|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Những quỹ ngoại từng rời đi và vấn đề nội tại của Lộc Trời

17:30 | 27/11/2023
Chia sẻ
Lộc Trời – một nhà sản xuất gạo của Việt Nam được đánh giá có tiềm năng nhờ lợi thế vùng sản xuất, thế mạnh về đội ngũ chuyên gia. Nhưng việc tìm kiếm lợi nhuận với cổ phiếu LTG không mấy dễ dàng, nhà đầu tư tổ chức thường xuyên ra vào.

Những quỹ ngoại từng trở thành cổ đông lớn Lộc Trời

Tuần trước, nhóm quỹ Endrance Capital Vietnam công bố thông tin không còn là cổ đông lớn của Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) sau 4 tháng nâng sở hữu lên hơn 5%.

Nếu so giá tại thời điểm trở thành và không còn là cổ đông lớn của Lộc Trời, nhóm quỹ Luxemborg đã lỗ với lô cổ phiếu giao dịch gần đây nhất. Nói thêm về Endrance Capital Vietnam, tổ chức này chuyên đầu tư vào cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn tại Việt Nam với thời gian nắm giữ 3 – 5 năm.

Khẩu vị đầu tư là những doanh nghiệp hướng tới người tiêu dùng, đang bị thị trường định giá dưới giá trị thực. Ngoài Lộc Trời, Endrance Capital Vietnam từng hiện diện tại NaFoods Group (Mã: NAF), Savico (Mã: SVC), VNDirect (Mã: VND). Sau khi rót vốn, Endrance Capital cử người tham gia Hội đồng Quản trị hoặc Ban Kiểm soát của cả ba doanh nghiệp trên.

Ông Christopher Beselin, nhà sáng lập của quỹ cùng gia đình đã sống ở Việt Nam trong 15 năm, từng là CEO/đồng sáng lập của Lazada Việt Nam. Nhà quản lý quỹ này chính là người sáng lập Công ty Fram Skandinavien AB – start-up đầu tiên của Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq First North ở Stockholm, Thụy Điển.

VNDirect – nơi ông Christopher Beselin từng tham gia hội đồng quản trị cũng là tổ chức nắm giữ cổ phiếu LTG nhiều năm. Tại thời điểm cuối tháng 9, công ty chứng khoán này lỗ khoảng 20 tỷ đồng với khoản đầu tư có giá gốc 115 tỷ đồng. Trạng thái thua lỗ của VNDirect song hành với thời gian nắm giữ LTG, có thời điểm lỗ hơn 50%.

Câu chuyện những tổ chức chuyên nghiệp khó khăn để có được lợi nhuận với cổ phiếu của nhà sản xuất lương thực hàng đầu Việt Nam không còn xa lạ bởi thời gian LTG trong xu hướng giảm giá chiếm nhiều hơn.

Cổ phiếu LTG từng mất hơn 70% giá trị khi liên tiếp giảm trong giai đoạn tháng 7/2017 – 3/2020. Hai lần sau đó, mã này trở lại vùng giá khi bắt đầu chào sàn vào 4/2022 và tháng 9/2023. Mức giá hiện tại quanh 24.000 đồng/cp, đang thấp hơn 20% so với vùng đỉnh cũ, tức những ai bắt đầu mua từ những ngày đầu giao dịch chưa thể có lãi.

 Diễn biến giá cổ phiếu LTG kể từ khi lên UPCoM. Nguồn: TradingView.

Thị giá biến động biên độ rộng, những nhà đầu tư tổ chức cũng thường xuyên mua bán cổ phiếu Lộc Trời, ngoại trừ hai cổ đông lớn nhất là Marina Viet và UBND tỉnh An Giang.

Trước Endrance Capital Vietnam, lần gần đây nhất ghi nhận một tổ chức rời vị trí cổ đông lớn là Kingsmead Vietnam and Indochina Growth Master Fund. Quỹ ngoại này trở thành cổ đông lớn cuối tháng 7/2018 và giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% vào tháng 11/2020.

Giữa năm 2019, Standard Chartered Private Equity (Singapore - SCPE) thoái toàn bộ hơn 8,2% vốn của Lộc Trời và thu về 152 tỷ đồng. Cuối năm 2014, tổ chức này chi hơn 90 triệu USD để mua 21,5 triệu cp (34% vốn) của Lộc Trời từ nhóm VinaCapital, tương đương 85.000 đồng/cp. Sau hơn một năm mua vào, đầu năm 2016, SCPE thoái hơn 25% vốn tại Lộc Trời, bên mua cũng là một tổ chức đến từ Singapore – Marina Viet Pte. Ltd. Tổng số lỗ của SPCE ước tính là gần 750 tỷ đồng (-41%).

Tháng 7/2017, Mekong Capital bán ra ngay sau khi Lộc Trời lên UPCoM với giá bình quân 68.000 đồng/cp. Dù chỉ thoái 75% lượng cổ phiếu LTG nắm giữ (3,075 triệu cp), nhưng quỹ thành viên Vietnam Azalea Fund đã thu về hơn 9,2 triệu USD, gấp đôi số tiền 4,4 triệu USD rót vào Lộc Trời cách đó 9 năm.

Những vấn đề tại Lộc Trời

Nhưng ngoài VinaCapital và Mekong Capital, hầu hết tổ chức đều khó tìm kiếm lợi nhuận với cổ phiếu Lộc Trời như nêu trên. Khi vừa trở thành cổ đông lớn, Endrance Capital Vietnam từng chỉ ra trạng thái đối lập giữa tiềm năng và hiệu suất cổ phiếu.

Bằng một phép tính đơn giản, 6 năm sau khi Lộc Trời lên UPCoM vào cuối tháng 7/2017, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu Lộc Trời chỉ có lợi nhuận 13%, thấp hơn 48% mức tăng chung của thị trường chứng khoán Việt Nam (mô phỏng bằng VN-Index).

Ông Christopher Beselin, một doanh nhân, nhà quản lý quỹ lăn lộn ở Việt Nam nhiều năm chỉ ra vấn đề khi cổ phiếu LTG chủ yếu được nắm giữ bởi những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Việc chuyển sàn của công ty bị trì hoãn dù từng được đề cập đến tại đại hội cổ đông nắm 2019.

“UPCoM chỉ phù hợp với những công ty có quy mô nhỏ hơn nhiều so với LTG, có thanh khoản kém, khó thu hút được nguồn vốn của các tổ chức tài chính, được định giá thấp, với các quy định lỏng lẻo hơn so với HOSE. Việc chuyển sàn của LTG đã bị trì hoãn nhiều lần với những nguyên nhân không thuyết phục”, nhà quản lý của Endrance Capital Vietnam chỉ ra trong báo cáo đưa ra hồi tháng 7.

Mặt khác, theo nhà quản lý trên, Hội đồng Quản trị và Ban điều hành của Lộc Trời đã không chú trọng hoạt động quan hệ nhà đầu tư. Endurance Capital cho biết đã gửi một bức thư 12 trang đề xuất lộ trình cụ thể để giúp vốn hóa công ty tăng thêm 65 - 85 triệu USD (tức mức tăng 75 – 95%) nhưng không được phản hồi chính thức.

“Một doanh nghiệp càng ít tương tác, phản hồi nhà đầu tư thì sẽ càng có nhiều nhà đầu tư và cổ đông bỏ qua cổ phiếu của doanh nghiệp đó. Điều này đã khiến nhà đầu tư hiểu chưa đúng về doanh nghiệp và khiến LTG bị định giá thấp hơn giá trị thực”, ông Christopher Beselin đưa quan điểm.

 Kết quả kinh doanh của Lộc Trời kể từ khi lên UPCoM. Nguồn: HL tổng hợp.

Một vấn đề khác được cựu CEO Lazada Việt Nam chỉ ra đó là sức ép từ khoản nợ vay hơn 4.000 tỷ đồng khiến lợi nhuận của Lộc Trời bị bào mòn. Ngay cả khi nhà đầu tư hứng khởi với câu chuyện cổ phiếu lương thực khi giá gạo liên tiếp lập đỉnh lịch sử những tháng đầu năm nay, một thực tế là bức trang tài chính của doanh nghiệp gạo trong đó có Lộc Trời không tương ứng.

Quý III/2023, Lộc Trời báo lỗ ròng gần 330 tỷ đồng, con số tồi tệ nhất kể từ khi lên UPCoM. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, công ty tăng trưởng doanh thu lên 10.440 tỷ đồng nhưng chỉ lãi ròng hơn 17,3 tỷ đồng, chưa bằng 10% cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, Lộc Trời đang đối mặt với cả vấn đề nội tại như kết quả kinh doanh, kế hoạch chuyển sàn, cho đến mối quan hệ với những nhà đầu tư tổ chức như nêu trên.

Thông tin liên quan khác, Lộc Trời đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc miễn nhiệm tư cách thành viên với bà Thuy Vu Dropsey – người đại diện vốn cho SCPE. Ứng viên thay thế là ông Mandrawa Winston Leo (sinh năm 1982), Giám đốc điều hành của Affirma Capital.

Theo giới thiệu, Affirma Capital là một công ty cổ phần tư nhân độc lập được sở hữu và điều hành bởi những người có kinh nghiệm lâu năm làm việc của SCPE với quy mô tài sản quản lý hơn 3,5 tỷ USD. Tổ chức này từng tham gia đầu tư vào N Kid, Online Mobile, Lộc Trời, Golden Gate Group hay nền tảng tuyển dụng của Siêu Việt Group.

Lợi Hoàng

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.