Những yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu ngân hàng trong tháng 4?
Theo báo cáo chiến lược thị trường tháng 4, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng nhóm ngân hàng sẽ là nhóm ngành cần chú ý trong tháng 4 sau khoảng thời gian dài giao dịch trầm lắng.
Cụ thể, ngoại trừ hai ngân hàng VietinBank (chưa tính đến banca) và Vietcombank có thể có lợi nhuận giảm từ nền so sánh cao trong cùng kỳ năm 2021, nhìn chung các ngân hàng còn lại vẫn có thể đạt kết quả kinh doanh khả quan với tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tương đối tích cực.
Đối với cả năm 2022, dựa vào kế hoạch sơ bộ của các ngân hàng, chúng tôi nhận thấy tăng trưởng lợi nhuận trước thuế có thể đạt khoảng 24% -25% so với cùng kỳ. Cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến dao động trong khoảng 15% -35%.
Chuyên gia nhận định trong ngắn hạn, nhóm ngân hàng có thể nhận thêm lực đẩy từ yếu tố kỹ thuật khi chúng tôi cũng thể hiện kỳ vọng vào lực mua từ quỹ VFM VNDiamond (10/18 cổ phiếu thuộc nhóm ngành ngân hàng) sau khi chứng chỉ lưu ký của quỹ này đã thực hiện thành công IPO tại thị trường Thái Lan dưới tên gọi DR "DIAMOND ETF".
Chứng chỉ lưu ký này bắt đầu được niêm yết và giao dịch từ ngày 31/3, được kỳ vọng có thể thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư Thái Lan vào Việt Nam.
Nhìn chung, chuyên gia cho rằng việc công bố kết quả kinh doanh quý 1 cùng những thông tin về kế hoạch ĐHCĐ và dòng tiền vào rổ VNDiamond có thể sẽ là những yếu tố hỗ trợ đáng kể cho diễn biến giá cổ phiếu của ngành ngân hàng và qua đó tác động tích cực lên thị trường chung trong ngắn hạn.
Công ty chứng khoán đưa ra hai cổ phiếu ngân hàng tiềm năng là VPB (VPBank) và MBB (MB). Theo đó, với VPBank, tăng trưởng tín dụng và huy động trong quý I dự kiến là 7% và 12% (so với mức bình quân ngành là khoảng 4% và 2%). Lợi nhuận trước thuế dự kiến khoảng 11.000 tỷ đồng (tăng 175% so với cùng kỳ), bao gồm toàn bộ khoản phí trả trước từ hợp đồng banca với AIA.
Nếu loại trừ khoản phí trả trước từ hợp đồng bancassurance thì lợi nhuận trước thuế cốt lõi của VPBank vẫn tăng trưởng khoảng 20-25%.
Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 của VPB cũng sẽ nằm trong nhóm cao nhất ngành với khoản thu phí này. Đồng thời kế hoạch phát hành riêng lẻ tiếp tục là chất xúc tác đối với cổ phiếu VPBank trong năm 2022
Với MB, lợi nhuận trước thuế quý I/2022 kỳ vọng tăng trưởng khả quan. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo trong cuộc họp với các chuyên viên phân tích trong tháng 3, tăng trưởng tín dụng dự kiến tính đến cuối quý I/2022 đạt khoảng 10-11%. lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến có thể đạt ít nhất 5.500 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ).
Kết quả kinh doanh cả năm 2022 dự báo ở mức cao với lợi nhuận trước thuế đạt 22.300 tỷ đồng tăng 35% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng đến từ mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ là 25,6% và áp lực dự phòng giảm 22%.
Bên cạnh đó, cơ sở khách hàng lớn, gần tiệm cận với nhóm các ngân hàng TMCP Nhà nước cũng sẽ tạo dư địa rất lớn cho MB có thể đẩy mạnh các khoản thu ngoài lãi. Dự báo ROE của MB sẽ đạt mức 26% là mức cao thứ 2 trong ngành và cao nhất trong các ngân hàng TMCP cùng quy mô.