|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những điều lần đầu tiên sẽ diễn ra ở kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV khai mạc sáng nay

07:03 | 22/10/2018
Chia sẻ
Rất nhiều điểm mới, lần đầu tiên sẽ diễn ra tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV được khai mạc sáng nay 22/10.

Sáng 22/10, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV khai mạc tại Hội trường Diên Hồng, Hà Nội.

Tại phiên họp trù bị, Quốc hội sẽ dành một phút mặc niệm nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười (đại biểu Quốc hội khóa II, IV, V, VI, VII, VIII và IX); Chủ tịch nước Trần Đại Quang (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM); ông Lê Minh Thông (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa).

hom nay 2210 khai mac ky hop thu 6 quoc hoi khoa xiv
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV.

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch năm 2019 (bao gồm cả việc đánh giá giữa kỳ 5 năm 2016-2020). Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội.

Sáng nay, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn sẽ trình bày bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 6.

hom nay 2210 khai mac ky hop thu 6 quoc hoi khoa xiv

Bầu Chủ tịch nước ngay những ngày đầu tiên

Cụ thể, điểm mới đầu tiên tại kỳ họp này là Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước ngay những ngày đầu diễn ra kỳ họp.

Trước đó ngày 23/9, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh được phân công giữ chức Quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu nhân sự mới.

Đến ngày 3/10, Hội nghị Trung ương 8, khóa XII đã thống nhất 100% giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 6.

Đánh giá kết quả 3 năm

Điểm mới thứ hai tại kỳ họp này đó là, lần đầu tiên Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, về tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trước đây, Quốc hội chỉ thực hiện đánh giá việc thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội theo giai đoạn 5 năm, tức 5 năm mới đánh giá 1 lần. Còn tại kỳ họp thứ 6 tới đây, dù Chính phủ mới chỉ có 3 năm để thực hiện Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020 nhưng Quốc hội vẫn yêu cầu báo cáo nhằm xem xét, tìm ra vướng mắc để giải quyết, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đề ra trong giai đoạn 2016-2020.

hom nay 2210 khai mac ky hop thu 6 quoc hoi khoa xiv

Hỏi nhanh đáp gọn

Điểm đổi mới thứ ba được Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chỉ ra là, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 sẽ vẫn tiếp tục thực hiện theo phương thức “hỏi nhanh, đáp gọn” như đã bắt đầu áp dụng tại kỳ họp trước.

Song tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ đề nghị các ĐBQH không thảo luận về nội dung các báo cáo của Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao trình ra mà sẽ dành trọn vẹn thời gian 3 ngày để “hỏi và đáp” luôn.

Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng đổi mới như vậy sẽ giúp có thêm thời gian để các ĐBQH chất vấn, chất vấn lại các công việc mà Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đã làm được, xem cái gì còn tồn tại chưa khắc phục được thì phải làm rõ nguyên nhân và hứa hẹn thời gian cụ thể.

Nhiều phiên họp tường thuật trực tiếp nhất

Điểm đổi mới thứ tư là, tại kỳ họp thứ 6 này, dự kiến sẽ có 15 phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi (chiếm khoảng 31,25% thời lượng của kỳ họp).

Đây là kỳ họp có tỷ lệ số phiên họp được tường thuật trực tiếp nhiều nhất.

Lấy phiếu tín nhiệm 48/50 chức danh

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Nghị quyết số 85/2014/QH13 (năm 2014), tại kỳ họp này Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48/50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Hoạt động này sẽ được thực hiện trước phiên họp chất vấn để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm vì Quốc hội chỉ xem xét chất vấn một số Bộ trưởng có nội dung trong Nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 4.

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.

Các dự án luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo: Kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 (trong đó có xem xét kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019 - 2022).

Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; Đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020; báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Về công tác giám sát, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo: Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Quốc hội sẽ nghe Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước và những người bị chất vấn khác về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu kỳ họp đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Ngoài ra, Quốc hội tiến hành xem xét báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018; nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Minh Đức