|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

NHNN: Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm

10:26 | 06/03/2023
Chia sẻ
Lãi suất cho vay đã bắt đầu giảm, đặc biệt là với các khoản vay mới, sau khi các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động và tung ra các chương trình vay ưu đãi.

Theo thông tin tổng hợp mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN),trong tháng 2, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm.

Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm (so với cuối năm 2022) và đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân, theo báo cáo của các ngân hàng.

Trong thời gian qua, NHNN đã theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Từ ngày 6/3, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi. Trong đó, 4 ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) đã giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

Các ngân hàng cổ phần khác giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán VNDirectcho rằng lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh trong quý I/2023 và sau đó giảm dần kể từ quý II dựa trên lập luận về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ ngừng tăng lãi suất điều hành sau quý II, theo đó áp lực lên tỷ giá VND có thể hạ nhiệt đáng kể trong nửa sau của năm 2023.

Các chuyên gia VNDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7,5% vào cuối năm 2023.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, mặt bằng lãi suất phải hạ xuống càng sớm càng tốt bởi các doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn. Tuy nhiên cơ sở để hạ lãi suất vẫn là phải kiểm soát được chỉ số giá tiêu dùng, kiềm chế được lạm phát, đảm bảo tỷ giá hối đoái trong mức ổn định để không gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.

"Việc giảm lãi suất phụ thuộc nhiều vào yếu tố lạm phát mà nguyên nhân từ giá cả hàng hoá. Giá cả các mặt hàng thiết yếu hiện nay chỉ 'trực chờ' bùng nổ bất kỳ lúc nào cho nên NHNN vẫn phải rất cân nhắc", TS. Lê Duy Bình phân tích.

Trong tháng 2, NHNN cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tuy vậy, tín dụng toàn hệ thống vẫn tăng trưởng thấp.Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tính đến ngày 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77%, huy động vốn tăng 0,05% so với cuối năm 2022. 

Nhiều chuyên gia nhận địnhđây là con số không quá bất ngờ. Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, nguyên do là tháng 12/2022 tăng trưởng tín dụng Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng quá mạnh, lên tới 1,94% so với tháng 11/2022 nên việc 1-2 tháng sau đó tốc độ tăng trưởng chậm lại là điều không khó hiểu.

Tăng trưởng tín dụng theo tháng (MoM) chịu tác động khá mạnh bởi yếu tố mùa vụ, hai tháng đầu năm là dịp nghỉ Tết Nguyên đán và khởi động nên tăng trưởng tín dụng thấp. Chúng ta cũng đã thấy hiện tượng tương tự như năm 2018, 2020, 2021,…

Diệp Bình

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.