Những lo lắng về tỷ giá khi lãi suất trên các thị trường có xu hướng giảm
Chia sẻ trongtalkshow "Đi theo dòng tiền" cuối tháng 2, ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital cho rằng tỷ giá sẽ là vấn đề đau đầu nhất của NHNN trong năm 2023.
Chuyên gia cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang điều hành chính sách tiền tệ độc lập khỏi chính sách của Mỹ. Tuy nhiên, tỷ giá là một vấn đề ảnh hưởng đến đầu vào của nền kinh tế khi Việt Nam vẫn phải nhập khẩu xăng dầu và rất nhiều mặt hàng.
Do đó, nếu tỷ giá tăng, sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu vô cùng quan trọng của NHNN là kiềm chế lạm phát. Mặc dù năm nay, Việt Nam có dư địa lạm phát cao hơn, song NHNN còn rất nhiều việc phải làm trong chuyện điều hành, phối hợp với Bộ Tài chính về vấn đề chi tiêu công.
Cũng theo ông Tuấn, cán cân thương mại thặng dư 656 triệu USD trong tháng 1/2023, tức luồng USD chảy về Việt Nam khá nhiều. Còn việc USD tăng vào tháng 2 thuần tuý là kinh doanh lãi suất trong hệ thống ngân hàng và chưa ảnh hưởng đến nhu cầu thật. Do đó, xu hướng tăng giá của USD sẽ không mang tính hệ thống như tháng 11/2022.
Chuyên gia cho rằng yếu tố cần xem xét là cuộc họp của Fed vào tháng 3 bởi gần đây chỉ số lạm phát của Mỹ vẫn đang rất cao so với dự kiến. Chính vì vậy, có khả năng Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm %, thậm chí 0,5 điểm % theo phỏng đoán của thị trường.
Khi giá USD gửi liên ngân hàng ở mức trên 5%, lãi suất VND rất khó hạ dưới mức này. Nếu NHNN điều tiết để lãi suất dưới 5%, tỷ giá sẽ chịu áp lực.
Do đó, ông chia sẻ: "Khi lãi suất VND trên các thị trường có xu hướng giảm, nỗi lo của tôi lại tiếp tục nghiêng về phía tỷ giá".
Áp lực tỷ giá sẽ giảm bớt trong 2-3 tháng tới
Trong báo cáo công bố gần đây, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết với áp lực lạm phát vẫn còn, trong bối cảnh áp lực tỷ giá quay trở lại khi Fed vẫn đang tăng lãi suất, NHNN vẫn sẽ duy trì chính sách tiền tệ như hiện nay.
Việc nới lỏng trở lại chính sách tiền tệ của NHNN sẽ vẫn phải phụ thuộc vào khả năng kiểm soát lạm phát trong nước cũng như Fed có thể dừng tăng lãi suất hoặc có kế hoạch rõ ràng hơn về việc tăng lãi suất trong thời gian tới.
Mặt bằng lãi suất trong nước hiện đã giảm kể từ mức cao của tháng 1, tuy nhiên BVSC cho rằng mức giảm của lãi suất sẽ chậm lại trong 2-3 tháng tới cho đến khi áp lực tỷ giá giảm bớt. So với cuối năm 2022, tính tới ngày 2/3/2023, VND đã giảm giá trở lại 0,47% so với đồng USD.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng các kỳ vọng Fed tiếp tục tăng lãi suất có thể làm giảm sức hấp dẫn của tiền đồng và tăng áp lực lên lãi suất trong nước trong năm 2023.
Bên cạnh đó, World Bank đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2023 từ mức 3% xuống còn 1,7%. Lạm phát cao dẫn đến nhu cầu tiêu dùng suy giảm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam và giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nhìn chung, các động lực giữ giá cho đồng nội tệ không quá khả quan, có thể dẫn đến sự điều chỉnh từ NHNN trong trường hợp cần thiết.
Trong khi đó, Chứng khoán VNDirect giữ nguyên quan điểm tỷ giá USD/VND năm 2023 sẽ ổn định hơn năm trước do DXY khó tăng sốc như năm 2022, dự báo dao động quanh vùng 102-106 điểm trong năm 2023. Bộ đệm vĩ mô cải thiện bao gồm thặng dư thương mại và cán cân thanh toán tốt hơn, NHNN có điều kiện để mua vào dự trữ ngoại hối.
Chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ bớt áp lực và có nhiều dư địa để hỗ trợ kinh tế hơn trong nửa sau năm 2023 khi Fed dừng tăng lãi suất điều hành. Có thể kỳ vọng mặt bằng lãi suất trong nước điều chỉnh rõ rệt trong nửa cuối năm 2023, điều này giúp cải thiện triển vọng thu nhập của doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.
Còn theo Chứng khoán BIDV, tỷ giá USD/VND đến cuối năm 2023 có thể giao động trong mức 23.900 - 24.400. Điểm tích cực là NHNN bắt đầu mua vào ngoại tệ kể từ tháng 1/2023. Tính riêng trong tháng 2, NHNN đã mua thêm 0,65 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối hiện tại đạt khoảng 92,43 tỷ USD.