Những mặt hàng thuỷ sản nào được hưởng thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực?
Xuất khẩu thuỷ sản thách thức mốc 10 tỷ USD?
Theo số liệu từ Tổng Cục thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt gần 4 tỷ USD, tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, xuất khẩu tôm các loại ước đạt 1,43 tỷ USD (bằng 87,9% so với cùng kỳ), cá tra 991 triệu USD (bằng 98,8% cùng kỳ), cá ngừ 380 triệu USD, mực và bạch tuộc 311 triệu USD, các loại cá khác 769 triệu USD, nhuyễn thể 45,4 triệu USD.
Mặc dù, tổng sản lượng thủy sản và kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2018, song vẫn chưa đạt 50% so với kế hoạch năm 2019 Bộ NN&PTNT giao.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do xu hướng tăng nóng xuất khẩu cá tra đã chậm lại và thị trường lớn trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam là Trung Quốc có sự sụt giảm do nước này siết chặt thương mại biên mậu, cũng như đồng Nhân dân tệ (CNY) mất giá cũng là những yếu tố gây ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến nhu cầu của các thị trường cũng như thuỷ sản Việt Nam đang có sự cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador trên thị trường tôm.
Vấn đề quan trọng nữa của năm 2019 là thẻ vàng của Hội đồng châu Âu (EC) năm 2017 chưa được gỡ bỏ, ảnh hưởng đến xuất khẩu thuỷ sản. Trong khi chỉ còn vài tháng nữa EC sẽ vào kiểm tra lại việc cải thiện xóa bỏ thẻ vàng. Về phía Việt Nam mới làm tốt và hoàn thiện được khung pháp luật, pháp lý, còn khâu quản lý giám sát tàu cá, truy xuất, chứng nhận nguồn gốc hải sản nếu không làm tốt có nguy cơ cao hơn cả thẻ vàng.
Trong khi đó, Bộ NN&PTNT đã lên kế hoạch cho năm 2019 với kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả năm nay là 10 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2018.
Kế hoạch năm 2019 ngành thuỷ sản dự kiến tốc độ tăng giá trị xuất khẩu thuỷ sản 4,25% so với năm 2018. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất nuôi trồng gần 5,2%; tốc độ tăng giá trị sản xuất khai thác 2,7%.
Tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt 7.983 nghìn tấn, tăng 3%; Sản lượng khai thác 3.680 nghìn tấn, tăng 2,55; Sản lượng nuôi trồng 4.303 nghìn tấn, tăng 3,6%, trong đó cá tra 1.468 nghìn tấn, tôm các loại 852 nghìn tấn.
Tuy nhiên, hiện trạng ngành thuỷ sản đối với sản xuất giống, như: tôm nước lợ, cá tra và cá truyền thống đáp ứng đủ số lượng, chất lượng nuôi cho thương phẩm. Riêng sản xuất giống các đối tượng rô phi, nhuyễn thể, cá biển, tôm càng xanh còn hạn chế, mới đáp ứng 30-50% nhu cầu nuôi.
Chờ thuế 0% từ EU
Vấn đề tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) để các doanh nghiệp thuỷ sản Việt đẩy mạnh xuất khẩu sang EU khi được hưởng mức thuế suất xuất khẩu ưu đãi vào thị trường này đang nóng lên từng ngày khi hiệp định này được ký kết. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh cho thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu vào EU so với Trung Quốc và Thái Lan đang chịu mức thuế 20% ở mặt hàng tương đương.
Theo bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), có nhiều sản phẩm thuỷ sản được hưởng thuế ưu đãi 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Cụ thể, một số mặt hàng tôm có thuế xuất khẩu sẽ về 0%, hiện đang ở 12,5%; Tôm sú đông lạnh, tôm sú nguyên con… hiện chịu thuế 20%, sẽ giảm thuế về 0% của EU.
Một số sản phẩm giảm thuế ngay về 0% như: nhuyễn thuế chế biến hiện đang chịu mức thuế 20%; cá ngừ sọc dưa hiện chịu thuế 24%; các ngừ khác hiện chịu thuế 24%...
Sản phẩm chế biến được giảm thuế về 0% ngay: hàu, điệp, mực nang, mực ống, bạch tuộc, bào ngư, ốc… các sản phẩm này đang chịu thuế 20%.
Bà Lê Hằng khuyến nghị, các doanh nghiệp cần áp dụng tốt về xuất xứ, vấn đề an toàn thực phẩm, nâng cấp và cải thiện chất lượng thực phẩm, thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc, tuân thủ quy định quy chuẩn về môi trường. Vì trong vòng 1-2 năm trở lại đây, EU đang xoáy sâu về lao động trong ngành cá, ngành tôm. Do đó, doanh nghiệp cần có nhận thức về sử dụng lao động phù hợp với ngành thuỷ sản để được hưởng ưu đãi thuế quan.
Hiệp định thuơng mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mới ký chính thức ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. Tuy nhiên, EVFTA phải được Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu phê chuẩn mới có hiệu lực.