Những điều cơ bản về chứng khoán phái sinh mà nhà đầu tư cần biết
Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây đang liên tục đổi mới để tiến gần hơn tới những thông lệ quốc tế. Sắp tới, chỉ số chung VNX-Allshare sẽ được đưa vào hoạt động và được coi như một chỉ số mới, chính thức đại diện cho sức khỏe của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngay trong tháng 10, Ủy ban chứng khoán sẽ tiến hành thử nghiệm giao dịch chứng khoán phái sinh, tiến tới áp dụng trên toàn thị trường vào năm 2017.
Về cơ bản, chứng khoán phái sinh có thể hiểu là những công cụ đầu tư, chủ yếu dựa trên diễn biến của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Chứng khoán phái sinh có 4 loại.
Hợp đồng kỳ hạn
Là thỏa thuận trong đó bên mua và bên bán xác định trước 1 ngày nào đó trong tương lai sẽ giao dịch cổ phiếu với một mức giá đã xác định.
Ví dụ, cổ phiếu ABC hiện có giá 10.000 đồng. Nhà đầu tư muốn sở hữu 1.000 cổ phiếu ABC sau 30 ngày và kỳ vọng giá cổ phiếu này sẽ tăng lên. Khi đó, nhà đầu tư có thể ký hợp đồng mua cổ phiếu ABC với giá 15.000 đồng sau 30 ngày.
Để đơn giản, tạm bỏ qua chi phí để mua hợp đồng với công ty chứng khoán, sẽ có 3 trường hợp xảy ra: (1) Nếu nhà đầu tư tính toán đúng, giá cổ phiếu lên 15.000 đồng, nhà đầu tư hòa vốn; (2) Nếu giá cổ phiếu là 12.000 đồng, nhà đầu tư lỗ 3.000 đồng/cổ phiếu, tổng số lỗ khi mua 1.000 cổ phiếu là 3 triệu đồng; (3) Nếu giá cổ phiếu là 20.000 đồng, nhà đầu tư lãi 5.000 đồng/cổ phiếu, tổng số lãi là 5 triệu đồng.
Hợp đồng tương lai
Tương tự như hợp đồng kỳ hạn, tuy nhiên hợp đồng tương lai là hợp đồng chuẩn hóa, có nghĩa các mặt hàng trao đổi phải đồng nhất, ví dụ như chứng khoán, dầu... với thời gian giao hàng cũng được biết trước. Các hợp đồng này đều có giá mua bán và được giao dịch trên thị trường. Vì vậy, giá các hợp đồng tương lai biến động liên tục.
Ví dụ, bạn mua hợp đồng tương lai mua 1.000 cổ phiếu ABC với giá 15.000 đồng sau 30 ngày. Đến ngày 15, giá ABC lên 20.000 đồng, bạn hoàn toàn có thể bán ngay hợp đồng tương lai và thu về lãi 5 triệu đồng.
Điểm khác biệt của hợp đồng tương lai là có thể giao dịch hàng ngày, thay vì đợi đến đúng ngày cuối cùng mới được giao dịch. Thông thường, trong hợp đồng tương lai, 2 bên chỉ thanh toán cho nhau khoản lãi lỗ, chứ không giao hàng hóa như hợp đồng kỳ hạn.
Hợp đồng hoán đổi
Đây là hợp đồng thường dùng với tiền tệ. Ví dụ, bạn có 1.000 USD và muốn mua 23 triệu đồng, bạn có thể ký hợp đồng hoán đổi 1.000 USD lấy 23 triệu đồng vào cuối kỳ.
Tuy nhiên, đến cuối kỳ, nếu tỷ giá USD/VND lên 24.000 đồng/USD, bạn vẫn sẽ chỉ nhận được 23 triệu đồng, tính ra lỗ 1 triệu đồng. Ngược lại, nếu tỷ giá còn 22.000 đồng/USD, bạn sẽ lãi 1 triệu đồng so với khi không ký hợp đồng.
Hợp đồng quyền chọn
Đây là loại hợp đồng có 2 chiều mua hoặc bán. Người mua hợp đồng được quyền lựa chọn có thực hiện hợp đồng hay không, thay vì bắt buộc thực hiện như các loại hợp đồng trên.
Ví dụ, cổ phiếu ABC có giá 10.000 đồng, bạn kỳ vọng cổ phiếu sẽ tăng lên trong vòng 30 ngày. Bạn mua hợp đồng quyền chọn, hợp đồng này cho phép bạn được mua cổ phiếu với giá 10.000 đồng, và giá của hợp đồng này là 5.000 đồng/cổ phiếu.
Tại ngày đầu tiên, giá cổ phiếu 10.000 đồng, bạn đang lỗ 5 triệu đồng.
Tại ngày thứ 10, giá cổ phiếu là 12.000 đồng, tuy đã tăng nhưng nếu mua, bạn sẽ lỗ 3.000 đồng/cổ phiếu, tổng cộng lỗ 3 triệu đồng.
Tại ngày thứ 20, giá cổ phiếu là 20.000 đồng, nếu thực hiện quyền, bạn sẽ lãi 5 triệu đồng.
Tại ngày 30, giá cổ phiếu giảm mạnh còn 8.000 đồng. Lúc này bạn có thể ko thực hiện quyền và chấp nhận lỗ 5 triệu đồng mua hợp đồng ban đầu (vì giá trên thị trường chỉ có 8.000 đồng, trong khi quyền mua là 10.000 đồng).
Điểm lợi của hợp đồng quyền chọn, là bạn có thể có lợi nhuận vô cùng lớn nếu giá cổ phiếu tăng mãi, nhưng số lỗ tối đa chỉ giới hạn ở 5 triệu đồng, do có quyền không thực hiện mua bán.