Những nguy cơ khiến vốn ngoại có thể tiếp tục rời chứng khoán Việt
Dòng tiền ngoại chưa ngừng rút, thành quả tích lũy gần một thập kỷ sắp hết
Trong năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 23.100 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chủ yếu vào giai đoạn cuối năm. Dòng tiền ngoại tạo áp lực bán trên cả cổ phiếu (17.760 tỷ đồng) và ETF nội (5.167 tỷ đồng).
Đây là tín hiệu không mấy sáng sủa trong một năm hồi phục của chứng khoán Việt Nam. Sau hai năm rút ròng kỷ lục 2020 – 2021 với tổng giá trị gần 82.000 tỷ đồng, thị trường chứng kiến dòng tiền ngoại trở lại năm 2022, chủ yếu từ quỹ Đài Loan – Fubon FTSE Vietnam ETF.
Song, nhìn rộng ra, việc chứng khoán Việt Nam bị rút ròng tương đồng với diễn biến tại các thị trường khác trong khu vực và nhóm mới nổi. Dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan cho thấy nhà đầu tư nước ngoài rút ròng hơn 5,5 tỷ USD. Bên đối ứng là khối nội, chủ yếu là cá nhân trong nước, giống với Việt Nam.
Các thị trường khác có quy mô bán ròng 500 triệu USD – 1 tỷ USD như Indonesia (536 triệu USD), Malaysia (554 triệu USD), Philippines (868 triệu USD). Chiều ngược lại, dòng vốn hàng tỷ USD đổ về nhóm thị trường phát triển hơn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Thị trường chứng khoán Nhật Bản là điểm sáng của thị trường châu Á khi hút hơn 30 tỷ USD vốn ngoại trong năm qua.
Với diễn biến trên cho thấy, trạng thái rút ròng từ nhóm nhà đầu tư ngoại là mối lo không của riêng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thế khó khi các thị trường phát triển vẫn đang hút tiền
Sang tới năm 2024, hãng nghiên cứu J.P. Morgan cho rằng thị trường vốn toàn cầu gia tăng biến động, tỷ trọng phân bổ vốn vào cổ phiếu có thể cao hơn, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng hay khả năng xuất hiện cuộc suy thoái. Nhưng về tổng quan, những đánh giá cho thấy tổ chức này thiên về kịch bản khởi sắc ở các thị trường phát triển.
Chứng khoán Mỹ đại diện cho nhóm thị trường phát triển được J.P. Morgan dự báo nhiều biến động khi bước vào kỳ bầu cử tháng 11 năm nay. Tuy nhiên, sự biến động này diễn ra theo chiều hướng tích cực.
Thống kê của Chứng khoán BSC cho thấy chỉ số S&P 500 thường có xu hướng tăng giá trong thời gian diễn ra các đợt bầu cử tổng thống tại Mỹ. BSC cho rằng lý do có thể đến từ thị trường kỳ vọng vào chính sách phát triển kinh tế xã hội của chính quyền mới.
Bên cạnh việc lãi suất neo cao, nhà phân tích của J.P. Morgan đánh giá chứng khoán Mỹ hút dòng tiền nhờ chất lượng lợi nhuận doanh nghiệp cao hơn các thị trường khác. Cơ cấu ngành đa dạng cộng với việc các công ty vốn hóa lớn giàu tiền mặt là điểm cộng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ suy thoái, rủi ro từ các cuộc xung đột.
Ở các thị trường phát triển khác, chứng khoán Anh được J.P. Morgan dự báo lạc quan nhờ định giá rẻ và cơ cấu ngành thuận lợi. Chứng khoán châu Âu có thể đi lên theo hình “chữ V”.
Với chứng khoán Nhật Bản, sức hấp dẫn được duy trì khi hấp thụ được dòng vốn từ nhà đầu tư cá nhân, sự cải thiện hướng vào cổ đông, tăng trưởng thu nhập của người dân cao hơn và chính sách hỗ trợ thị trường vốn trong nước.
Chứng khoán Trung Quốc bị tụt lại đáng kể trong năm 2023 nhưng được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu suất tốt nếu đà tăng trưởng trở lại, những rủi ro được kiểm soát.
Trong khi triển vọng của nhóm thị trường phát triển sáng cửa, J.P. Morgan cho rằng các thị trường mới nổi sẽ khởi đầu gập gềnh do lãi suất tại Mỹ vẫn ở mức cao, sức mạnh đồng USD kéo dài. Tín hiệu tích cực xuất hiện nếu sự phân kỳ tăng trưởng của hai nhóm thị trường mới nổi – phát triển hình thành, nhu cầu đa dạng hóa danh mục đầu tư ngoài Mỹ xuất hiện.
Với dự báo trên, khả năng dòng vốn đảo chiều giải ngân trở lại vào các thị trường mới nổi là khó xảy ra trong ngắn hạn. Trong những ngày chuyển giao 2023 và 2024, chỉ báo mang tính nguy cơ và có độ nhạy cao với sự dịch chuyển dòng vốn khỏi thị trường mới nổi – chỉ số DXY tăng vọt trở lại sau khi lùi về gần mốc 100.
Lo ngại chính sách hút tiền của Hàn Quốc, Thái Lan
Ngoài nhóm nguy cơ trên, chứng khoán Việt Nam còn chịu áp lực từ sự thay đổi chính sách hướng đến việc hút tiền trở lại thị trường trong nước của những quốc gia trong khu vực. Sự thay đổi chính sách khiến hai dòng vốn lớn và quen thuộc với nhà đầu tư Việt Nam có nguy cơ quay chở lại chính quốc.
Sự thay đổi chính sách ngay lập tức tác động đến dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam. Áp lực bán trên thị trường chứng khoán Việt Nam gia tăng về cuối năm 2023 được chuyên gia từ SSIAM lý giải xuất phát từ việc Thái Lan liên quan đến chính thuế mới sẽ được áp dụng vào đầu năm 2024. Thái Lan sẽ áp thuế thu nhập cá nhân với khoản đầu tư nước ngoài lũy tiến giống như thuế thu thập cá nhân của Việt Nam.
Từ ngày 1/1/2024, quy định mới cho phép các cơ quan chức năng Thái Lan đánh thuế thu nhập từ nước ngoài của các cá nhân nếu họ là cư dân Thái Lan tối đa 180 ngày/năm và kiếm thu nhập ở nước ngoài từ công việc hoặc tài sản trong năm đánh giá cụ thể.
Quy định mới sẽ hướng đến ba nhóm đối tượng gồm người dân giao dịch trên thị trường chứng khoán nước ngoài thông qua các công ty môi giới nước ngoài, nhà giao dịch tiền điện tử và những người lợi dụng lỗ hổng pháp lý cho phép chuyển thu nhập từ nước ngoài về nước miễn thuế.
Tại Hàn Quốc, trong phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2024, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết sẽ nỗ lực loại bỏ một cơ chế thuế mới nhằm giúp thúc đẩy đầu tư vào thị trường chứng khoán trong nước.
Nhà lãnh đạo xứ kim chi quan điểm thúc đẩy bãi bỏ thuế thu nhập từ đầu tư tài chính, vốn được dự kiến sẽ áp dụng vào năm 2024 sẽ đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài cho người dân, nhà đầu tư vào cổ phiếu. Hiện thị trường chứng khoán này đang có hơn 14 triệu nhà đầu tư, gấp đôi Việt Nam.
Trong khi những nguy cơ bên ngoài ngày một gia tăng, khối phân tích của Chứng khoán Rồng Việt đánh giá chứng khoán Việt Nam đang thiếu câu chuyện thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Trong quá khứ, thị trường là điểm đến hấp dẫn của tiền ngoại nhờ những động lực như định giá hấp dẫn, bước tiến trong thương mại và chuyển hóa (WTO, thoái vốn nhà nước, nâng hạng). Hay đặc biệt là các thị trường phát triển hơn có chính sách kích thích đầu tư ra nước ngoài.
Ở góc nhìn lại quan hơn, những nhà quản lý quỹ ngoại trên thị trường lại kỳ vọng câu chuyện nâng hạng sắp về đích, việc đưa vào vận hành hệ thống công nghệ mới cộng với việc duy trì vĩ mô ổn định, chính sách đầu tư công thúc đẩy kinh tế sẽ thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường.
Chưa hết, động lực giai đoạn tới còn đến từ chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 được Chính phủ phê duyệt mới đây. Theo đó, cơ quan quản lý đặt trọng tâm thu hút dòng tiền từ khối ngoại, nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp.