Những bài học từ sự kiện tỉ phú Bill Gates rời khỏi Microsoft
Không ai có thể phản bác câu nói tỉ phú Bill Gates chính là một huyền thoại, với tư cách là nhà sáng lập Microsoft, ông và đứa con tinh thần của mình đã thống trị lĩnh vực công nghệ máy tính cá nhân trong 40 năm qua.
Ngày 13/3, Microsoft đưa ra thông báo rằng Bill Gates sẽ rời khỏi hội đồng quản trị, có hiệu lực ngay tại thời điểm đó. Đồng thời, Gates cũng từ chức vị trí trong hội đồng quản trị của Berkshire Hathaway của mình, rút khỏi các hoạt động kinh doanh của ông.
"Tôi đã đưa ra quyết định rời khỏi cả hai vị trí tại các hội đồng quản trị mà tôi đang làm việc - Microsoft và Berkshire Hathaway – để dành nhiều thời gian hơn cho những hoạt động từ thiện", tỉ pú Bill Gates tuyên bố.
Theo ông, quyết định rút lui khỏi thương trường là để tập trung vào các hoạt động từ thiện nhằm nâng cao "sức khỏe và phát triển toàn cầu, giáo dục và tăng cường giải quyết biến đổi khí hậu".
Khi nói về Microsoft và Berkshire, ông nói: "Ban lãnh đạo tại Berkshire và Microsoft chưa bao giờ mạnh như hiện tại cả, vì vậy đã đến lúc tôi phải thực hiện điều này rồi".
Nhưng liệu ngoài mục đích từ thiện, còn động cơ nào khác cho lần chia tay thực sự của Bill Gates và Microsoft hay không?
Ôm đồm quá nhiều thứ
Kể từ khi Bill Gates đồng sáng lập Microsoft vào năm 1975, ông đã dành mọi tâm huyết của mình đổ dồn cho công ty, xây dựng nên một đế chế khổng lồ hiện tại. Tại sự kiện huy động vốn cho công ty đầu tư mạo hiểm Village Global năm ngoái, Gates đã tiết lộ rằng trong những năm đầu tiên, ông "không tin" vào các kì nghỉ hay việc xả hơi ngày cuối tuần.
Ông từng chia sẻ tại buổi nói chuyện ở Đại học Harvard vào tháng 4/2018, rằng thời điểm đó chính ông đã viết "hầu như mọi mã code", thậm chí ngay cả khi đã có người khác hoàn thành nó rồi, ông vẫn luôn lập trình lại nó.
Bill Gates cũng thừa nhận ông là người trực tiếp phỏng vấn mọi nhân viên, đến mức ông còn ghi nhớ mã số nhân viên của mình để giám sát khi nào họ đến và rời khỏi văn phòng làm việc. Tận tụy đến từng chi tiết nhỏ là vậy, cuối cùng ông cũng nhận ra rằng mình phải buông tay.
Ông chia sẻ khi Microsoft có khoảng 10 nhân viên, ông nhận ra rằng mình không thể viết lại toàn bộ mã code của mọi người nữa.
"Tôi đã phải tự nhủ với bản thân mình rằng 'được rồi, chúng ta sẽ gửi đoạn mã mà mình đã không chỉnh sửa' ", ông nói. "Điều đó thực sự rất khó khăn đối với tôi, nhưng tôi đã vượt qua điều đó".
Tại thời điểm đó, ông vẫn phỏng vấn mọi nhân viên mới trước khi tuyển dụng và "ít nhất phải xem qua các mẫu code của họ". Ông cho biết quyết định đó đã cho phép Microsoft mở rộng lên 40 nhân viên, nhưng lại không đủ nhanh để bắt kịp với nhu cầu thị trường.
"Thời điểm đó tôi đã bán nhiều phần mềm hơn mức mà chúng tôi có thể viết ra vì mọi người quá ấn tượng với sản phẩm của chúng tôi".
Dù thành công lớn, Gates cho biết, ông nhận ra rằng bản thân ông và công ty "đã bị tụt lại phía sau" vì với cách làm cũ, ông sẽ không cung cấp đủ cho nhu cầu quá cao của khách hàng.
Bài học đắt giá của Bill Gates
"Nếu muốn tạo ra sự ảnh hưởng, việc thường xuyên ủy quyền là điều quan trọng", nhà đồng sáng lập Microsoft phát biểu tại Harvard.
Vì vậy, năm 1980 ông đã quyết định tuyển dụng Steve Ballmer – cựu Giám đốc điều hành của Microsoft– trở thành cánh tay phải giúp công ty giữ vững chất lượng và sự hài lòng của khách hàng, đồng thời đảm nhiệm vị trí tuyển dụng nhân viên mới.
Song, thời gian đầu, Ballmer luôn phải để cho Bill Gates phỏng vấn trước khi ra quyết định tuyển dụng nhân viên mới.
"Sau đó, anh ấy đã dùng toán học chứng minh cho tôi thấy rằng sự ràng buộc này sẽ không đem lại hiệu quả, sau đó tôi đã đồng ý với anh ấy", ông Gates nhớ lại.
"Nếu muốn viết ra một phần mềm quản lí văn phòng phổ biến nhất, một người sẽ không thể làm được điều đó. Mọi người cần phải quyết định họ muốn làm việc ở qui mô nào tổ chức của mình", tỉ phú Bill Gates nói về giai đoạn ôm đồm quá nhiều công việc của mình.
Cuối cùng, Bill Gates đã học được cách lãnh đạo đúng đắn cho Microsoft là thông qua việc tin tưởng, ủy thác, điều phối và đưa ra tầm nhìn cho các nhà quản lí.
"Lúc bấy giờ tôi buộc phải đưa ra một khuôn khổ để xác định ra những kĩ năng mà chúng tôi cần", ông chia sẻ, "Việc xác định ra bạn giỏi cái gì mà và làm thế nào để những người khác có thể thực hiện những điều đó, là cực kì quan trọng".
"Hầu hết những nhà sáng lập thường không thể mở rộng qui mô của mình là vì họ đã không thể từ bỏ những công việc lặt vặt mà họ đã quá quen thuộc và mang lại nhiều niềm vui cùng sự thoải mái cho họ", Bill Gates nói từ kinh nghiệm cá nhân.
Cuối cùng, nỗ lực tin tưởng và ủy thác cho cộng sự của ông đã được đền đáp. Hiện Microsoft đã trở thành một tượng đài công nghệ với 144.000 nhân viên, kiếm được 138,6 tỉ USD doanh thu và 46,3 tỉ USD lợi nhuận trong năm 2019, theo Forbes.
Bản thân Bill Gates cũng đã ghi nhận nhiều thành tựu lớn lao. Ngay sau khi Microsoft ra mắt IPO đầu tiên vào năm 1986, ông đã trở thành triệu phú gần như chỉ sau một đêm, lúc đó ông chỉ mới 31 tuổi.
Ngày nay, ông là một trong những người giàu nhất thế giới, theo Forbes, ước tính tài sản của ông trị giá 111,2 tỉ USD.
Chấp nhận rút lui khỏi thương trường
Bill Gates đã rời vị trí Giám đốc điều hành Microsoft từ năm 2000, nhường chỗ lại cho người cộng sự lâu năm Steve Ballmer, sau đó giữ vị trí trong hội đồng quản trị cho đến khi ra quyết định rời đi để tập trung hơn vào Quỹ Bill & Melinda Gates.
Được dẫn bắt bởi người bạn lâu năm Warren Buffett, tỉ phú Bill Gates đã tìm thấy đam mê mới của mình, là các hoạt động từ thiện, tập trung vào sức khỏe, giáo dục và cải thiện sự nghèo đói.
Tỉ phú Bill Gates đã học được bài học tại Microsoft rằng tài năng quí giá và đáng trân trọng nhất của ông là biết cách tận dụng sức mạnh của mình, truyền sang cho những người xung quanh để đẩy mọi thứ theo định hướng bản thân ông.
Nhà báo Steven Levy từng nhận xét: "Trong 20 năm qua, Bill Gates đã dần dần rời bỏ thiên hướng là một nhà độc quyền hung hăng, trở thành một người thành thạo việc dùng quyền lực mềm để đàn áp cạnh tranh trong nhiều thập kỉ, nâng ông lên vị trí người giàu nhất thế giới". (Hiện đã được Jeff Bezos "soán ngôi").
Nhìn lại quá trình cống hiến của Bill Gates cho Microsoft, có thể rút ra bài học rằng để phát triển, đôi khi các nhà quản lí phải chấp nhận buông bỏ các hoạt động chuyên môn chi tiết, tin tưởng và sẵn sàng ủy thác nhiệm vụ cho nhân viên của mình. Đồng thời phải định hướng phát triển và lan tỏa định hướng đó cho đồng nghiệp và cộng sự.
CEO Microsoft Satya Nadella, người đã dẫn dắt thành công Microsoft trở thành một doanh nghiệp nghìn tỉ đô la, đã ca ngợi Bill Gates rằng: "Bill thành lập công ty với niềm tin sẽ dân chủ hóa các phần mềm, cùng đam mê giải quyết những thách thức cấp bách nhất của xã hội, nhờ có nó Microsoft và thế giới đã trở nên tốt đẹp hơn".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/