|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những người trẻ thích 'cắm rễ' ở quán cà phê

09:43 | 08/04/2025
Chia sẻ
Tan học lúc 12h trưa, Trần Đức không về phòng trọ mà đến thẳng một quán cà phê ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), dự định ngồi đến nửa đêm.

Từ ngày lên Hà Nội học, Trần Đức, 20 tuổi, coi quán cà phê như nơi ở thứ hai. Chỉ bỏ ra 25.000-30.000 đồng cho một ly nước, anh có thể ngồi cả ngày trong không gian rộng rãi, yên tĩnh.

"Quán cà phê dễ chịu hơn phòng trọ 6 m2, không cửa sổ", Đức nói. Ở nhà cả ngày, anh không chỉ thấy bất tiện mà còn tốn thêm tiền điện, nước. Trong khi đó, nhiều quán cà phê hiện nay bố trí bàn ghế dài, khu vực học tập và làm việc nhóm, sẵn sàng chiều khách ngồi "cắm rễ".

Ngoài học, đây còn là nơi Đức gặp gỡ bạn bè. Nam sinh thường xuyên đổi địa điểm, ưu tiên các quán mở xuyên đêm, đồ uống giá rẻ, phù hợp túi tiền sinh viên.

Một quán cà phê học tập trên đường Trường Chinh, quận Hoàng Mai (Hà Nội) luôn kín bàn từ sáng đến đêm. Ảnh: Nga Thanh

Mai Chi, 27 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội, từng không thích làm việc ở quán cà phê vì sợ ồn. Hai năm gần đây, với sự xuất hiện của các quán chuyên dành cho học tập và làm việc, cô đã thay đổi thói quen.

Mỗi ngày sau giờ làm, Chi ghé quán quen, dành hai tiếng trò chuyện cùng bạn bè rồi tiếp tục ngồi làm việc thêm 3-4 tiếng, hoàn thành công việc chính và xử lý các dự án cá nhân.

"Tôi có thể ngồi xuyên đêm ở đây vì vừa thoải mái, vừa hiệu quả hơn ở nhà", Chi nói. Cô thích những quán có nhiều không gian riêng biệt: khu yên tĩnh để làm việc, góc trò chuyện, khu đọc sách và căng tin phục vụ đồ ăn nếu khách muốn ngồi khuya. Khi mệt, cô có sofa để nghỉ ngơi. Nhân viên cũng chu đáo, thường xuyên mang nước lọc, trà loãng miễn phí, giúp khách làm việc không bị gián đoạn.

Khảo sát của VnExpress tại các quán có không gian yên tĩnh ở Hà Nội và TP HCM cho thấy, lượng khách bắt đầu đông từ trưa đến khuya. Nhiều quán mở xuyên đêm, trang bị đèn sáng, bàn học, ổ cắm sạc và phục vụ cả đồ ăn nhanh để đáp ứng nhu cầu của khách ngồi lâu.

Xu hướng này ngày càng phổ biến khi quán cà phê không chỉ là nơi uống nước mà thành nơi làm việc tiện nghi, chi phí hợp lý.

Anh Thanh Tùng, quản lý một quán cà phê ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết quán luôn chật kín từ sáng đến đêm, giờ cao điểm phục vụ hơn 200 người cùng lúc. Khách chủ yếu dưới 30 tuổi. Nhiều người ngồi học, làm việc 3-4 tiếng, thậm chí xuyên đêm.

"Chúng tôi không giới hạn thời gian ngồi, khách có thể ở lại bao lâu tùy nhu cầu", anh Tùng nói.

Theo PGS.TS Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Kinh doanh, xu hướng ra quán cà phê làm việc, học tập phản ánh văn hóa việc từ xa của người trẻ ngày càng phổ biến. Họ thích không gian thoải mái, linh động, được tự do trò chuyện hơn là môi trường gò bó tại cơ quan hay nhà riêng. Nhiều quán cà phê được tích hợp không gian làm việc, giải trí, giúp khách vừa học tập, vừa thư giãn.

"Không chỉ tạo cảm hứng làm việc, mô hình này còn thúc đẩy ngành kinh doanh đồ uống phát triển mạnh," ông Cương nhận định.

Báo cáo thị trường của iPOS - nền tảng quản lý hơn 100.000 doanh nghiệp F&B, cho thấy doanh thu ngành đồ uống năm 2024 đạt 118.000 tỷ đồng, tăng 13%, cao nhất kể từ 2018. Trung bình mỗi ngày, ngành này thu về hơn 323 tỷ đồng. Quán cà phê, trà sữa không còn chỉ là nơi thưởng thức đồ uống mà thành không gian đa chức năng, phục vụ nhu cầu làm việc, học tập, gặp gỡ bạn bè hay tổ chức họp hành.

"Quán cà phê ngày nay trở thành không gian làm việc, gặp gỡ, buộc người quản lý phải thích ứng nếu không muốn mất khách", Hải Anh, chủ chuỗi 6 quán cà phê tại Hà Nội, nói.

Chủ quán cho biết nhiều khách ngồi làm việc nhiều giờ nhưng chỉ gọi một ly nước. Thay vì ép khách gọi thêm, anh tạo thêm chỗ ngồi, đề xuất ghép bàn với khách đi một mình để tối ưu không gian. Một số khách cũng chủ động gọi thêm đồ khi ngồi quá lâu.

Nhiều người trẻ Hà Nội chọn đến quán cà phê để học tập, chạy deadline bởi không gian yên tĩnh, giá đồ uống phải chăng. Ảnh: Nga Thanh

 

Nhiều người trẻ cho biết thích bầu không khí của các quán cà phê là bởi cảm giác được sẻ chia, đồng cảm của những người bận rộn. Trần Đức nói đôi lúc thấy cô đơn giữa những áp lực về tài chính, khối lượng bài vở, học hành. Nếu ở một mình trong phòng trọ, tâm trạng có thể tồi tệ hơn.

"Ở quán mọi người đều thức để làm việc. Cảm giác tất cả đang cùng có mối lo toàn như nhau nên không còn thấy lạc lõng", anh chia sẻ.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Consumer Research của nhóm các nhà khoa học ở Đại học Illinois (Mỹ) cho thấy mức độ tiếng ồn xung quanh từ thấp đến trung bình (từ 50-70 decibels) ở một nơi như quán cà phê có thể thúc đẩy khả năng sáng tạo của con người.

Một nghiên cứu khác của tiến sĩ Kobe Desender (ĐH Hamburg, Đức) cũng cho kết quả tương tự. Theo ông, việc nhiều người cùng làm việc tại một môi trường công cộng như quán cà phê sẽ là động lực cho mọi người thực hiện công việc của mình bởi họ nhìn thấy mọi người đều đang hoạt động và làm việc.

"Cắm rễ" ở quán cà phê không chỉ trải nghiệm lối sống mới mà còn giúp một số người tiết kiệm tiền thuê nhà, khi giá trọ ngày càng đắt đỏ.

Mai Chi là ví dụ. Khi chủ nhà tăng giá thuê chung cư mini 30 m2 từ 4 lên 6 triệu đồng, cô buộc phải tính toán lại chi tiêu. Giữa năm ngoái, Chi thuê phòng ở ghép 6 người, 2 triệu đồng một tháng (đã bao gồm điện, nước). Cô tính toán, thêm 2 triệu đồng cho cà phê và ăn uống, tổng chi phí sinh hoạt chỉ khoảng 4 triệu, vẫn rẻ hơn nhiều so với việc thuê chung cư mini 5-7 triệu đồng.

Chuyên gia bất động sản Lê Quốc Kiên cho rằng trong bối cảnh kinh tế, bất động sản và việc làm còn nhiều biến động, thu nhập giảm, nhiều người ưu tiên tìm không gian giá rẻ để nghỉ ngơi, thư giãn nhưng vẫn được làm việc, học tập là điều tất yếu.

Uyển Ân, 30 tuổi, quận 3, TP HCM mong muốn có không gian làm việc riêng tại nhà nhưng chưa đủ khả năng tài chính. Cô ở cùng em gái trong phòng trọ 10 m2 giá 2 triệu đồng. Nếu muốn thuê phòng rộng hơn, có gác lửng và tiện nghi đầy đủ, cô phải trả ít nhất 5-6 triệu đồng, chưa kể chi phí sinh hoạt.

Là freelancer với giờ giấc linh hoạt, Ân thường bắt đầu làm việc tại quán cà phê từ 14h. Tùy khối lượng công việc có thể ngồi 10-12 tiếng hoặc xuyên đêm.

"Ở nhà chật chội, muốn tập trung cũng khó, còn quán cà phê có wifi miễn phí, điều hòa mạnh, bàn ghế tiện lợi kèm dịch vụ ăn uống nên tôi chọn", Ân nói.

Quỳnh Nguyễn

Thống đốc NHNN: Diễn biến tỷ giá phức tạp, khó lường sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thị trường tài chính tiền tệ diễn biến phức tạp hàng ngày hàng giờ. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường để điều hành các công cụ, giải pháp với thời điều và liều lượng hợp lý.