Những yếu tố khiến đồng euro chạm đáy gần 3 năm
Đồng euro giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017
Đồng euro đã có chuỗi ngày giảm giá tệ nhất trong nhiều năm gần đây khi chỉ trong nửa tháng giao dịch đầu tháng 2/2020 đồng tiền này đã mất 2,4% giá trị so với USD và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017. Tính từ đầu năm đến nay, đồng euro đã giảm 3,4% giá trị so với đồng bạc xanh và là đồng tiền mất giá mạnh nhất trong nhóm G10.
Tại thị trường trong nước, tỷ giá euro cũng liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm, đặc biệt là trong những ngày giao dịch của tháng 2.
Tính từ đầu năm tới nay, giá mua euro tại Vietcombank đã giảm hơn 1.000 đồng/Euro, tương ứng giảm 4%; trong khi giá bán giảm khoảng 800 đồng/Euro, tương đương giảm 3%. Trong đó, riêng hai tuần giao dịch tháng 2, giá euro tại ngân hàng này đã giảm khoảng 400 đồng/Euro.
Cùng với đó, tỷ giá euro chợ đen cũng lao dốc mạnh và giảm xuống mua – bán ở mức 25.150 – 25.200 VND/EUR, tương ứng giảm khoảng 750 đồng/EUR ở mỗi chiều giao dịch (giảm 3%) so với mức ghi nhận vào ngày 31/12/2019.
Đồng euro sẽ tiếp tục giảm giá trong thời gian tới?
Theo dự đoán của các chuyên gia được Reuters thăm dò, đồng euro sẽ tiếp tục giảm giá trong thời gian tới do triển vọng kinh tế kém khả quan khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tiếp tục duy trì chính sách lãi suất âm và nới lỏng định lượng hiện hành.
"Đồng euro đã vi phạm mức hỗ trợ kĩ thuật 1,0877 USD/EUR vào ngày thứ Năm 14/2 (theo giờ Việt Nam). Điều này khiến đồng euro dễ bị tổn thương hơn nữa", các nhà phân tích cho biết.
Dịch virus corona (covid-19) cùng với sự suy giảm các hoạt động kinh tế khu vực châu Âu và sự mạnh lên của đồng đô la Mỹ đang củng cố hơn cho nhận định trên.
Theo đó, nền kinh tế khu vực EU đang chịu tác động tiêu cực từ dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona gây ra tại Trung Quốc khi một số quốc gia trong khối tiền tệ này có quan hệ thương mại chặt chẽ với nền kinh tế lớn nhất châu Á.
"Trong khi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc giúp giảm thiểu rủi ro thì sự lây lan của virus corona hiện là mối đe dọa chính đối với dự báo tăng trưởng của khu vực", Giám đốc điều hành Ủy ban Châu Âu cho biết vào ngày 14/2.
Không chỉ chịu tác động từ yếu tố bên ngoài, nền kinh tế khu vực này còn thể hiện một tiềm lực nội tại không vững chắc sau một loạt dữ liệu kinh tế kém khả quan.
Số liệu được công bố mới đây cho thấy tăng trưởng GDP của Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực Eurozone đã bị đình trệ vào cuối năm 2019, khiến nền kinh tế nước này rơi vào trạng thái suy yếu ngay cả trước khi covid-19 bùng phát.
Sản lượng công nghiệp của Đức trong tháng 12/2019 cũng chứng kiến mức sụt giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỉ trước. Trong khi dữ liệu được công bố vào ngày 10/2 cũng cho thấy sản lượng công nghiệp trong tháng 12/2019 của Ý yếu hơn nhiều so với dự kiến.
Giới phân tích dự báo nền kinh tế của khối Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục ảm đạm trong năm nay khi điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế xuống còn 0,9%, kèm theo đó là động lực lạm phát yếu và hiệu suất sinh lời của các tài sản tài chính tại đây đều rất thấp.
"Hiện tại, chúng tôi cho rằng các tài sản tính theo đồng EUR sẽ tiếp tục suy yếu so với tài sản dựa vào đồng bạc xanh… Do đó, chúng tôi nghĩ cặp tỷ giá EUR/USD sẽ giảm về còn 1,07 USD/EUR, giảm so với ngưỡng 1,15 USD/EUR như dự đoán trước đó", nhóm nhà nghiên cứu tại Danske Bank nhận định.
Trong khi đó, dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ đã kích thích giới đầu tư trú ẩn vào đồng bạc xanh trước những lo ngại đối với dịch covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân khiến đồng euro liên tục giảm giá so với đồng tiền này.
Bộ Lao động Mỹ ngày 13/2 cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,2%, đúng với kì vọng trước đó, trong khi CPI tăng 2,5% so với cùng kì, vượt dự báo 2,3% của các chuyên gia. Trước đó, báo cáo việc làm tháng 12/2019 cho thấy thị trường lao động đã tăng trưởng mạnh mẽ, đồng thời niềm tin doanh nghiệp cũng ghi nhận dấu hiệu tích cực.
"Dữ liệu kinh tế của Mỹ vẫn vượt trội so với các nền kinh tế khác và khoảng cách tăng trưởng với phần còn lại của thế giới vẫn còn đáng kể", Ugo Lancioni, Giám đốc quản lí danh mục đầu tư của Quỹ FX Neuberger Berman nhận định.
Ngoài ra, đồng euro hiện cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực do sự không chắc chắn trong mối quan hệ giữa Anh và EU.
Hồi đầu tháng 2, Michel Barnier, Giám đốc đàm phán của EU cho biết EU đã sẵn sàng thực hiện một hiệp định thương mại tự do trên diện rộng nhưng nhấn mạnh rằng sẽ có điều kiện đối với Anh và giữ lại các qui tắc của EU để đảm bảo một "sân chơi bình đẳng".
Trong khi đó, Thủ tướng Anh, Boris Johnson tiếp tục bày tỏ quan điểm cứng rắn khi nói rằng ông không sẵn sàng áp dụng các tiêu chuẩn của EU như là một biện pháp để đảm bảo một thỏa thuận thương mại tự do.