|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Những yếu tố nào ảnh hưởng đến TTCK trong các tháng cuối năm?

11:42 | 16/09/2024
Chia sẻ
Số liệu tăng trưởng kinh tế duy trì xu hướng tích cực, hoạt động tín dụng được đẩy mạnh, vốn FDI vào Việt Nam tăng trưởng, hoạt động thương mại quốc tế phục hồi, ... là những yếu tố tác động tích cực tới TTCK. Ngược lại, hậu quả từ siêu bão Yagi, tình hĩnh vĩ mô quốc tế diễn biến phức tạp cùng áp lực bán ròng mạnh mẽ từ khối ngoại có thể cản trở đà tăng của VN-Index.

Theo báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Agribank (Agriseco), bức tranh kinh tế 8 tháng đầu năm tiếp tục khởi sắc với kim ngạch xuất nhập khẩu duy trì tăng trưởng hai chữ số, thặng dư thương mại tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo và lạm phát, tỷ giá được kiểm soát.

Ngành sản xuất tích cực với PMI duy trì trên ngưỡng 50 điểm trong 5 tháng liên tiếp, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi. Agriseco Research dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể hoàn thành mục tiêu 6,5 - 7% của Chính phủ.

Nguồn: GSO, Agriseco Research 

Nói về các cơ hội đầu tư đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà phân tích của Agriseco cho rằng số liệu tăng trưởng kinh tế tiếp tục xu hướng tăng tích cực tạo cơ sở cho sự phục hồi kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết. Tỷ giá đã được kiểm soát và hạ nhiệt giúp Chính phủ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Môi trường lãi suất duy trì ở mức thấp so với bình quân năm 2023 sẽ giúp giảm chi phí tài chính của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tín dụng đang được đẩy mạnh và định hướng tăng trưởng với 15% (cao hơn mức 14% của năm 2023) sẽ tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp gia tăng quy mô, doanh thu hoạt động. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán.

Nguồn: Fiinpro, Agirseco Research.

Song song đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có tình hình sản xuất tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm như thép, cao su, gỗ, dệt may, hóa chất, .… được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp trong ngành có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong nửa cuối năm 2024, đặc biệt so với mức nền thấp cùng kỳ 2023.

Vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đang tăng trưởng tốt trước xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn đang xúc tiến hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực bán dẫn, chip, năng lượng tái tạo. Điều này kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp công nghệ - viễn thông và bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi. Đồng thời nhóm Khu công nghiệp cũng được hưởng lợi gián tiếp từ các dự án đầu tư công đang triển khai liên quan đường xá, hạ tầng.

Ngoài ra, hoạt động thương mại quốc tế tiếp tục phục hồi mạnh với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 17% so với cùng kỳ 2023 kỳ vọng sẽ giúp các nhóm xuất khẩu ghi nhận kết quả kinh doanh tốt như hóa chất, dệt may, thủy sản, cao su. Bên cạnh đó, các ngành liên quan như logistics, cảng biển cũng được hưởng lợi từ xu hướng này.

"Lượng khách du lịch quốc tế duy trì đà tăng cao từ tháng 1/2020 và đã vượt thời điểm trước đại dịch nhờ các giải pháp kích cầu du lịch của Chính phủ, có thể tạo sự khởi sắc đối với kết quả kinh doanh cũng như diễn biến giá cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp hàng không, dịch vụ", báo cáo chỉ ra.

Nguồn: GSO, Agriseco Research 

Trong khi đó, Agriseco cũng lưu ý các yếu tố rủi ro mà nhà đầu tư cần tính đến. Việt Nam đang phải trải qua bão lũ lớn nhất trong 50 năm và gây nhiều thiệt hại về con người, kinh tế. Chuỗi cung ứng của một số hàng hóa thiết yếu có thể bị ảnh hưởng và tạo áp lực lên lạm phát các tháng tới.

Cùng với đó, tình hình vĩ mô quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, bầu cử tổng thống Mỹ, Nhật Bản tăng lãi suất, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt, rủi ro an toàn chuỗi cung ứng hàng hóa và triển vọng tăng trưởng kém tích cực của các nền kinh tế lớn.

Mặt khác, thị trường tiếp tục gặp áp lực bán ròng từ khối ngoại giai đoạn tới sau khi khối này đã bán ròng hơn 3,4 tỷ USD trong 1 năm qua. Những yếu tố này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Thu Thảo