Những dấu ấn đầu tiên của Google về điện thoại gập
Trong giới đam mê điện thoại Android, có một điều thường được coi là đương nhiên: Google tạo ra phần mềm tốt nhất, còn Samsung tạo ra phần cứng tốt nhất. Nhưng điều này đã thay đổi hoàn toàn trong năm nay, khi Google chính thức tham gia cuộc chơi điện thoại thông minh có thể gập (foldable phone) với sự ra mắt của Pixel Fold vào tháng 5/2023.
Google đã sản xuất smartphone trong một thời gian dài. Hãng từng có dòng điện thoại tên Nexus, nhưng thường để bên thứ ba phụ trách công việc sản xuất thực tế. Chính Samsung đã sản xuất một số mẫu điện thoại Nexus, một số do LG Electronics sản xuất (ví dụ như Nexus 5) và thậm chí cả Huawei (Nexus 6p) cũng tham gia.
Khi Google bắt đầu sản xuất Pixel, họ đã thiết kế phần cứng của riêng mình, phụ trách từ trong ra ngoài. Dòng điện thoại này khá ổn nhưng không phải là smartphone tốt nhất trên thị trường, thậm chí còn không phải là điện thoại Android tốt nhất.
Nhưng với điện thoại gập Pixel Fold, Google đã có một bước tiến lớn. Một số chuyên gia đánh giá đây là lựa chọn tốt nhất trên thị trường điện thoại gập mà người dùng phổ thông có thể mua, nếu họ muốn có một màn hình lớn và có thể gập lại.
Trên thực tế, chiếc Pixel Fold của Google đã có bước khởi đầu tốt hơn hẳn so với sản phẩm dòng Fold tương tự đến từ Samsung.
Những dấu ấn đầu tiên
Sự khác biệt lớn nhất giữa Pixel Fold và Galaxy Z Fold là tỷ lệ khung hình của màn hình ngoài. Google sử dụng màn hình vuông và khá rộng, trong khi Samsung sử dụng màn hình mỏng và dài.
Màn hình bên trong của chúng đều cỡ 7,6 inch, nhưng sự khác biệt về cảm giác và kích thước lá khá lớn. Tỷ lệ khung hình 6:5 của Pixel Fold đồng nghĩa màn hình ngoài có kích cỡ 5,8 inch, trong khi tỷ lệ khung hình 21,6:18 của Galaxy Z Fold 4 khiến màn hình ngoài cao tới 6,2 inch. Tuy chỉ khác biệt gần nửa inch, nhưng Pixel Fold khi gập lại giống như một chiếc điện thoại thông thường hơn là Galaxy Z Fold 4 - thường bị đùa là giống chiếc điều khiển TV.
Trên Pixel Fold, chiều rộng lớn hơn giúp mọi thứ, từ hình ảnh đến giao diện ứng dụng trông dễ nhìn hơn. Màn hình chính bên ngoài của Pixel Fold cũng dễ điều hướng hơn so với Galaxy Z Fold 4.
Google cũng khá hào phóng với máy ảnh trên Pixel Fold khi thiết bị này được gắn tới 5 camera với độ phân giải trải từ 48 megapixel đến 8 megapixel. Ngay cả khi thiết bị không có những cảm biến tốt nhất hiện có, Pixel Fold vẫn hưởng lợi từ các phần mềm của Google. Người dùng có thể chỉnh sửa bằng các công cụ độc quyền của Google Photos chỉ có trên các điện thoại Pixel.
Galaxy Z Fold 4 không hề lép vế về mặt này. Cả hai điện thoại đều có camera chính ba ống kính với góc rộng, siêu rộng và tele, nhưng cách mỗi thiết bị xử lý hình ảnh lại khác nhau nhiều. Nhưng một số chuyên gia chỉ ra rằng hình ảnh của Pixel Fold có dải động rộng hơn, màu sắc chính xác và độ chi tiết cao hơn so với hình ảnh do Galaxy Z Fold 4 chụp.
Điều khó hiểu là Samsung Electronics - nhà sản xuất phần cứng máy ảnh điện thoại tốt nhất và đa dạng hàng đầu thị trường - lại không tích hợp những camera tốt nhất cho chiếc điện thoại đắt tiền nhất của mình.
Bên cạnh đó, mặc dù Samsung là một trong những hãng công nghệ đầu tiên phát hành điện thoại gập, nhưng hãng vẫn chưa có một thiết kế nào để thiết bị có thể gập lại hoàn toàn mà không có khe hở. Google lại thành công về mặt này khi Pixel Fold có thể đóng lại hoàn toàn, mang lại cảm giác gọn và mỏng hơn so với Galaxy Z Fold.
Điều này thật kỳ lạ đối với giới đam mê điện thoại Android. Google đáng lẽ bị Samsung “đè bẹp” về phần cứng. Thay vào đó, nhiều người hy vọng rằng Samsung sẽ rút ra những bài học từ các lựa chọn của Google.
Học hỏi từ đối thủ
Tuy nhiên, Google chưa hẳn đã hoàn thiện sản phẩm điện thoại gập của mình. Và đây cũng là điểm khiến giới đam mê Android bị bất ngờ: Google cần học hỏi thiết kế phần mềm của Samsung.
Thiết kế giao diện người dùng trên Galaxy Z Fold 4 tối ưu hơn Pixel Fold. Trên Galaxy Z Fold 4, người dùng có thể chạy hai ứng dụng cạnh nhau, đồng thời chạy một hoặc hai ứng dụng trong cửa sổ phụ (pop-up).
Sau đó, người dùng có thể vuốt từ dưới lên trên để xem toàn bộ cửa sổ ứng dụng, rồi chuyển đến nơi họ muốn. Giao diện này rất trực quan, giống như trên máy tính chạy hệ điều hành Windows. Nếu muốn thu nhỏ một ứng dụng thành dạng pop-up, người dùng chỉ đơn giản kéo từ góc màn hình ứng dụng xuống dưới. Người dùng hoàn toàn có thể thực hiện những điều này mà không cần hướng dẫn cụ thể nào.
Ngược lại trên Pixel Fold, người dùng phải vuốt màn hình lên, tạm dừng đúng lúc và tìm một nút nhỏ có nội dung “Tách” (Split) để chia đôi màn hình cho hai ứng dụng chạy song song. Điều này không trực quan hay dễ dàng thực hiện như trên Samsung. Pixel Fold cũng không có tùy cửa sổ pop-up. Thậm chí, người dùng không thể tách màn hình thành hai nửa trên-dưới, trừ khi họ xoay điện thoại một lần nữa và để nửa trái-phải thành trên-dưới.
Về tổng thể, Google chưa làm gì nhiều để cải thiện ứng dụng Android trên Pixel Fold. Song Samsung có lợi thế đi trước và đã thể hiện sự cải thiện về phần mềm qua từng năm. Thế giới công nghệ vẫn đang chờ xem Samsung sẽ bắt kịp đối thủ như thế nào trong việc phát triển phần cứng điện thoại gập, còn Google cũng cần thêm thời gian để bắt kịp những phần mềm mẫu mực của Samsung.