|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những ứng cử viên tái cơ cấu Sacombank

11:48 | 23/03/2017
Chia sẻ
Xử lý nợ là câu chuyện căn bản tại Sacombank sau khi ngân hàng nhận hợp nhất ngân hàng TMCP Phương Nam. Bất kỳ một đối tác nào muốn trở thành cổ đông của Sacombank đều thấu hiểu.

nhung ung cu vien tai co cau sacombank

“Chúng tôi đã chuẩn bị những điều kiện cần cho quá trình tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank). Tuy nhiên để tái cơ cấu thành công, phải hội tụ điều kiện đủ là sự chấp thuận của Ngân hàng nhà nước (NHNN) và Chính phủ. Bước đầu chúng tôi xin phép NHNN cho phép chúng tôi được tiếp cận số liệu, rà soát và đánh giá tình hình hoạt động của Sacombank để thẩm định chính xác thực trạng ngân hàng.

Sau đó chúng tôi sẽ xây dựng phương án tái cấu trúc cụ thể, chi tiết, chính xác và đề xuất một số cơ chế đặc thù từ phía NHNN và Chính phủ để tái cơ cấu đạt hiệu quả đề ra” – đây là một trong những ý chính của văn bản đề xuất tái cơ cấu Sacombank gửi đến NHNN của nhóm nhà đầu tư trong và ngoài nước bao gồm Evercore Group, Redsun Capital Limited và ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công.

Tăng ròng vốn điều lệ thêm 20.600 tỷ đồng

Evercore Group là công ty độc lập hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư có trụ sở tại New York, niêm yết trên thị trường chứng khoán New York với vốn hóa 2,8 tỷ USD. Theo trang của Tập đoàn, Evercore đang quản lý số tài sản trị giá 8 tỷ USD và cung cấp dịch vụ tư vấn ngân hàng đầu tư cho các thương vụ với tổng trị giá 2.000 tỷ USD. Evercore có 1.400 nhân viên với văn phòng ở New York, London, Frankfirt, Madrid, Singapore, Hồng Kông. Trong năm ngoái tập đoàn này đã thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập M&A trị giá 144 tỷ USD.

Đối tác nội trong nhóm nhà đầu tư trên, ngoài ông Đặng Văn Thành vốn không phải là cái tên xa lạ trong giới tài chính cũng như doanh nghiệp Việt, là Redsun Capital Limited – một công ty tư vấn chuyên về M&A khá kín tiếng mặc dù một số thành viên của họ đã tư vấn cho một vài ngân hàng tại Việt Nam.

Nhóm đầu tư Evercore – Đặng Văn Thành đề xuất gì cho cơ quan quản lý? Nói cách khác, họ có gì trong tay để tham gia “sân chơi” tái cơ cấu Sacombank?

Theo văn bản gửi NHNN, trước tiên họ sẽ bổ sung năng lực tài chính cho Sacombank thông qua việc tăng ròng vốn điều lệ thêm 20.600 tỷ đồng. Như vậy Sacombank sẽ tiếp nhận một khoản vốn mới để cải thiện căn cơ các chỉ số an toàn hoạt động. Kế đó một hội đồng xử lý nợ sẽ được thành lập, tập trung giải quyết nợ xấu và thu hồi các tài sản tồn đọng. Bước tiếp theo Sacombank sẽ sử dụng các nguồn thu nhập có được để trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu.

Đã thông suốt quan điểm tái cơ cấu

Xử lý nợ là câu chuyện căn bản tại Sacombank sau khi ngân hàng nhận hợp nhất Ngân hàng TMCP Phương Nam. Bất kỳ một đối tác nào muốn trở thành cổ đông của Sacombank đều thấu hiểu điều này. Năm ngoái khi Sacombank trình đề án tái cơ cấu lên NHNN, ngân hàng đã đưa ra khoảng thời gian 10 năm cho toàn bộ quá trình tái cấu trúc bao gồm bán một phần lớn nợ xấu cho VAMC, áp dụng cơ chế đặc biệt đối với tỷ lệ tài sản không sinh lời, giãn và giảm các nghĩa vụ về thuế, tiếp tục niêm yết trên sàn Tp. HCM nhưng chỉ thực hiện công bố báo cáo tài chính năm mà không công bố báo cáo tài chính quý… Tuy nhiên đề án này đã được cơ quan quản lý trả lời với yêu cầu bổ sung chính sửa rất nhiều điểm mấu chốt.

Hai tuần trước đây, sau khi NHNN ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê, nguyên phó Chủ tịch HĐQT và ông Trầm Khải Hòa, nguyên thành viên HĐQT, cơ quan quản lý đã có những cuộc họp quan trọng về Sacombank. Một quan chức cấp cao của NHNN cho biết đã thống nhất được và thông suốt quan điểm tái cơ cấu ngân hàng này.

Thứ nhất từ nay NHNN là đầu mối xem xét, phê duyệt, chỉ đạo thực hiện và giám sát quá trình tái cơ cấu Sacombank. Thứ hai mọi tài sản của ông Trầm Bê và những người liên quan (không chỉ tài sản thế chấp, cầm cố tại Sacombank) đều phải được ưu tiên để xử lý nợ ở Sacombank, do đó mọi giao dịch chuyển nhượng đều phải được sự chấp thuận của NHNN. “Ông Trầm Bê và người có liên quan có trách nhiệm tiếp tục xử lý các tồn tại ở Sacombank theo quy định của pháp luật hiện hành”, thông cáo báo chí ngày 24/2/2017 của NHNN nhấn mạnh.

NHNN cũng yêu cầu Sacombank phải trình lại để án tái cơ cấu và bổ sung thêm các điểm mới theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhằm kịp thời tiến hành ĐHĐCĐ vào ngày 28/4/2017. Tuần trước Sacombank mới chỉ thông báo cho cổ đông ngày chính thức đại hội và dự kiến đưa ra trình Đại hội số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ tới là 7 người, tức đúng bằng số lượng thành viên hiện hữu sau khi ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa không còn vai trò tại đây. Theo quy định pháp luật, tối thiểu một tháng trước ĐHĐCĐ, các ngân hàng phải nộp danh sách hội đồng quản trị cho NHNN để cơ quan này xem xét xét. Như thế chậm nhất ngày 28/3/2017 Sacombank phải nộp danh sách HĐQT dự kiến cho NHNN.

Thời điểm thích hợp

Không phải ngẫu nhiên việc đầu tiên những ứng cử viên muốn tham gia tái cơ cấu Sacombank xin được thực hiện khảo sát thực trạng (due dilligence) ngân hàng. Không dễ để vẽ bức tranh thật khi điều kiện chưa cho phép.

Nhìn vào báo cáo tài chính quý IV/2016 của Sacombank đăng tải trên web của Sở giao dịch chứng khoán Tp. HCM, ngân hàng có các khoản phải thu 17.352 tỷ đồng, các khoản lãi và phí phải thu 26.389 tỷ đồng (trang 1), nợ xấu từ nhốm 3 đến nhóm 5 chiếm 5,35% tổng dư nợ (trang 18).

Cũng tại trang 18, chứng khoán nợ do tổ chức kinh tế phát hành mà Sacombank đang nắm giữ lên tới 38.300 tỷ đồng, trong đó 95% là trái phiếu do VAMC phát hành. Nói cụ thể Sacombank đã bán cho VAMC số nợ rất lớn, lớn thứ hai trong số các ngân hàng, có lẽ chỉ sau Agribank.

Cho dù thế, Sacombank vẫn được giới đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Sacombank có sức hút của riêng nó. Vì sao?

Ông Dominic Seriven, Chủ tịch HĐQT Dragon Capital, từng là cổ đông cũ của Sacombank và từng tiếp xúc với nhiều tổ chức đàu tư nước ngoài quan tâm đến Sacombank, lý giải: “Trước khi nhận sáp nhập PNBank, Sacombank là một trong những định chế tài chính bán lẻ hàng đầu của Việt Nam, có hệ thống mạng lưới rộng, nền tảng cơ bản, chỉ cần một bộ máy quản trị chuyên nghiệp, minh bạch hơn, có tầm hơn thì ngân hàng sẽ bứt phá nhanh. Quy mô là điểm quan trọng trong tương lai gần khu huy động vốn ngày cảng trở nên cạnh tranh”.

Hải Lý

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.