Chủ tịch VCCI: Cần tinh gọn bộ máy để tránh tăng thuế, phí dồn dập và tận thu
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: ‘Chúng ta chưa thực sự hành động vì doanh nghiệp' | |
Chủ tịch VCCI: 'Boeing cũng không đáp ứng nổi điều kiện kinh doanh ở Việt Nam' |
Sáng nay (25/5), Quốc hội thảo luận tại hội trường đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018.
Phát biểu tại phiên họp, đánh giá các chỉ số kinh tế vĩ mô, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, tăng trưởng GDP 2017 đạt 6,81%; quý I năm nay là 7,38%; mỗi ngày bình quân 300 doanh nghiệp mới thành lập; áp lực nợ công vượt trần 65% GDP đã giảm đáng kể so với trước; 1,5 triệu lao động hằng năm có việc làm mới...
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (Đoàn Đại biểu Thái Bình). |
"Đây là những thành công bước đầu, nhờ giải pháp ngắn hạn. Nhiều vấn đề cơ cấu nền kinh tế mới ở mức nhận diện, chưa có giải pháp căn cơ", ông Lốc nói.
Để diễn giải cho ý trên, ông Lộc nêu ví dụ, trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng Việt Nam là một trong quốc gia "nói nhiều về cách mạng 4.0", nhưng nếu không có đổi mới tư duy trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới y tế, giáo dục... thì lấy đâu ra những sáng chế khoa học mới ứng dụng vào khởi nghiệp, sản xuất.
Ông Lộc cũng nhấn mạnh, chính sách tài khoá đã cố gắng cân bằng ngân sách, bán tài sản công, thu từ cổ tức doanh nghiệp Nhà nước,... khi số này cạn kiệt thì chuyển sang tăng thu từ thuế.
"Nếu tinh gọn bộ máy, giảm chi thường xuyên thực hiện tốt hơn thì đã không phải tăng thuế, phí dồn dập và tận thu khiến người dân bức xúc", chủ tịch VCCI nói.
Cũng tại phiên họp sáng nay, một số đại biểu đã tranh luận về việc tăng trưởng có thực sự phụ thuộc vào dầu thô hay không. Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách), lưu ý một số vấn đề mà ông cho là "những khoảng lặng của tăng trưởng", dù kết quả thời gian qua là tích cực. Ông đánh giá tăng trưởng đang giảm dần sự lệ thuộc vào khai thác dầu thô như báo cáo của Chính phủ. Năm 2017 công nghiệp khai khoáng vượt kế hoạch nhưng chỉ bằng trên 93% năm 2016. Song, cũng trong năm 2017, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng.
Một triệu tấn dầu góp 0,2-0,3 điểm tăng trưởng, nên nếu không có yếu tố này, GDP 2017 chỉ đạt 6,4-6,6% (thay vì 6,81%). "Như vậy, kết quả GDP vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ sản xuất kinh doanh không đạt kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu", ông Hàm phân tích.
Ngoài ra, theo ông Hàm, với nền kinh tế đang khát khao vươn lên như Việt Nam, việc quy mô GDP 2017 đạt hơn 5 triệu tỷ đồng là còn khiêm tốn, không đạt như kỳ vọng đề ra từ cách đây 2 năm. Tăng trưởng kinh tế quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm, nhưng nhân tố tạo bứt phá không được duy trì bền vững nên dự báo quý sau sẽ giảm dần.
Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng tỷ lệ gia công, lắp ráp trong ngành chế biến, chế tạo rất lớn. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế đang chịu sự chi phối của doanh nghiệp FDI: Samsung và Formosa góp hơn 40% tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo; doanh nghiệp FDI chiếm 73% kim ngạch xuất khẩu, 66% nhập khẩu. Mối liên kết cũng như việc chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI với trong nước chưa đạt như mong muốn.
Không đồng tình với ý kiến của đại biểu Hoàng Quang Hàm, đại biểu Trần Quang Chiểu nêu ý kiến, khai thác dầu thô năm 2016 là 15,2 triệu tấn, năm 2017 kế hoạch 13,28 triệu tấn và thực hiện 13,55 triệu tấn. Như vậy, riêng năm 2017 khai thác nhiều hơn kế hoạch khoảng 200.000 tấn; còn nếu so với năm 2016 thì năm 2017 khai thác ít hơn 1,643 triệu tấn. Về than, năm 2016 khai thác 38,73 triệu tấn than, kế hoạch năm 2017 là 40,2 triệu tấn nhưng thực khai thác chỉ 38,2 triệu tấn.
"Đây là số liệu Chính phủ gửi, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho hay năm 2017 khai thác vượt 1,2 triệu tấn dầu thô để bù đắp tăng trưởng thì số liệu ở đâu tôi không rõ", ông Chiểu nói.