|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề nghị làm rõ dự báo thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa 3 tháng cuối năm lên tới 5,5 tỷ USD

11:46 | 20/10/2022
Chia sẻ
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ dự báo mức thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa 3 tháng cuối năm 2022 lên tới 5,5 tỷ USD và nhận định dấu hiệu suy giảm xuất khẩu đang trở nên rõ nét hơn trong thời gian gần đây.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV sáng 20/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: VGP).

Kinh tế năm 2022 ước tăng 8%

Báo cáo cho biết bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, khó lường, xung đột Nga-Ukraine, tình hình dịch bệnh thiên tai trên thế giới diễn biến phức tạp đã làm chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá dầu thô, lương thực thực phẩm, nhiều vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, lạm phát tăng cao đột biến, trong khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc, thậm chí đối mặt với nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế đối tác.

Trong nước, việc ban hành kịp thời triển khai bước đầu có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cùng với Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đã giúp nền kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ.

Tăng trưởng GDP 9 tháng 2022 đạt 8,83% là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Tăng trưởng quý III đạt 13,67%.

 

Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả ba khu vực của nền kinh tế. Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%.

Nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận tăng trưởng GRDP đạt mức cao như Bắc Giang 23,9%, Khánh Hòa 20,48%, Cần Thơ 17,57%, Đà Nẵng 16,76%, Hậu Giang 14,74%, Hải Phòng 12,06.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. CPI 9 tháng tăng 2,73%, lạm phát cơ bản 1,88%, các cân đối lớn được đảm bảo, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. VND được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực.

Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody's nâng hạng tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ước thực hiện cả năm có 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế xã hội đạt và vượt mục tiêu. Tăng trưởng GDP cả năm ước khoảng 8%, vượt chỉ tiêu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.

 

Đây là những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn dự báo. Bên cạnh đó báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra một số hạn chế.

Tăng trưởng quý III và 9 tháng đầu năm cao nhưng không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp (quý III/2021 giảm hơn 6%). Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là một trong những chỉ tiêu rất quan trọng, phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế không đạt, cho thấy chất lượng nền kinh tế còn hạn chế, tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và lao động. Việc hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% dân số là thách thức lớn và nhiệm vụ cần quan tâm.

Triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội có mặt còn hạn chế, phân bổ khá chậm, tỷ lệ giải ngân khá thấp. Tính đến ngày 28/9/2022, mới đạt 20%.

Giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% mới đạt khoảng 13,5 tỷ đồng trên gần 16.000 tỷ đồng phân bổ cho năm 2022. Mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong hai năm 2022-2023 nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên, rất khó thực hiện trong điều kiện hiện nay.

Xây dựng dự toán thu NSNN không sát thực tế, còn quá thận trọng, có thể làm giảm không gian chính sách tài khóa. Thu ngân sách 9 tháng 2022 đã đạt 94%, ước cả năm vượt dự toán hơn 14%.

Tỷ trọng thu ngân sách trung ương đang có xu hướng giảm dần trong tổng thu NSNN, ảnh hưởng vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương đặc biệt trong việc cân đối nguồn lực trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, các dự án quan trọng quốc gia,…

Giải ngân đầu tư công vẫn là điểm nghẽn, chưa được giải quyết, đến tháng 9 mới đạt 46,7%. Riêng vốn ODA chỉ đạt khoảng 15%. Có tới 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình, trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Triển khai các dự án trọng điểm quốc gia như xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ.

Mặc dù giải ngân đầu tư nước ngoài đạt kết quả tích cực, cả năm ước đạt 22 tỷ USD nhưng thu hút FDI 9 tháng giảm 15,3%. Vốn đăng ký cấp mới chỉ bằng 57,5% so với cùng kỳ

Cùng với giải ngân đầu tư công đạt thấp, cần đánh giá kỹ lưỡng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, và các năng lực sản xuất mới cho năm 2023 và những năm tiếp theo.

Việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, các doanh nghiệp kém hiệu quả, thua lỗ mới chỉ đạt kết quả bước đầu, chưa có chuyển biến thực chất trên thực tế.

Đề nghị làm rõ dấu hiệu suy giảm xuất khẩu

 

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị làm rõ dự báo mức thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa 3 tháng cuối năm 2022 lên tới 5,5 tỷ USD và nhận định dấu hiệu suy giảm xuất khẩu đang trở nên rõ nét hơn trong thời gian gần đây.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, đồ gỗ, lâm sản, da giày, gốm sứ đối mặt với tình trạng thiếu hụt, thậm chí hủy đơn hàng trong những tháng cuối năm 2022 và đầu 2023.

Doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại trong 9 tháng tăng cao, đạt 38,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên các doanh nghiệp mới chưa đóng góp nhiều cho nền kinh tế trong khi doanh nghiệp nói chung tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn lưu động, khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao, số lượng và lợi nhuận của đơn hàng xuất khẩu sụt giảm.

Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng nhiều cửa hàng xăng, dầu đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng, dầu bán cho khách hàng.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ tồn tại trong công tác chỉ đạo điều hành và kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu; khi giá xăng dầu giảm, giá cả nhiều mặt hàng vẫn neo cao, đặc biệt là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, lương thực, thực phẩm,… ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Trong quy hoạch, cơ quan thẩm tra lưu ý quy hoạch điện VIII rất quan trọng nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch điện VIII vẫn rất chậm so với yêu cầu, dẫn đến chưa triển khai được các dự án phát triển điện năng.

Thị trường chứng khoán dù có tốc độ tăng trưởng nhanh và chia sẻ vai trò huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế với thị trường tiền tệ, vẫn tiềm ẩn nhiều biến động, rủi ro.

Ủy ban Kinh tế dẫn chứng vừa qua, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán được dư luận quan tâm, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Có ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời đề nghị có đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn.

Cơ quan thẩm tra thống nhất định hướng, mục tiêu và chỉ tiêu báo cáo Chính phủ nêu nhưng đề nghị Chính phủ bổ sung cơ sở đề xuất chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2023 là 4,5%. Với áp lực lạm phát dự kiến sẽ ở mức cao trong năm 2023, Chính phủ cần lưu ý các thách thức khi thực hiện chỉ tiêu này.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ theo dõi sát tình hình giá xăng dầu thế giới và trong nước, từ đó đề xuất phương án kịp thời, phù hợp về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, nghiên cứu giải pháp miễn giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu cao.

Hồng Hà