|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Những cổ phiếu VN30 nào được cả khối ngoại và tự doanh mua ròng kể từ đầu năm?

14:37 | 07/06/2022
Chia sẻ
Nhóm VN30 nói chung bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 11.000 tỷ đồng kể từ đầu năm đến nay nhưng một số cổ phiếu cá biệt vẫn được gom thêm như MWG, FPT, STB, MBB …

Cổ phiếu STB của Sacombank là mã được khối ngoại và tự doanh gom nhiều nhất kể từ đầu năm. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Từ đầu năm 2022 đến hết phiên 6/6, nhà đầu tư nước ngoài mua tổng cộng 100.638 tỷ đồng cổ phiếu trong rổ VN30, đồng thời bán ra 111.907 tỷ đồng. Như vậy, khối ngoại đã bán ròng gần 11.269 tỷ đồng, số liệu của Chứng khoán SSI cho thấy.

Quy mô giao dịch của nhóm tự doanh tỏ ra khiêm tốn hơn với tổng giá trị mua là 18.820 tỷ đồng cổ phiếu VN30, bán ra 17.805 tỷ đồng, tương ứng với giá trị mua ròng 1.015 tỷ, theo số liệu của Algo Platform.

Cổ phiếu bán lẻ, ngân hàng được gom nhiều

Khối ngoại mua ròng nhiều nhất cổ phiếu STB của Sacombank với giá trị 1.920 tỷ đồng, nhóm tự doanh cũng gom 85 tỷ. Xét theo tổng giá trị giao dịch ròng của cả khối ngoại và tự doanh, STB đang đứng đầu top mua vào, theo sát phía sau là MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động.

Cụ thể, MWG được khối ngoại mua ròng 1.495 tỷ đồng. Bộ phận tự doanh cũng gom thêm 329 tỷ trong thời gian từ đầu năm đến hết phiên 6/6. Điểm khác biệt đáng chú ý là cổ phiếu MWG gần như luôn trong trạng thái hết room ngoại trong khi STB vẫn còn dư địa khoảng 175 triệu đơn vị cho nhà đầu tư nước ngoài mua thêm.

Bất cứ khi nào MWG hở room, khối ngoại đều mua hết trong một phiên. Nếu không vướng rào cản về room, nhiều khả năng MWG sẽ được khối ngoại mua ròng lớn hơn nhiều so với STB.

Một cửa hàng Điện máy Xanh của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) tại Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Trong 4 tháng đầu năm nay, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 47.908 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.819 tỷ đồng. Doanh thu online đạt 7.468 tỷ đồng, tăng 145% so với cùng kỳ, chiếm 16% tổng doanh thu của MWG.

Chuỗi Topzone chuyên kinh doanh sản phẩm Apple đã có 35 điểm bán và mang về gần 670 tỷ đồng doanh thu trong 4 tháng. MWG đặt mục tiêu doanh thu sản phẩm Apple đạt 650 triệu USD (15.000 tỷ đồng) trong năm 2022 và chạm mốc 1 tỷ USD trong năm 2023. Nếu hiện thực hóa được mục tiêu này, MWG sẽ trở thành đối tác hàng đầu của Apple ở khu vực Châu Á.

Chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu 8.200 tỷ đồng trong 4 tháng, nhích 2% so với cùng kỳ. Hiện nay chuỗi này vẫn chưa làm ra lợi nhuận ròng.

Ngày 17/6 tới đây, MWG sẽ trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10%, đồng thời chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100%. Nhà đầu tư sở hữu một cổ phiếu MWG sẽ được nhận 1.000 đồng và một cổ phiếu mới. Tổng cộng, MWG sẽ cần chi 732 tỷ đồng tiền mặt và phát hành mới 732 triệu cổ phiếu để hoàn thành nghĩa vụ với cổ đông.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại và tự doanh mua ròng.

Cổ phiếu TCB của Techcombank là mã được nhóm tự doanh mua ròng nhiều nhất với giá trị 566 tỷ đồng, như thể hiện trong bảng thống kê trên đây. Giống với MWG, cổ phiếu TCB cũng đã hết room ngoại, giá trị giao dịch trong những tháng vừa qua không đáng kể.

Ngoài TCB và STB, một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng được nhóm tự doanh + khối ngoại mua ròng như VPB, TPB, ACB, BID, MBB và VCB.

Trong nhóm bán lẻ, ngoài MWG còn có cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận cũng được nhà đầu tư nước ngoài và tự doanh công ty chứng khoán quan tâm. Sau nhịp điều chỉnh trong tháng 5, PNJ đã hồi phục mạnh mẽ và lập đỉnh mới.

Cổ phiếu PNJ lập đỉnh mới.

Tháng 4 năm nay, PNJ ghi nhận doanh thu thuần 2.770 tỷ đồng và lãi sau thuế 145 tỷ đồng, tăng lần lượt 50% và 71% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế 4 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 12.912 tỷ và lãi sau thuế 866 tỷ, tăng tương ứng 43% và 45%. 

Tỷ lệ lợi nhuận gộp/doanh thu thuần 4 tháng đạt 17,8%, thấp hơn so với mức 18,4% cùng kỳ 2021 chủ yếu do tỷ trọng doanh thu vàng miếng tăng.

Nhiều tên tuổi lớn bị xả

Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu blue chip bị cả khối ngoại và tự doanh bán ròng như MSN của Tập đoàn Masan, HPG của Tập đoàn Hòa Phát, VIC của Tập đoàn Vingroup, ... Các cổ phiếu này đều đã giảm trên 17% so với đầu năm 2022.

Nhiều cổ phiếu blue chip bị khối ngoại và tự doanh bán mạnh.

Song Ngọc

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.