Những chủ nợ khổng lồ của nước Mỹ
Các chủ nợ nước ngoài đáng chú ý nhất của chính phủ Mỹ, tính đến hết tháng 4/2019. (Nguồn: HowMuch.net)
Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng số trái phiếu khổng lồ này như một thứ vũ khí để chiến đấu trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Nợ chính phủ Mỹ: Bức tranh lớn
Trong hệ thống tài chính quốc tế, nợ chính phủ Mỹ có thể được mua và nắm giữ bởi gần như bất kì ai.
Trên thực tế, nếu bạn nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ (hay T-Bill) trong danh mục đầu tư ngay bây giờ, bạn đã là chủ nợ của chính phủ Mỹ.
Tổ chức | Khoản nợ (nghìn tỉ USD) | Tỷ trọng |
---|---|---|
Tổng | 21,97 | 100,0% |
Chính phủ Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang | 8,1 | 36,8% |
Nước ngoài và nhà đầu tư quốc tế | 6,3 | 28,5% |
Quĩ tương hỗ | 2,06 | 9,4% |
Quĩ hưu trí | 0,92 | 4,2% |
Ngân hàng | 0,77 | 3,5% |
Chính quyền các bang và địa phương | 0,69 | 3,1% |
Khác | 3,18 | 14,5% |
Nguồn: HowMuch.net. (Việt hóa: Yên Khê)
Theo bảng xếp hạng do HowMuch.net tổng hợp, các quốc gia nước ngoài như Trung Quốc và Nhật Bản cũng có thể tích lũy khá nhiều trái phiếu trong Kho bạc Mỹ, khiến hai nước này trở thành "người chơi" quan trọng trong miếng bánh nợ chính phủ Mỹ.
Khối nợ của chính phủ Mỹ ở mức 22 nghìn tỉ USD được nắm giữ bởi một loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong đó, khoảng 8,1 nghìn tỉ nợ được nắm giữ bởi các cơ quan của chính phủ Mỹ hoặc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Con số này bao gồm các tín phiếu trong tài khoản hưu trí của nhân viên liên bang, quĩ ủy thác an sinh xã hội hoặc bất kì trái phiếu nào thuộc bảng cân đối kế toán của Fed.
Kế tiếp, khoảng 7,6 nghìn tỉ USD nợ chính phủ nằm trong tay nhà đầu tư trong nước. Đây là các tín phiếu do ngân hàng, quĩ tương hỗ, quĩ hưu trí, công ty bảo hiểm và các nhà đầu tư khác nắm giữ.
Liệu Trung Quốc có sử dụng nợ chính phủ Mỹ làm vũ khí trong cuộc chiến thương mại?
Trong khi nợ chính phủ do các cơ quan và nhà đầu tư trong nước sở hữu không gây chú ý, khoảng 6,3 nghìn tỉ USD nợ thuộc sở hữu của nước ngoài đang được đặt dấu hỏi lớn.
Xếp hạng | Quốc gia | Khoản nợ (tỉ USD) | Tỷ trọng so với tổng nợ do nước ngoài nắm giữ |
---|---|---|---|
1 | Trung Quốc | 1.110 | 17,3% |
2 | Nhật Bản | 1.060 | 16,5% |
3 | Brazil | 307 | 4,8% |
4 | Anh | 301 | 4,7% |
5 | Ireland | 270 | 4,2% |
6 | Thụy Sĩ | 227 | 3,5% |
7 | Luxembourg | 224 | 3,5% |
8 | Quần đảo Cayman | 217 | 3,4% |
9 | Hong Kong | 206 | 3,2% |
10 | Bỉ | 180 | 2,8% |
11 | Arab Saudi | 177 | 2,8% |
12 | Đài Loan | 171 | 2,7% |
Nguồn: HowMuch.net. (Việt hóa: Yên Khê)
Rốt cuộc, một quốc gia như Trung Quốc có thể "vũ khí hóa" tín phiếu như một hình thức trả đũa trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay không?
Trên bình diện quốc tế, các chủ nợ lớn nhất, gồm Trung Quốc và Nhật Bản, sở hữu hơn một nghìn tỉ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ.
Vì sao Trung Quốc lại nắm giữ nhiều nợ chính phủ Mỹ?
Trung Quốc đã tích lũy trái phiếu Kho bạc Mỹ trong nhiều thập kỉ qua như một phần trong chiến lược ngăn cản đồng nhân dân tệ mạnh lên.
Thú vị là, một quốc gia nặng về xuất khẩu như Trung Quốc đã giảm lượng trái phiếu Kho bạc Mỹ trong những tháng gần đây. Theo đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bán gần 200 tỉ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ.
Mặc dù Trung Quốc còn dự trữ 1,11 nghìn tỉ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ, các chuyên gia nhận định rằng việc bán tất cả số trái phiếu trên cùng lúc sẽ gây bất ổn cho hệ thống tài chính toàn cầu cũng như tạo tác động tiêu cực đối với Trung Quốc.
Hay nói cách khác, đối với các quốc gia chủ nợ của chính phủ Mỹ, rủi ro như vậy sẽ luôn tồn tại.
Quần đảo Cayman, Luxembourg và Ireland - những thiên đường thuế có vai trò gì?
Mặc dù không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản hoặc Brazil trên danh sách chủ nợ nước ngoài hàng đầu, các thiên đường thuế như Quần đảo Cayman, Luxembourg hay Ireland có vai trò gì trong danh sách này?
Hai sự thật dưới đây có thể giúp giải thích điểm bất thường.
Thứ nhất, mặc dù có dân số chỉ rơi vào khoảng 60.000 người, Quần đảo Cayman là "thủ đô" của hơn 10.000 quĩ phòng hộ. Là địa điểm tránh thuế ở châu Âu, Luxembourg cũng nằm trên danh sách vì cùng lí do này.
Mặt khác, Ireland là nơi đặt trụ sở nước ngoài của nhiều hãng công nghệ khổng lồ như Facebook hay Alphabet. Điều nafycho thấy các tập đoàn này muốn duy trì lợi nhuận ở nước ngoài bằng trái phiếu Kho bạc Mỹ có tính thanh khoản cao, thay vì trả thuế hồi hương để mang tiền trở về Mỹ.