Phú Quốc và giấc mơ thành phố
Phú Quốc có trở thành thành phố trong tương lai? Ảnh: P.V
Nhìn nhận vấn đề này, một số nhà quản lý cho rằng đó là điều cần thiết, bởi chính quyền hiện tại như chiếc áo quá chật, cần phải có một chính quyền đô thị để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.
Hội đủ điều kiện?
Quyết định 178/2004 của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/10/2004 phê duyệt: “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến 2010 và tầm nhìn 2020” đã thổi làn gió mới vào hòn đảo lớn nhất Việt Nam, nằm trên biển Tây của Tổ quốc.
Hàng loạt các đề án lớn tập trung cho phát triển đảo Ngọc, trong đó đề án tiêu tốn thời gian, tiền bạc nhất, được kỳ vọng nhất là đưa Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế. Tuy nhiên khi Quốc hội chưa bấm nút thông qua đề án này thì tỉnh Kiên Giang lại có văn bản đề nghị Thủ tướng: Cho tạm dừng việc lập qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó tỉnh cũng xin ý kiến Bộ Chính trị đưa Phú Quốc lên thành phố. Liên quan đến vấn đề này, một cán bộ lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì triển khai các bước thực hiện, sau đó trình Bộ Chính trị xin ý kiến.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Mai Văn Huỳnh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch huyện đảo Phú Quốc cho biết: Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ về việc xây dựng Đề án thành lập thành phố Phú Quốc và thành lập các phường thuộc thành phố Phú Quốc, UBND huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chuyên môn và ký kết hợp đồng với Cty Cổ phần tư vấn và kiểm định Vinacity C&C để xây dựng Đề án.
Đến nay cơ bản đã xây dựng xong Đề án thành lập thành phố Phú Quốc gồm 8 phường và 1 xã, gồm: Dương Đông, An Thới (phường An Thới thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Hòn Thơm và thị trấn An Thới), Dương Tơ, Hàm Ninh, Cửa Dương, Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm), và xã Thổ Châu. UBND huyện cũng đã có Tờ trình xin ý kiến của UBND tỉnh Kiên Giang về việc lấy ý kiến nhân dân đối với việc sáp nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã (xã Hòn Thơm và TT. An Thới), thành lập thành phố Phú Quốc và thành lập các phường thuộc thành phố Phú Quốc; Báo cáo về việc rà soát, đánh giá phân loại đô thị loại II đối với huyện Phú Quốc và đánh giá các tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng... Về cơ bản Phú Quốc đã hội đủ các điều kiện để lên thành phố loại II trực thuộc tỉnh Kiên Giang.
Cũng theo ông Mai Văn Huỳnh, hiện Phú Quốc đang triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 1 với 7 hạng mục gồm: Hệ thống Chính quyền điện tử; Hệ thống Wifi công cộng; Giải pháp thành phố an toàn và hệ thống Camera giám sát; Hệ thống Quản lý lưu trú trực tuyến; Hệ thống Giám sát môi trường; Hệ thống du lịch thông minh; Hệ thống trung tâm điều hành tích hợp tập trung.
Một số hạng mục sau gần 2 năm triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác đảm bảo về an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng như tăng cường việc tương tác giữa người dân và chính quyền như: hệ thống Camera giám sát kết xuất hình ảnh truy vết phá các vụ án đặt biệt nghiêm trọng, hệ thống quản lý lưu trú trực tuyến nắm bắt số lượng khách du lịch đến và đi trên địa bàn huyện, hệ thống tổng đài tiếp nhận thông tin phản ánh về các vấn đề của Phú Quốc…
Ngập lụt đang là nỗi ám ảnh của người dân trên đảo
Tiếp tục xử lý “hậu đặc khu”
Ông Đặng Đức Giới - Tổng Giám đốc một Cty đầu tư phát triển bất động sản cho rằng: Phát triển Phú Quốc lên đặc khu là sự mong mỏi của chính quyền, nhân dân và giới đầu tư. Tuy nhiên, khi chưa thể trở thành đặc khu thì việc chính quyền tỉnh Kiên Giang đề nghị đưa Phú Quốc lên thành phố là rất thiết thực, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển.
Thoạt nhìn tưởng đó là một bước lùi về chính sách, nhưng thực chất nó là một bước đi phù hợp. Dừng đặc khu để làm tốt hơn, xây dựng hạ tầng đồng bộ hơn, hoàn thiện hành lang pháp lý và quản lý chặt chẽ hơn.
Sau này khi trở thành đặc khu Phú Quốc sẽ không bỡ ngỡ, ít xáo trộn. Về thị trường bất động sản, ông Giới nhận định sẽ vẫn còn tiếp tục “nguội lạnh” đến đầu năm 2020. Sau cơn “sốt đất đặc khu” hiện đã có đến 80% sàn bất động sản trên đảo Phú Quốc đã phải đóng cửa. Các văn phòng còn lại thì cũng hoạt động cầm chừng.
Qua tham khảo một số ý kiến của doanh nhiệp, người dân trên đảo Phú Quốc hầu hết đều không quan tâm nhiều đến việc đưa huyện đảo lên thành phố, mà cần sự ổn định, căn cơ, có tính chiến lược trong công tác quy hoạch.
Thị trường bất động sản hỗn loạn như vừa qua là do Phú Quốc chưa có quy hoạch, kế hoạch cụ thể về phát triển sử dụng đất và đầu tư và phát triển kinh tế rõ ràng. Sự hỗn loạn đất đai còn đến từ sự quản lý yếu kém của chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Văn Nhương- một doanh nghiệp trên đảo phát biểu: Tôi thấy lên thành phố thì cũng thế thôi. Loạn đất đai trên đảo kéo dài nhiều năm đã “băm nát” Phú Quốc mất rồi. Một hòn đảo đẹp như thế nhưng mạnh ai nấy làm, xây dựng bát nháo, manh mún, thiếu khoa học, thiếu thẩm mỹ.
Điều này chính là nguyên nhân dẫn đến ngập lụt khủng khiếp vừa qua. Việc chính quyền phải làm ngay đó là phải cải tạo lại hệ thống sông ngòi, quy hoạch hệ thống thoát nước; đồng thời mạnh tay với xây dựng trái phép…
Quy hoạch theo định hướng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc triển khai lập quy hoạch đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang theo định hướng khu kinh tế.
Cụ thể, tại văn bản số 1193/TTg-CN gửi UBND tỉnh Kiên Giang ngày 20/9/2019, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến: UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lập quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 và quy định pháp luật về quy hoạch; đồng thời tổ chức lập mới quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 739/TTg-CN ngày 08/6/2018, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan và quy định của pháp luật.
Theo văn bản 739/TTg-CN gửi UBND tỉnh Kiên Giang ngày 08/6/2018, Thủ tướng đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc và lập mới quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo định hướng phát triển thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Về việc lựa chọn và chỉ định thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc, UBND tỉnh Kiên Giang thực hiện thủ tục theo quy định tại Luật Đấu thầu và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ; Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh Kiên Giang sử dụng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác để thực hiện.