|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những sàn thương mại điện tử Việt đóng cửa trong năm 2019

12:20 | 25/12/2019
Chia sẻ
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam mặc dù được đánh giá là mảnh đất màu mỡ với dân số trẻ và mức chi tiêu cao, tuy nhiên lại là cuộc chơi đốt tiền khi hầu hết ông lớn còn trụ lại chưa có lợi nhuận.

Những ngày cuối năm 2019, thị trường thị trường thương mại tử (TMĐT) Việt Nam chứng kiến sự ra đi của những website thương mại điện tử đình đám. Làn sóng ra đi này vốn dĩ xuất hiện không ít kể từ năm 2015.

Robins.vn

Ra mắt tại Việt Nam từ tháng 5/2017 và thuộc sở hữu của Tập đoàn Thái Lan Central Group (Tập đoàn sở hữu Big C và Nguyễn Kim), Robins.vn là một kênh bán hàng thời trang nhận rất nhiều kì vọng từ công ty chủ quản.

Trước đó tiền thân của Robins.vn, Lazora đã nhảy vào Việt Nam từ năm 2012 và tới năm 2016 thì thuộc quyền sở hữu của Central Group.

Trên thực tế ở thời điểm năm 2017, Robins.vn vẫn nằm trong top 5 website TMĐT hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên kể từ tháng 11/2018, lượng tương tác trên sàn liên tục có dấu hiệu suy giảm. 

Những sàn thương mại điện tử đóng cửa trong năm 2019 - Ảnh 1.

Dòng thông báo ngắn gọn xuất hiện trên website Robins.vn sau khi sàn TMĐT này ra thông báo đóng cửa.

Đến tháng 3/2019, website có thông báo đóng cửa. Đội ngũ Robins.vn cho biết thêm sẽ sớm trở lại với mô hình mua sắm trực tuyến mới hấp dẫn và đa dạng hơn.

Theo thống kê, ở thời điểm ra thông báo đóng cửa, lượng truy cập của Robins.vn chỉ đạt 600.000 lượt, thấp hơn nhiều so với vài chục triệu lượt của Tiki hay Lazada.

Robins.vn không phải là sàn TMĐT đầu tiên của Central Group tại Việt Nam phải đóng cửa. Thời điểm thâu tóm Big C năm 2016, Tập đoàn của Thái Lan đã cho đóng cửa trang Cdiscount.vn thuộc Big C.

Adayroi

Ra mắt từ tháng 8/2015 và thuộc sở hữu Vincommerce của Tập đoàn Vingroup, Adayroi thông báo ngừng hoạt động vào ngày 20/12/2019 sau hơn 4 năm phát triển.

Trước đó, Vingroup xác nhận tái cấu trúc mảng bán lẻ, bắt đầu bằng việc chuyển giao quyền kiểm soát Vinmart, Vinmart+ và VinEco sang cho Tập đoàn Masan. Vingroup vẫn sẽ đóng vai trò cổ đông theo thỏa thuận giữa hai Tập đoàn.

Những sàn thương mại điện tử đóng cửa trong năm 2019 - Ảnh 2.

Việc đóng cửa Adayroi nằm trong kế hoạch tái cơ cấu của Vingroup. Ảnh: Adayroi

Ngay sau đó, phía Vingroup tiếp tục phát đi thông báo sẽ sáp nhập Adayroi vào VinID, trước khi công bố việc sàn TMĐT sẽ ngừng hoạt động kể từ tháng 12/2019. Sau khi đóng cửa, việc thanh lí các hợp đồng với các nhà cung cấp sẽ do VinID phụ trách. 

Theo thông báo, việc đóng cửa Adayroi nằm trong kế hoạch tái cơ cấu của Tập đoàn, qua đó Vingroup có thể tập trung mọi nguồn lực vào mảng công nghiệp - công nghệ.

Ngoài ra, Vingroup cũng cho đây là một bước chuyển mình quan trọng nhằm nâng cấp mảng TMĐT theo mô hình kết hợp giữa phương thức bán lẻ truyền thống và phương thức bán lẻ trực tuyến (O2O) với tên gọi "New Retail".

Lotte.vn

Là sàn TMĐT chính thức của Tập đoàn Lotte tại Việt Nam, Lotte.vn là đơn vị bán lẻ trực tuyến mới nhất trong năm nay ra thông báo đóng cửa vào ngày 25/12.

Theo thông báo, website Lotte.vn sẽ ngừng hoạt động kể từ ngày 20/1/2020 và các đối tác, đơn vị cung cấp sẽ có thời hạn tới ngày 20/2/2020 để giải quyết hết công nợ với đơn vị chủ quản. 

Trên thực tế, Lotte.vn không phải là một sàn TMĐT quá lớn. Trước khi thông báo đóng cửa, trang mới hỗ trợ vận chuyển hàng trong khu vực TP HCM. Ngoài ra, con số 30.000 mặt hàng trên website là tương đối khiêm tốn so với những Tiki, Lazada, Shopee hay Sendo.

Những sàn thương mại điện tử đóng cửa trong năm 2019 - Ảnh 3.

Đại diện truyền thông của Lotte.vn gửi thông báo dừng bán hàng tới các đối tác sáng ngày 25/12.

Công ty chủ quản của Lotte.vn có chia sẻ việc ngừng hoạt động của sàn TMĐT nằm trong kế hoạch thay đổi kế hoạch kinh doanh trong tương lai.

Ở thời điểm trước khi ra thông báo đóng cửa, Lotte.vn cũng đã có đăng kí tham dự ngày hội mua sắm Online Friday 2019 do Cục TMĐT và Kinh tế số thuộc Bộ công thương tổ chức. Ở sự kiện, Lotte.vn cũng đưa ra những ưu đãi mua hàng cho gần 800 mặt hàng khác nhau trên sàn.

Không riêng năm 2019, giai đoạn 2015 - 2018, thị trường TMĐT cũng chứng kiến không ít website đóng cửa.

Cuối tháng 11/2018,  Thế giới Di Động đóng cửa trang TMĐT vuivui.com.

Vuivui.com từng được lãnh đạo Thế giới Di Động kì vọng sẽ tăng trưởng vượt bậc sau 4 - 5 năm nhưng đã phải đóng cửa sau khoảng 1 năm chính thức đi vào bán hàng.

Những sàn thương mại điện tử Việt đóng cửa trong năm 2019 - Ảnh 4.

Thông báo trên website vuivui.com của Thế giới Di Động. (Nguồn: VnExpress)

Năm 2016, website Lingo.vn bất ngờ ngừng hoạt động và không hề có bất kì thông báo nào. Ra mắt vào 8/2011, thuộc sở hữu của CTCP Truyền thông VMG, hoạt động theo mô hình B2C. Giai đoạn năm 2012 đến hết tháng 6/2016, Lingo.vn lỗ khoảng 150 tỉ đồng, theo Zing.

Năm 2015, thị trường TMĐT Việt Nam cũng chứng kiến sự ra đi của Deca.vn chỉ sau khoảng hơn 1 năm hoạt động. 

Những sàn thương mại điện tử Việt đóng cửa trong năm 2019 - Ảnh 5.

Thông báo đóng của dủa Deca.vn

Đại diện trang TMĐT chuyên bán đồ dùng dành cho các bà mẹ bỉm sữa này khi đó tuyên bố: "Về tiền bạc, chúng tôi vẫn rất dồi dào nhưng quyết định không theo đuổi dự án kinh doanh này nữa", ông Phan Minh Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Quảng cáo Trực tuyến 24h khi đó, đơn vị sở hữu website Deca.vn .

Cũng trong năm 2015, Việt Nam chứng kiến thêm nhiều trang TMĐT phải ra đi khác như beyeu.com hay Foodpanda.vn (trước khi đóng cửa, Foodpanda.vn đã được Rocket Internet đầu tư đến 310 triệu USD).

Lamdieu.com, Foreva.vn, fab.vn... cùng không ít trang TMĐT khác cũng đã phải ra đi trong cuộc đua "đốt tiền" nhưng không mang lại hiệu quả này.

Tiểu Phượng