Những quả tạ đeo bám xuất khẩu hồ tiêu nửa cuối năm 2022
Thống kê của Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), 6 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt hơn 125.500 tấn, tương đương 569 triệu USD, giảm 19% về lượng nhưng tăng 13,5% về kim ngạch xuất khẩu. Hiện, hồ tiêu Việt Nam vẫn chiếm 55% thị phần toàn cầu.
Ông Lê Việt Anh, Chánh Văn phòng VPA đánh giá 6 tháng đầu năm, cơ cấu các loại tiêu xuất khẩu có sự chuyển dịch lớn. Điều này cho thấy ngành tiêu đang tích cực xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
Cụ thể, xuất khẩu tiêu đen nguyên hạt giảm 24,5%; tiêu đen xay giảm 6,4%; tiêu ngâm giấm hạ xuống 62,3% trong khi đó xuất khẩu hàng chế biến sâu như tiêu trắng nguyên hạt lại nhích lên 7,1%; tiêu trắng xay tăng 26%...
6 tháng đầu năm, cơ cấu xuất khẩu hồ tiêu sang các châu lục được phân bổ như sau: châu Á chiếm 44%, châu Mỹ 26%, châu Âu 24% và châu Phi 5,3%...
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam với hơn 30.000 tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021. Đứng sau Mỹ là các thị trường như UAE, Ấn Độ, Đức…
Ông Lê Việt Anh nhận định nửa cuối năm 2022, xuất khẩu tiêu của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng của xung đột tại Đông Âu, giá dầu tăng, lạm phát kinh tế.
Bên cạnh đó, việc thị trường Trung Quốc – thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn thứ hai thế giới vẫn theo đuổi chính sách Zero-COVID cũng khiến xuất khẩu tiêu của Việt Nam chững lại.
Mặt khác, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng cao, hồ tiêu của Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ phía các đối thủ như Brazil, Indonesia, Cambodia.
Chia sẻ tại tọa đàm tư vấn xuất khẩu gia vị sang thị trường Trung Đông và Châu Phi, đại diện VPA cho biết một khó khăn khác là thiếu thông tin về nhu cầu thị trường cũng như thông tin thay đổi chính sách của các nước nhập khẩu, đặc biệt là khu vực Trung Đông và châu Phi.
Theo đó, 6 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông hơn 18.000 tấn hồ tiêu, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2021.
Tương tự, xuất khẩu tiêu sang châu Phi cũng giảm 26,5% với 6.600 tấn. Trong đó, xuất khẩu hồ tiêu sang Ai Cập, thị trường lớn nhất ở châu Phi chỉ đạt hơn 1.600 tấn, lao dốc 57% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Lê Việt Anh lý giải hồi tháng 2, Ai Cập thay đổi chính sách nhập khẩu, tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu phải áp dụng thư tín dụng (L/C), song doanh nghiệp Việt không nắm được thông tin.
Điều này khiến nhiều lô hàng đưa sang Ai Cập bị kẹt tai cảng 2-3 tháng, chưa biết khi nào hàng mới có thể thanh toán.
Hiện, Ai Cập đã nới lỏng quy định, ưu tiên các doanh nghiệp có nhà máy chế biến được mở L/C tạm thời. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải nhanh chóng làm các thủ tục để được cấp L/C chính thức.
Còn ở thị trường nội địa, giá hồ tiêu đi xuống trong khi vật tư đầu vào neo cao khiến người dân ít đầu tư chăm sóc. Cùng với đó, biến đổi khí hậu và sâu bệnh hại đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sản lượng hồ tiêu.
Theo Bộ NN&PTNT, diện tích hồ tiêu nă 2020 đạt hơn 130.000 ha, tập trung ở 6 tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Phước.
Tuy nhiên, diện tích này và sản lượng hồ tiêu có thể giảm trong năm 2021 và 2022 vì sâu bệnh, biến đổi khí hậu và thiếu đầu tư, chăm sóc.
VPA ước tính năm 2022 sản lượng hồ tiêu có thể đạt 175.000 tấn, giảm 10% so với năm 2021. Dù vậy, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam vẫn đứng đầu thế giới, chiếm 35% so với toàn cầu.