|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những rủi ro cản trở triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2021

16:02 | 22/02/2021
Chia sẻ
AMRO nhận định kinh tế Việt Nam trong năm nay có thể phải đối mặt với một số rủi ro nhất định. Những ảnh hưởng để lại của đại dịch, chẳng hạn như sự suy yếu dòng tiền doanh nghiệp và tình trạng thất nghiệp có thể cản trở triển vọng phục hồi.

Năm 2021, kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 7% nhờ sự phục hồi từ nhu cầu bên ngoài, kinh tế trong nước và năng lực sản xuất tăng lên. Trong bối cảnh sự bất định ngày càng gia tăng, việc tiếp tục hỗ trợ chính sách là điều cần thiết để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế và tạo điều kiện chuyển đổi sang "trạng thái bình thường mới" sau đại dịch. Đây là đánh giá sơ bộ của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO).

TS. Seung Hyun Luke Hong, đại diện nhóm chuyên gia tài chính của AMRO nhận định: "Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 2,9% do đại dịch COVID-19 nhưng dự kiến sẽ phục hồi ở mức 7% năm 2021. Sự phục hồi này đến từ sức cầu bên ngoài, kinh tế trong nước, dòng vốn FDI và năng lực sản xuất tăng lên".

Tuy nhiên, AMRO nhận định kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt với một số rủi ro nhất định trong năm nay. 

Những rủi ro cản trở triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2021 - Ảnh 1.

AMRO nhận định một số rủi ro cản trở việc phục hồi của kinh tế Việt Nam năm 2021.(Ảnh: Amro Asia).

Nhóm chuyên gia của AMRO cho rằng sự phục hồi kéo dài và không đồng đều của nền kinh tế toàn cầu có thể gây nguy hiểm cho sự phục hồi của sức cầu thế giới. Trong khi nhu cầu trong nước đã tăng lên sau khi ngăn chặn tương đối thành công đại dịch, Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ xuất hiện thêm các ca nhiễm COVID-19. Ngoài ra, những ảnh hưởng để lại của đại dịch, chẳng hạn như sự suy yếu dòng tiền doanh nghiệp và tình trạng thất nghiệp có thể cản trở việc phục hồi.

Về mặt tài chính, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với rủi ro chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng suy giảm, làm xói mòn vùng đệm vốn tương đối mỏng. Các lỗ hổng cũng có thể xuất hiện từ phân khúc cho vay tiêu dùng và từ ngân hàng tăng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những bất ổn về chính sách ở các nền kinh tế lớn có thể gây hỗn loạn về giá tài sản và dòng vốn.

AMRO khuyến nghị vẫn nên tiếp tục các chính sách hỗ trợ có mục tiêu cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và các hộ gia đình thu nhập thấp. Đồng thời cần đánh giá sự phù hợp và hiệu quả của các chính sách này một cách thường xuyên. Đơn giản hóa việc giải ngân và định hướng mục tiêu tốt hơn sẽ tăng hiệu quả cho các nguồn vốn của Chính phủ.

Trong khi đó, với triển vọng lạm phát ổn định, cần tiếp tục chính sách tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế, giữ chi phí tài chính ở mức hợp lý cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Với các điều kiện tài chính phù hợp hơn, việc giám sát tăng cường cho vay đối với các lĩnh vực rủi ro vẫn cần được đảm bảo để giảm thiểu rủi ro bong bóng tài sản. Bên cạnh đó, việc tăng cường giám sát trong lĩnh vực này cũng là rất quan trọng để bảo vệ chất lượng tín dụng ngân hàng trong thời gian tới.

Về đối ngoại, với những bất ổn trong quá trình phục hồi toàn cầu sau đại dịch, cân tiếp tục các hoạt động đối ngoại và hỗ trợ với sự linh hoạt hơn trong tỷ giá hối đoái.

Chính phủ phải đảm bảo tiếp tục hỗ trợ cho các vấn đề phát triển dài hạn như: phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, mạng lưới an sinh xã hội, đặc biệt là sức khỏe cộng đồng, cđồng thời quản lý cẩn thận các rủi ro đối với tính bền vững tài khóa dài hạn.

Anh Đào