|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những hệ lụy phát sinh từ việc phát triển 'nóng' tại Phú Quốc

16:17 | 02/11/2019
Chia sẻ
Với vị trí được đánh giá là trung tâm giữa các thành phố lớn của ASEAN, chỉ cách các thành phố này 2 giờ bay, Phú Quốc hứa hẹn về một thị trường du lịch với hàng tỉ dân trong khu vực.
Những hệ lụy phát sinh từ việc phát triển 'nóng' tại Phú Quốc - Ảnh 1.

Tàu thuyền neo đậu tại cảng An Thới, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Biển đảo Phú Quốc (Kiên Giang) bao gồm diện tích đảo Phú Quốc và biển ven đảo đến độ sâu 30m nước, là hòn đảo có diện tích lớn nhất Việt Nam (574 km2).

Với vị trí đắc địa, Phú Quốc đã và đang phát huy tối đa các giá trị về địa lý-tự nhiên, các thuộc tính về cấu trúc, hình thể sơn văn, cảnh quan và sinh thái.

Đây là nơi đang diễn ra sôi động các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ, nghề cá, nuôi trồng thủy hải sản.

Nhưng cùng với sự phát triển, nhiều hệ lụy đã và đang phát sinh, gây bất lợi cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững tại đây.

Nơi hội tụ thiên thời, địa lợi

Với vị trí được đánh giá là trung tâm giữa các thành phố lớn của ASEAN, chỉ cách các thành phố này 2 giờ bay, Phú Quốc hứa hẹn về một thị trường du lịch với hàng tỷ dân trong khu vực.

Đảo có tới 150km bờ biển với nhiều bãi biển cát trắng tuyệt đẹp, nước biển rất ấm, có thể tắm được vào ban đêm, ít bị thiên tai cùng 2/3 diện tích là rừng nguyên sinh mang đến sự thoải mái và sức khỏe cho con người.

Bên cạnh rừng và tài nguyên biển, tài nguyên nước... những yếu tố về thiên thời, địa lợi của Phú Quốc được đánh giá là tiềm năng to lớn có thể khai thác kinh tế hiệu quả, cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư không giới hạn trong và ngoài nước.

Vì vậy, tỉnh Kiên Giang đã đề xuất Thủ tướng cho phép được sử dụng ngân sách địa phương lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội theo hướng trở thành khu kinh tế Phú Quốc.

Theo quy hoạch, đến năm 2020 Phú Quốc sẽ phát triển khoảng 2.400 ha đất đô thị, quy mô dân số 300.000 người. Trong đó, 3 đô thị lớn gồm Dương Đông, An Thới và Cửa Cạn cùng với 5 khu nghỉ dưỡng sinh thái, định hướng phát triển thành một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tầm cỡ quốc tế, khả năng đón khoảng 3 triệu lượt khách vào năm 2020 với Bãi Trường là trung tâm du lịch, dịch vụ và nghỉ dưỡng.

Phú Quốc hiện đang chỉ mới bắt đầu trong quá trình phát triển, đổi mới, xây dựng hạ tầng, chính sách, song diện mạo bắt đầu thay da đổi thịt hằng ngày và hàng loạt nhà đầu tư lớn đổ vào đây, làm cho thị trường bất động sản phát triển rất mạnh.

Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư ví Phú Quốc như “Thỏi nam châm” - thể hiện sức mạnh của sự thu hút đầu tư vào vùng biển đảo này.

Nếu như vào những năm 2000 trở về trước, đảo Phú Quốc còn hoang vu, thì đến tháng 7/2011 đã có 74 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đầu tư 48.087 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2017, Phú Quốc có trên 220 dự án đầu tư, phát triển du lịch, chiếm 80% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh Kiên Giang, giá trị trên 220.000 tỷ đồng. Dự báo năm 2019 sẽ có nhiều nhà đầu tư lớn vào cuộc.

Những áp lực về môi trường

Theo nhận định của ông Lê Cảnh Tuân, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, sự tăng trưởng rất nhanh cũng kèm theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới phát triển bền vững của "Đảo Ngọc" này.

Bằng chứng là rác tràn ngập khắp nơi trên đất liền và ven biển, các con sông bị ô nhiễm nặng và ngày càng gia tăng khi các dự án đầu tư đi vào hoạt động. Các loại nhựa, túi nylon chất thành “núi,” một số nơi phải đốt vì không còn chỗ chứa do bãi rác Ông Lang phải đóng cửa vì quá tải.

Thậm chí túi nylon bị đốt tại khu vực Nhà hàng Nhật Lan bám trên bề mặt đá gốc, nếu không quan sát kỹ sẽ lầm tưởng đó là quặng đồng kim.

Dương Đông là con sông lớn nhất Phú Quốc đang bị “giết chết” bởi rác và nước thải ... Lượng dầu của các phương tiện thủy thải ra trong nước biển tập trung nhiều nhất ở khu vực cửa sông, cảng An Thới, bến Hàm Ninh, cửa sông Dương Đông, Gành Dầu.

Tại các cơ sở sửa chữa tàu, thuyền, hoạt động sản xuất nông nghiệp, cơ khí, điện, hoạt động tàu thuyền, trạm xăng dầu trên đảo đều xả nước thải và dầu ra các kênh sông tại Dương Đông, An Thới, Hàm Ninh, bãi Thơm, Cửa Cạn, Gành Dầu... gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường nước biển trên phạm vi ngày càng rộng lớn.

Đặc biệt, nguy cơ thiếu nước ngọt đã và đang hiện hữu do nguồn nước mặt đang bị ô nhiễm, nhất là sông Dương Đông. Áp lực trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, kéo theo tăng trưởng dân số và khách du lịch đã tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước.

Nhiều nơi do nhu cầu về nước sinh hoạt, người dân tự do khoan giếng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm. Nhiều gia đình thuê thợ khoan giếng nhưng bất thành, thậm chí có gia đình khoan giếng sâu tới 65m nhưng vẫn không có nước ngọt. Nguy cơ thiếu nước trên đảo Phú Quốc hoàn toàn có thể xảy ra.

Các nghiên cứu về nước dưới đất trên đảo Phú Quốc đã được Liên đoàn Địa chất thủy văn - Địa chất công trình Miền Nam nghiên cứu từ năm 2002.

Liên đoàn đã xác định được 2 tầng chứa nước là tầng chứa nước lỗ hổng trong các trầm tích Đệ tứ có bề dày từ vài mét đến 50m, mức độ chứa nước từ nghèo đến trung bình; khoanh định được 5 vùng giàu nước trung bình có chất lượng tốt (tổng khoáng hóa < 1 g/l) tại Rạch Đầm, bãi biển Tây Dương Tơ, Cửa Cạn, Nam Gành Dầu, Rạch Vẹm, Rạch Tràm.

Trong các lỗ khoan lưu lượng nước thay đổi từ 0,92-3,02 l/s; biên độ mực nước dao động theo mùa khoảng 2-4m.

Tầng chứa nước khe nứt trong các trầm tích lục nguyên Creta. Tầng có mức độ chứa nước từ trung bình đến nghèo, thay đổi từ 0,16 - 4,76 l/s; nước có tổng khoáng hóa nhỏ hơn 0,1 g/l, độ cứng thấp, ít có dấu hiệu nhiễm bẩn. Mực nước thay đổi rõ rệt theo mùa, biên độ dao động từ 3-8 m.

Năm 2018, các nghiên cứu đã khẳng định nồng độ trong nước của các yếu tố thủy hóa (DO, COD, BOD, pH, Eh...), kim loại nặng và vật chất hữu cơ còn nằm trong giới hạn an toàn cho phép theo Quy chuẩn môi trường nước Việt Nam.

Tuy vậy, tại đây đã xuất hiện các dị thường âm của pH và F với nồng độ rất thấp, hoặc dị thường dương nồng độ các kim loại nặng (Zn, Mn, Cd, Pb,...) với nồng độ cao đột biến, mặc dù chưa vượt ngưỡng. Những dị thường dương và âm đã khẳng định nguy cơ ô nhiễm môi trường nước trên đảo Phú Quốc.

Các khảo sát thực tế cũng cho thấy, nguy cơ ô nhiễm nước mặt và nước ngầm là hoàn toàn có thể xảy ra. 

Đặc biệt tại các khu vực đông dân cư như khu vực Dương Đông. 

Nguy cơ ô nhiễm bởi các anion và các kim loại nặng đang gia tăng ở khu vực mũi Cơ Va La, mũi Chùa-mũi Ông Thượng, bến Hàm Ninh, khu vực Dương Đông và Cửa Cạn; nguy cơ ô nhiễm Cd ở khu vực Bãi Dài; nguy cơ ô nhiễm Mn ở khu vực Bãi Dài, Dương Tơ, Hàm Ninh; nguy cơ ô nhiễm chì ở khu vực Hòn Thơm-An Thới, bãi Vũng Bàu-Bãi Dài, mũi Gành Lớn-mũi Gành Gió, Hàm Ninh, Cây Sao, mũi Cơ Va La, Rạch Vẹm, mũi bãi Khem-bãi Vòng...

Phú Quốc phát triển đồng nghĩa với áp lực tăng dân số cơ học, kéo theo các nhu cầu thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt, nhà ở,... gây áp lực lên các thành phần của môi trường trên đảo. Từ một vùng đất hoang vu, nay đảo đã trở thành một khu kinh tế sôi động.

Từ năm 2005, nhiều cánh rừng Phú Quốc đã bị triệt hạ, phục vụ cho kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch. Rừng, núi bị người dân và các nhà đầu tư xâm lấn để xây dựng khu nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch.

Đồng thời, trong suốt một thời gian dài phát triển, việc người dân đốt rừng lấy đất trồng tiêu, cao su... cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích đất rừng ở hòn đảo này.

Theo phương án quy hoạch sử dụng đất của huyện Phú Quốc, tới năm 2020 cơ cấu đất rừng đặc dụng của đảo giảm từ 52,17% (2010) xuống 50,23%, đất rừng phòng hộ giảm từ 15,59% (2010) xuống còn 13,61%.

Trong bối cảnh phát triển mạnh về kết cấu hạ tầng, trung tâm hành chính đô thị, trụ sở các đơn vị hành chính, thiết chế văn hóa-thể thao, an ninh quốc phòng, diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sẽ tiếp tục giảm rõ rệt trong những năm tới.

Trước thực trạng đó, mối liên hệ gắn kết giữa người dân với rừng, cùng những tín ngưỡng, thực hành văn hóa truyền thống, tri thức và kinh nghiệm dân gian sẽ dần biến mất.

Sự phát triển "chóng mặt" hạ tầng cơ sở cả chiều rộng và chiều cao, trong đó không ít công trình phá vỡ quy hoạch làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước trên đảo. Do đó, đợt mưa lớn diễn ra từ ngày 2-5/8 vừa qua đã tạo nên trận ngập lụt chưa từng có trên đảo này.

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc, trận ngập lịch sử kéo dài làm 3.874 căn nhà bị ngập. Hoa màu, vật nuôi của người dân bị thiệt hại cùng với tài sản hư hỏng trong các gia đình ước khoảng 68 tỷ đồng. 

Tổng chiều dài đường ngập nước trên toàn huyện Phú Quốc là 34km, độ sâu 0,6-1,5m.

Phú Quốc đang từng ngày “thay da đổi thịt,” giá trị về tài nguyên vị thế đã được khẳng định. Song vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay với chính quyền huyện Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung là phải quan tâm hơn nữa đến quy hoạch cơ sở hạ tầng có tầm nhìn dài hạn.

Mặt khác, để “Đảo Ngọc” phát triển bền vững cần có một cơ chế quản lý theo kịp thời đại, đi đôi với việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong phát triển bền vững cả trong hiện tại và tương lai.

Văn Hào