khác với hầu hết các nền kinh tế khác, Việt Nam không có áp lực lạm phát xuất phát từ chính sách tài khoá và tiền tệ nới lỏng tích luỹ trong 2 năm COVID-19.

Khối phân tích cho rằng rủi ro gây gia tăng áp lực lạm phát trong quý IV sẽ đến từ việc gía xăng dầu tăng trở lại theo diễn biến giá xăng dầu thế giới khi nhu cầu tiêu thụ vào mùa đông tăng mạnh, nhưng việc Chính phủ ưu tiên bình ổn giá xăng dầu trong nước có thể sẽ giúp kìm cương đà tăng của lạm phát.

Hồng Hà