|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những ưu thế vượt trội của BRICS

07:32 | 23/10/2024
Chia sẻ
Các nước BRICS sản xuất năng lượng nhiều hơn 74% so với G7 và diện tích trồng trọt ở các nước BRICS cao hơn gấp đôi diện tích đất canh tác ở G7.
 

Các nhà lãnh đạo của nhóm BRICS trong ngày bế mạc hội nghị thượng đỉnh năm 2023. (Ảnh: Getty Images).

Hội nghị thượng đỉnh BRICS khai mạc tại thành phố Kazan, Liên bang Nga vào ngày 22/10. Hội nghị kéo dài ba ngày và đón khách từ 34 quốc gia.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, vào năm 2024, tỷ trọng của các nước BRICS trong GDP toàn cầu, tính theo sức mua tương đương (PPP), ước đạt kỷ lục 36,7%.

Con số này cao hơn đáng kể so với mức 29,6% của nhóm các nền công nghiệp tiên tiến (G7) và cao hơn so với mức 35% đo lường vào cuối năm 2023 (khi BRICS chưa mở rộng). Nó cho thấy vai trò của các nước BRICS trong nền kinh tế toàn cầu đã tăng lên đáng kể và vẫn đang tiếp tục mở rộng.

GDP của BRICS, theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, là hơn 60.000 tỷ USD, vượt qua GDP của các nước G7, và khoảng cách này chắc chắn sẽ gia tăng. Tổng GDP của các nước G7 ước tính là 46.300 tỷ USD vào năm 2023.

Bộ trưởng Tài chính Nga Siluanov lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng trung bình của nền kinh tế BRICS sẽ đạt 4,4% mỗi năm, so với con số toàn cầu là 3,2%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước G7 sẽ chỉ ở mức 1,7%.

“Các nước BRICS đã chứng tỏ tốc độ tăng trưởng khá cao kể từ năm 2015 và đến năm 2022, nhóm này lần đầu tiên đã vượt qua các nước G7 về GDP”, chuyên gia Sergei Margulis, giảng viên cao cấp tại Khoa Chính trị Quốc tế và Nghiên cứu Khu vực của Học viện Tổng thống Nga, chia sẻ.

Còn Phó Giáo sư khoa Cơ sở hạ tầng thị trường tài chính tại Trường Kinh tế Cao cấp Nga, Andrey Stolyarov, cho biết tăng trưởng kinh tế mang tới cơ hội để các nước BRICS hành động độc lập hơn.

Chuyên gia Alexander Potavin, nhà phân tích tại Finam Financial Group, đánh giá BRICS có một số lợi thế nổi trội so với G7. Thứ nhất, BRICS là một thị trường khổng lồ, vì dân số của các nước thuộc nhóm này cao hơn ba lần so với dân số của các nước G7 (hơn 3 tỷ người so với 777 triệu người).

Thứ hai, BRICS gồm những quốc gia có nguồn tài nguyên khá phong phú. Trong Top 10 nước dẫn đầu thế giới về tài nguyên khoáng sản năm 2023, có đến 5 nước thuộc BRICS (Nga, Iran, Saudi Arabia, Trung Quốc, Brazil) với tổng giá trị tài nguyên trên 182 tỷ USD, trong khi G7 chỉ có hai đại diện là Mỹ và Canada với tổng giá trị 78,2 tỷ USD.

Theo chuyên gia Margulis, lâu nay các quốc gia G7 nổi lên chủ yếu nhờ lĩnh vực dịch vụ phát triển, chứ không phải do sản xuất thực tế, vốn đòi hỏi nền tảng tài nguyên tốt. Trong khi đó, các nước BRICS có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, không chỉ bao gồm dầu khí.

“BRICS chiếm khoảng 49% tổng trữ lượng dầu khí trên thế giới và nắm giữ 80% tổng trữ lượng nhôm toàn cầu. Nhờ Trung Quốc, BRICS dẫn đầu về trữ lượng kim loại quý, cũng như lithium và các nguyên tố cần thiết khác để phát triển sản xuất công nghệ cao”, chuyên gia Ekaterina Novikova, Phó Giáo sư Khoa Lý thuyết Kinh tế của Đại học Kinh tế Plekhanov, cho biết.

Vị chuyên gia này nói thêm, ngoài tài nguyên, Nga còn cung cấp cho các nước BRICS các tuyến hậu cần cần thiết cho thương mại.

“Mỗi quốc gia BRICS đều có thế mạnh riêng. Trung Quốc là công xưởng thế giới, nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Ấn Độ là quốc gia có dân số nhiều nhất thế giới. Nga và Saudi Arabia là những quốc gia có tài nguyên thiên nhiên lớn. Brazil là quốc gia lớn nhất ở Mỹ Latinh”, Phó Giáo sư Andrey Stolyarov giải thích.

Dân số đông đồng nghĩa với việc tiêu thụ nhiều lương thực và năng lượng. Các nước BRICS sản xuất năng lượng nhiều hơn 74% so với G7 và diện tích trồng trọt ở các nước BRICS cao hơn gấp đôi diện tích đất canh tác ở G7, nhà phân tích tại Finam Financial Group Alexander Potavin lưu ý. 

Ngoài ra, Ấn Độ và Trung Quốc còn có nguồn lao động giá rẻ, đây cũng là một lợi thế đáng kể cho phép hai nước này tăng sản lượng.

Cuối cùng, các nước BRICS có nguồn nhân lực dồi dào, có thể chưa phải chất lượng cao nhất, nhưng về mặt số lượng thì lớn hơn các nước G7, chuyên gia S.Margulis cho biết thêm.

Tuy nhiên, các nước BRICS cũng có những điểm yếu cần được khắc phục.

“BRICS chưa được thể chế hóa đầy đủ, nghĩa là nhóm vẫn chưa trở thành một tổ chức quốc tế chính thức, đôi khi không phải lúc nào cũng có thể nói rõ ràng liệu quốc gia này đã phải là thành viên của BRICS hay chưa.

Cần phải đạt được chất lượng và chiều sâu hợp tác mới trong liên minh. Lúc đó mới dễ tăng cường hợp tác tài chính và tạo ra một hệ thống thanh toán BRICS độc lập hoàn chỉnh,” chuyên gia Margulis nói.

“Các nước BRICS có chung một điểm, đều là những tác nhân kinh tế và chính trị lớn trên thế giới, song không nhận được vai trò tương ứng trong việc đưa ra các quyết định chính trị toàn cầu,” chuyên gia Alexander Potavin nhận định.

Ông cho biết thêm, BRICS còn có những mâu thuẫn riêng: “Để BRICS không còn chỉ là một từ viết tắt, cần phải tạo ra một số thể chế kinh tế thực sự. Ở giai đoạn đầu, đây có thể là cơ sở hạ tầng thanh toán xuyên biên giới thay thế hệ thống của phương Tây”.

Tâm Hằng