|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Những doanh nghiệp BĐS Nhà nước 'vang bóng một thời' giờ ra sao?

07:57 | 25/06/2019
Chia sẻ
Thời kỳ hoàng kim, có không ít “đại gia” địa ốc xuất thân trong khu vực Nhà nước được ví như những “ông lớn” của thị trường bất động sản. Nhưng những năm gần đây, tên tuổi của các doanh nghiệp này đang dần trở nên lu mờ, hoạt động có phần kém sôi nổi.

Thị trường bất động sản (BĐS) những năm gần đây phát triển nhanh chóng và thu hút được sư quan tâm của các nhà đầu tư thuộc khối tư nhân trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài. Những công trình là biểu tượng của các doanh nghiệp BĐS nhà nước một thời như KĐT Mỹ Đình, KĐT Trung Hòa – Nhân Chính hay KĐT Linh Đàm,… đang dần trở thành "dĩ vãng" và nhường chỗ cho những công trình mới.

Linh Đàm lấy

KĐT Linh Đàm là biểu tượng một thời của HUD (Ảnh: VOV)

Nhắc tới thời kỳ hoàng kim của các doanh nghiệp BĐS thuộc khu vực nhà nước không thể không nhắc tới những cái tên như Sông Đà, HUD, Vinaconex, Hancorp,… Kể từ sau khi cổ phần hóa đến nay, bên cạnh một số doanh nghiệp làm ăn bết bát, nợ nần thì cũng có doanh nghiệp được "thay da đổi thịt".

KQKD

Kết quả kinh doanh năm 2018 của một số doanh nghiệp BĐS nhà nước

Vinaconex từng đứng bên 'bờ vực' phá sản

Được mệnh danh là thương hiệu hàng đầu của ngành xây dựng Việt Nam trong thập kỷ trước nhưng Vinaconex (Mã: VCG) đã từng đứng trên bờ vực phá sản vào năm 2012. Năm 2012, Vinaconex phải trả nợ thay cho công ty con là Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả (CPC) số tiền lên tới 488,8 tỉ đồng, ngoài ra tiếp tục phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính vào CPC khoảng 960 tỉ đồng. Trong báo cáo tài chính năm 2012, Vinaconex đã phải ghi nhận một khoản chi phí hơn 1.100 tỉ đồng từ việc thua lỗ của CPC. 

"Cục nợ" từ CPC là nguyên nhân khiến VCG lâm vào khó khăn tài chính trong giai đoạn 2011 - 2013. Vào thời điểm trên, Vinaconex đã ký hợp đồng với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) về việc tái cấu trúc Cty CP Xi măng Cẩm Phả. Theo đó, Vinaconex đã chuyển nhượng 70% cổ phần Xi măng Cẩm Phả cho Viettel. Theo đánh giá của giới chuyên gia, thương vụ này tốt cho cả hai phía dù cho Viettel phải mua về một công ty đang đánh vật với nợ nần và thua lỗ.

Cũng trong thời kỳ khó khăn trên, Vinaconex đã được Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng mua cổ phần. Tới giai đoạn 2013 -2014 Vinaconex kinh doanh có lãi, trả cổ tức 6%, giá cổ phiếu tăng từ 8.000 đồng/cổ phần (năm 2012) lên 14.000 đồng/cổ phần (năm 2015).

Vinaconex là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được Chính phủ thí điểm CPH toàn Tổng Công ty vào năm 2006. Đây cũng là Tổng Công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán. Qua thời kỳ khó khăn, giai đoạn 2015 – 2016, VCG đã lấy lại được đà tăng trưởng.

KQKD VCG

Kết quả kinh doanh của VCG giai đoạn 2015 - 2017

Hết năm 2018, tổng tài sản của Vinaconex đạt 20.085 tỉ đồng, nợ phải trả là 12.085 tỉ đồng, gấp 1,51 lần vốn chủ sở hữu. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 1,51 lần.

Năm 2019, Vinaconex đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất toàn Tổng công ty là 10.703 tỉ đồng, tăng 110% so với 2018. LNTT đạt 1.262 tỉ đồng, tăng 159% so với 2018 và LNST 980 tỉ đồng, tăng 153% so với năm ngoái. Tuy nhiên, hết quý I/2019, doanh thu thuần của VCG chỉ đạt gần 1.161 tỉ đồng (đạt 15,4% kế hoạch) và LNST đạt 99,4 tỉ đồng (đạt 10,1% kế hoạch). Doanh thu của VCG chủ yếu đến từ hoạt động xây lắp (910,4 tỉ đồng), sau đó là bất động sản (240 tỉ đồng),…

Gần đây, doanh nghiệp này vừa phải trải qua cuộc "nội chiến" căng thẳng giữa các cổ đông hiện tại và Ban điều hành. Nguyên nhân là sau khi Công ty TNHH An Quý Hưng trúng đấu giá lô cổ phần 255 triệu cổ phần Vinaconex, hoạt động của VCG bắt đầu gặp nhiều biến động, bất ổn. Cụ thể, sau khi sở hữu 57,7% vốn và nắm 5/7 ghế HĐQT, An Quý Hưng có nhiều thay đổi tài chính, nhân sự lớn, chi phối Vinaconex. Sau đó, các cổ đông lớn kiện cáo nhau ra toà, các cổ đông nhỏ lẻ cũng cảm thấy bất an

Lợi nhuận Sông Đà thấp kỷ lục

Sau khi dừng thí điểm mô hình tập đoàn chuyển lại về mô hình Tổng công ty, Tổng công ty Sông Đà (Mã: SJG) đã bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý các nghĩa vụ tài chính với số tiền hơn 10.000 tỉ đồng.

Trước đây, SJG cũng từng phải đối mặt với sức ép nợ nần từ hàng loạt dự án đầu tư bất động sản dở dang như  Khu đô thị Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội), Khu đô thị mới Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), Dự án Khách sạn Sông Đà - Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Khu đô thị Đồng Quang (Quốc Oai, Hà Nội). Đây là các dự án đã được quy hoạch nhiều năm, đang giải phóng mặt bằng hoặc đã khởi công xây dựng, nhưng tất cả đều còn dở dang.

Trong báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp nửa cuối năm 2016 của Bộ Xây dựng, doanh nghiệp này đã bị Bộ Xây dựng nêu tên vì KQKD thấp, nợ phải phải trả và khoản thu lớn.

Bắt đầu chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp nhà nước sang mô hình công ty cổ phần tư tháng 3/2018 nhưng ngay trong năm đầu tiên CPH, lợi nhuận của Tổng công ty Sông Đà – CTCP ghi nhận thấp kỷ lục.

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính (BCTC) tổng hợp từ 6/4 – 31/12/2018 (thời gian chuyển sang công ty cổ phần) của Tổng công ty Sông Đà (Mã: SJG), tổng doanh thu của công ty này đạt 2.186 tỉ đồng (tương ứng với 76% kế hoạch của năm). Trong đó, doanh thu của SJG chủ yếu đến từ hoạt động xây dựng.

Mặc dù doanh thu nghìn tỉ nhưng lợi nhuận trước thuế toàn công ty chỉ đạt 22,3 tỉ đồng (tương ứng 11% kế hoạch đặt ra hồi đầu năm).

Trong năm 2019, Tổng công ty Sông Đà đặt mục tiêu tổng doanh thu 9.300 tỉ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm 2018. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế 388 tỉ đồng, trong đó của công ty mẹ là 100 tỉ đồng và công ty con là 288 tỉ đồng.

Song theo BCTC hợp nhất quý I/2019, Tổng công ty Sông Đà mới đạt lợi nhuận sau thuế 36,5 tỉ đồng, tương đương 9,4% kế hoạch năm 2019.

Quy 1- 2019 Song Da

BCTC hợp nhất quý I/2019 SJG

Ngoài ra, hết năm 2018, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sỡ hữu của Sông Đà cũng ở mức khá cao (2,84 lần). Tính tới cuối quý I/2019, tổng số nợ phải trả của doanh nghiệp này là 21.372 tỉ đồng.

Viglacera được "lột xác" sau cổ phần hóa

Trái với một số doanh nghiệp, sau CPH, tình hình kinh doanh của Tổng công ty Viglacera – CTCP (Mã: VGC) có phần sáng hơn.

Trước đây, khi thị trường BĐS đóng băng vào đoạn 2011-2013, doanh thu và lợi nhuận của VGC bị sụt giảm, trong đó năm 2012 doanh nghiệp này lỗ 35,5 tỉ đồng. Đến năm 2014, thị trường BĐS có dấu hiệu hồi phục, VGC cổ phần hoá và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 7/2014. Từ đó đến nay, hoạt động kinh doanh của Viglacera bắt đầu tăng trưởng mạnh trở lại. 

VGC 2011 2015

Kết quả kinh doanh giai đoạn trước và sau khi cổ phần hóa (2011 - 2015) của VGC

Những năm tiếp theo sau khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, Viglacera vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Tuy nhiên, năm 2018, tình trạng dư cung vật liệu xây dựng đã khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này giảm sút, nhưng không đáng kể.

KQKD VGC

Kết quả kinh doanh của VGC giai đoạn 2016 - 2018

Tính đến hết tháng 12/2018, tổng tài sản của VGC đạt 16.533 tỉ đồng, nợ phải trả là 9.661 tỉ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,4 lần. Hết năm 2018, chi phí xây dựng dở dang của doanh nghiệp này là 1.998 tỉ đồng tại hơn 20 dự án. Doanh thu của VGC chủ yếu từ việc bán vật liệu xây dựng; các sản phẩm sứ, kính, gương; sau đó là bán hàng hóa BĐS và cho thuê BĐS…

Theo BCTC hợp nhất quý I/2019, tổng doanh thu thuần của VGC đạt hơn 2.268,7 tỷ đồng, tăng 24% so với quý I/2018, LNST đạt gần 180 tỉ đồng, tăng 51% so với quý I/2018. Trong đó, LNST của cổ đông công ty mẹ đạt gần 159 tỉ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ.

No phai tra

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tính đến hết năm 2018 của một số doanh nghiệp BĐS nhà nước



Thu Hà