Những dấu mốc trên chính trường của cựu Tổng thống Liên Xô Gorbachev
Tháng 3/1985: Ông Mikhail Sergeyevich Gorbachev, 54 tuổi, thành viên trẻ nhất của Bộ Chính trị, trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô sau khi ông Konstantin Chernenko qua đời.
Theo Reuters, ông Gorbachev đã khởi động chương trình perestroika (tái cấu trúc) và glasnost (mở cửa) để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng trì trệ về cả chính trị và kinh tế.
Tháng 11/1985: Ông Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Geneva (Thụy Sỹ). Ông Gorbachev bày tỏ lạc quan về sự cải thiện quan hệ hai nước và việc cắt giảm vũ khí trong tương lai.
Tháng 4/1986: Vụ nổ tại lò phản ứng hạt nhân Chernobyl khiến mây phóng xạ lan rộng khắp châu Âu. Ba ngày sau đó, chính quyền Liên Xô mới thừa nhận vụ việc. Điều này đã làm dấy lên nghi ngờ về chính sách cởi mở và minh bạch của ông Gorbachev.
Tháng 12/1986: Tiến sĩ Andrei Sakharov, cha đẻ của phong trào bất đồng chính kiến, được trả tự do sau cuộc điện đàm với ông Gorbachev. Chính trị gia này đã trả tự do cho hàng trăm nhà bất đồng chính kiến về chính trị và tôn giáo trong thời gian ông cầm quyền.
Tháng 5/1987: Một thanh niên người Đức tên là Mathias Rust đã chọc thủng hệ thống phòng không của Liên Xô với việc lái chiếc máy bay hạng nhẹ Cessna từ Helsinki đến trung tâm Moscow và hạ cánh xuống Quảng trường Đỏ. Sau vụ việc, ông Gorbachev đã cách chức một loạt các quan chức quốc phòng hàng đầu.
Tháng 10/1987: Nhà cải cách nổi tiếng của Nga Boris Yeltsin bất đồng với ông Gorbachev về tiến độ độ cải cách và rời khỏi Bộ Chính trị.
Tháng 12/1987: Ông Gorbachev và Tổng thống Reagan ký hiệp ước đầu tiên cắt giảm kho vũ khí hạt nhân tại Washington. Tất cả tên lửa tầm trung của Liên Xô và Mỹ phải bị tháo dỡ.
Tháng 10/1988: Ông Gorbachev củng cố quyền lực với việc trở thành Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô, cơ quan lập pháp quốc gia.
Tháng 2/1989: Liên Xô chấm dứt 9 năm tham chiến ở Afghanistan. Động thái này đã thúc đẩy các phong trào giành độc lập tại các nước cộng hòa Baltic, Georgia và Ukraine.
Tháng 3/1989: Liên Xô tổ chức cuộc bầu cử nhiều ứng viên đầu tiên để chọn ra người tham dự Đại hội Đại biểu Nhân dân. Nhiều đảng viên Đảng Cộng sản đã không giành được phiếu bầu, trong khi những người độc lập và ly khai giành được đa số ghế ở các nước cộng hòa Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania.
Tháng 11/1989: Cuộc cách mạng lan rộng đã “xóa sổ” các chính phủ Cộng sản ở Đông Đức và các nước còn lại ở Đông Âu. Song, Liên Xô không cố gắng can thiệp vào diễn biến này khi hệ thống các quốc gia vệ tinh đang sụp đổ.
Tháng 12/1989: Ông Gorbachev và Tổng thống Mỹ George H.W. Bush (tức Bush cha), hoan nghênh việc kết thúc Chiến tranh Lạnh tại hội nghị thượng đỉnh ở Malta.
Tháng 2/1990: Đảng Cộng sản từ bỏ sự độc quyền lãnh đạo về chính trị. Quốc hội đồng ý bổ nhiệm ông Gorbachev chức vụ Tổng thống Liên Xô, với quyền lực lớn hơn. Những người biểu tình ủng hộ cải cách tổ chức các cuộc mít tinh lớn trên khắp Liên Xô.
Tháng 10/1990: Đông và Tây Đức thống nhất sau các cuộc đàm phán mà ông Gorbachev đóng vai trò chủ chốt. Quốc hội Liên Xô thông qua kế hoạch từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung của Đảng Cộng sản để chuyển sang nền kinh tế thị trường. Ông Gorbachev được trao giải Nobel Hòa bình.
Tháng 11/1990: Quốc hội trao quyền cho ông Gorbachev ban hành sắc lệnh trong hầu hết các lĩnh vực công. Dự thảo đầu tiên của Hiệp ước Liên minh do ông Gorbachev đề xuất trao quyền lực đáng kể cho 15 nước cộng hòa, nhưng bốn nước - Latvia, Lithuania, Estonia và Georgia - từ chối ký.
Tháng 1/1991: Quân đội Liên Xô giải tán các cuộc biểu tình ủng hộ độc lập ở ba nước Baltic, khiến 14 người thiệt mạng tại Lithuania và 5 người chết tại Latvia.
Tháng 3/1991: Cuộc trưng cầu dân ý về việc duy trì Liên Xô nhận được đa số phiếu ủng hộ nhưng 6 nước cộng hòa tẩy chay kết quả.
Tháng 4/1991: Hiệp ước Warsaw của các quốc gia Đông Âu tan rã.
Tháng 6/1991: Ông Boris Yeltsin đắc cử Tổng thống Nga.
Ngày 19/8/1991: Với lý do sức khỏe của ông Gorbachev yếu đi, Phó Tổng thống Gennady Yanayev đã lên nắm quyền Tổng thống Liên Xô. Tình trạng khẩn cấp được ban bố ở một số khu vực. Quốc hội Estonia tuyên bố độc lập.
Ngày 21/8/1991: Cuộc đảo chính ở Latvia đổ vỡ và tạo ra một sự ủng hộ lớn cho những người ly khai ở các nước cộng hòa. Quốc hội Latvia tuyên bố độc lập.
Ngày 24/8/1991: Ông Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Ông còn ra lệnh Đảng Cộng sản chấm dứt hoạt động trong lực lượng vũ trang và tất cả các cơ quan quân sự, cơ quan nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật.
Quốc hội Ukraine tuyên bố độc lập. Trong vòng vài tuần, tất cả các nước thuộc Liên Xô trừ Kazakhstan và Nga đều ra tuyên bố tương tự.
Ngày 6/9/1991: Cơ quan lập pháp tối cao của Liên Xô công nhận nền độc lập của Litva, Latvia và Estonia. Quốc hội Liên Xô hủy bỏ Hiệp ước Liên minh năm 1922 và trao quyền cho chính quyền tạm thời trong khi chờ ký hiệp ước mới giữa các quốc gia có chủ quyền.
Ngày 16/11/1991: Nga nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ trữ lượng vàng và kim cương của Liên Xô và xuất khẩu dầu. Sau đó Nga cũng thông báo tiếp quản các bộ kinh tế.
Ngày 8/12/1991: Nga, Ukraine và Byelorussia (nay là Belarus) tuyên bố Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) không còn giữ vai trò gì đối với chính quyền Liên Xô. Lúc đầu, ông Gorbachev từ chối từ chức, song sau đó cũng phải chấp nhận thực tế không thể tránh khỏi.
Ngày 25/12/1991: Ông Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng thống Liên bang Xô viết. Liên bang này chính thức giải tán vào ngày hôm sau.