Những chính sách thúc doanh nghiệp tăng xuất khẩu
Mới đầu năm ra quân nhưng xuất khẩu hàng hoá đã có nhiều tín hiệu tích cực. Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không thể tránh khỏi ảnh hưởng biến động từ bên ngoài trước những rủi ro, thách thức còn rất lớn của kinh tế thế giới trong năm 2024.
Trước bối cảnh này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về tiềm năng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực và những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu thời gian tới.
Phóng viên: Năm 2023 Việt Nam có tới 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD…. Thứ trưởng có dự báo gì về tiềm năng xuất khẩu của những mặt hàng này trong năm 2024?
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Năm 2023, có một số nhóm hàng ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như gạo đạt 4,7 tỷ USD, tăng 35,3%; xuất khẩu rau quả đạt 5,6 tỷ USD, tăng 66,7%. Ngoài ra, một số mặt hàng có sự phục hồi tích cực như sắt thép đạt 8,4 tỷ USD, tăng 4,5%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 57,3 tỷ USD, tăng 3,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 14,2 tỷ USD, tăng 18,1%.
Đáng chú ý, số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu năm 2013, chỉ có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Năm 2018 tăng lên thành 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và năm 2023, đã có 35 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Sang năm 2024, Bộ Công Thương đánh giá bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã có nhiều yếu tố tích cực hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá. Kết quả xuất nhập khẩu bước đầu ghi nhận tín hiệu tích cực từ các tháng cuối năm 2023 khi kim ngạch đã có sự phục hồi nhất định.
Cùng đó, chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Những nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Về bối cảnh quốc tế, tình hình kinh tế vĩ mô khả quan hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm nay để thúc đẩy tăng trưởng và tiêu dùng. Hơn nữa, Việt Nam mới nâng cấp mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Hoa Kỳ, hứa hẹn sự phát triển bền vững cho quan hệ thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định, từ các diễn biến xung đột ở nhiều nơi trên thế giới đến chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn, đều ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Chính vì vậy, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được kỳ vọng phục hồi ở cả nhóm các sản phẩm của khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như sản phẩm xuất khẩu truyền thống của doanh nghiệp trong nước.
Phóng viên: Máy tính và thiết bị điện tử, nhất là thiết bị bán dẫn đang là mặt hàng có nhiều dư địa trong xuất khẩu. Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể hơn về cơ hội tăng trưởng xuất khẩu của mặt hàng này?
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu với các sản phẩm điện tử. Nhiều doanh nghiệp lớn như Samsung, Apple, Intel đã chọn Việt Nam để xây dựng các trung tâm sản xuất quy mô, xuất khẩu sản phẩm đi toàn thế giới.
Thời gian qua, xuất khẩu sản phẩm điện tử có tăng trưởng tương đối tốt đóng góp cao vào tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, hai bên ghi nhận tiềm năng của Việt Nam trong việc trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn; đồng thời “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam”.
Hiện nay, Việt Nam đang đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư của doanh nghiệp trong ngành bán dẫn. Vì vậy, việc doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư cũng như doanh nghiệp mới dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam sẽ là nguồn bổ sung cho xuất khẩu của nhóm hàng này. Phát triển sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao cũng là định hướng của Việt Nam tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.
Đặc biệt, Chính phủ đã xây dựng những chương trình đồng bộ để thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu.
Bối cảnh giai đoạn tới sẽ gồm những thuận lợi và khó khăn đan xen. Bên cạnh những thuận lợi kể trên, chính trị và kinh tế toàn cầu vẫn tồn tại nhiều yếu tố bất định như xung đột quân sự, kiểm soát lạm phát, chuỗi cung ứng đứt gãy….
Tuy nhiên, với sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ cũng như nỗ lực của doanh nghiệp, hy vọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ nói chung và sản phẩm bán dẫn nói riêng sẽ tăng trưởng tốt. Qua đó, tạo hiệu ứng lan tỏa giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và cập nhật công nghệ hiện đại.
Phóng viên: Nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, Thứ trưởng lưu ý doanh nghiệp điều gì và ngành chức năng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ra sao trong thời gian tới?
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Mặc dù cơ hội tương đối rộng mở nhưng để tận dụng tối đa cơ hội, doanh nghiệp cần đổi mới hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất phải bám sát nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải nghiên cứu, cập nhật công nghệ mới, đẩy mạnh tự động hóa để giảm giá thành sản phẩm.
Với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để tham mưu, đề xuất giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu. Cụ thể, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, tham mưu giải pháp ứng phó cũng như thông tin kịp thời cho hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ Công Thương tiếp tục kịp thời thông tin với hiệp hội ngành hàng về diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp và định hướng tìm kiếm đơn hàng từ thị trường chịu rủi ro thấp hơn bởi lạm phát.
Mặt khác, duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài. Đặc biệt, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam; đồng thời khuyến nghị với địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ và nỗ lực để kết thúc sớm đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Cùng đó, để tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định, Bộ sẽ triển khai đa dạng các hình thức cả trực tiếp và trực tuyến nhằm giới thiệu lợi thế, ưu đãi từ các FTA.
Mặt khác, Bộ tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại; trong đó, tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số về xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Hơn nữa, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Việc này nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Bộ Công Thương cũng chú trọng phát triển dịch vụ logistics; phối hợp với các đơn vị triển khai nhiệm vụ của Bộ Công Thương đã được giao tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương về triển khai thực hiện Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Cuối cùng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện giải pháp phát triển hoạt động thương mại biên giới bền vững thông qua thúc đẩy xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch. Bên cạnh đó, điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!