|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lộc Trời muốn vay hơn 2.100 tỷ từ ngân hàng của Hà Lan

09:43 | 03/11/2023
Chia sẻ
Khoản tín dụng được cam kết sử dụng cho hai mục đích ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, tín dụng ngắn hạn dành cho các hạng mục tài trợ vốn liên kết sản xuất lúa gạo bền vững của Lộc Trời.

Ngày 2/11, Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan (FMO) đã ký kết và trao Ý định thư tài trợ gói tín dụng 90 triệu USD (hơn 2.100 tỷ đồng) cho CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG).

Khoản tín dụng này được cam kết sử dụng cho hai mục đích ngắn hạn và dài hạn. Theo đó, tín dụng ngắn hạn dành cho các hạng mục tài trợ vốn liên kết sản xuất lúa gạo bền vững. Tín dụng trung và dài hạn dành cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp gồm máy móc, kho chứa tại 10 nhà máy gạo của các thành viên trong hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời.

Với nguồn tài trợ 90 triệu USD, Lộc Trời cho biết sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp bền vững, bao gồm các đối tác trong chuỗi cung ứng.

Một ngân hàng Hà Lan muốn thu xếp gói tín dụng 90 triệu USD cho Lộc Trời. (Ảnh minh hoạ: Lộc Trời).

Về tình hình kinh doanh, 9 tháng đầu năm, Lộc Trời ghi nhận 10.249 tỷ đồng doanh thu tăng 19% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 17 tỷ đồng, lãi ròng đạt 19 tỷ đồng, giảm lần lượt 92%, 91% so với 9 tháng đầu năm 2022.

Năm nay, Lộc Trời đặt kế hoạch 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau ba quý, công ty mới thực hiện được 4% mục tiêu đề ra.

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9, tổng tài sản của Lộc Trời đạt 12.181 tỷ đồng, tăng 40% so với đầu năm. Hàng tồn kho tăng 34% lên 2.825 tỷ đồng. Khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn khoảng 1.039 tỷ đồng. 

Cuối quý III, tổng nợ vay của Lộc Trời khoảng 7.561 tỷ đồng, gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu (3.070 tỷ đồng), chủ yếu là nợ vay ngắn hạn từ các ngân hàng.

Vốn chủ sở hữu cuối kỳ đạt 3.070 tỷ đồng, bao gồm 1.215 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Lâm Anh

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.