Nhu cầu gạo của Nhật Bản tăng cao do lượng khách du lịch kỷ lục
Cùng với đó, vụ thu hoạch bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng, đã khiến gạo tại các siêu thị trở nên hiếm hoi. Các nhà phân phối Nhật Bản cũng đã có động thái tăng giá bán mặt hàng lương thực chủ đạo này.
Từ năm 2014, lượng gạo tiêu thụ trong nước trung bình đã giảm khoảng 100.000 tấn mỗi năm do dân số giảm. Nhưng năm nay, tính đến tháng 6, nhu cầu gạo trong nước đã tăng 110.000 tấn, tương đương 1,6%, lên 7,02 triệu tấn.
Nhu cầu tăng do động lực ngắn hạn bao gồm số lượng du khách tăng cao kỷ lục. Ngoài ra, nhu cầu của người dân Nhật Bản cũng cao trong bối cảnh giá cả các mặt hàng thiết yếu khác tăng. Bên cạnh đó, trận động đất hồi đầu tháng 8, đã gây nên tình trạng mua sắm hoảng loạn, đẩy nhu cầu gạo càng cao thêm.
Trong khi đó, vụ thu hoạch lúa năm ngoái bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng, khiến chất lượng và sản lượng kém hơn.
Gạo là một trong số ít mặt hàng chủ lực được nông dân Nhật Bản cung cấp đầy đủ, với tỷ lệ tự cung tự cấp gần 100%.
Chính phủ sẽ định hướng nông dân sản xuất gạo đủ dùng theo nhu cầu dự kiến và đa dạng hoá các cây trồng khác ví dụ như nguyên liệu thức ăn chăn nuôi bằng cách trợ cấp.
Tuy nhiên, việc tính toán sai về nhu cầu dự kiến có thể gây nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Nguyên nhân của việc sai lệch này có thể đến từ yếu tố bất ngờ như lượng khách du lịch tăng mạnh.
Theo dữ liệu do Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, lượng gạo tồn kho của khu vực tư nhân trong nước đã giảm xuống còn 1,56 triệu tấn vào tháng 6, mức thấp nhất kể từ năm 1999 và giảm 21% so với năm trước.
Giá gạo của vụ mùa năm 2023 tăng lên 15.865 yên (khoảng 110 USD) cho bao 60 kg, mức cao nhất trong 11 năm. Giá gạo trong tháng 7 tiếp tục tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ quan này ước tính, nếu mỗi khách du lịch ăn cơm trung bình hai bữa một ngày thì lượng gạo tiêu thụ khoảng 51.000 tấn. Việc dỡ bỏ các lệnh hạn chế do COVID-19 và đồng yên suy yếu đã thu hút lượng lớn khách du lịch, đạt mức đỉnh mới 21 triệu người trong 7 tháng đầu năm. Điều này thúc đẩy nhu cầu thực phẩm tại Nhật Bản cao đáng kể.
"Đúng là lượng tiêu thụ trong nước đang tăng lên", ông Youichi Uchikawa, phó tổng giám đốc bộ phận bán hàng tại một công ty bán buôn gạo lớn, Shinmei, cho biết. Genki Sushi - doanh nghiệp liên kết của công ty này, đã chứng kiến lượng khách hàng trong nước tăng lên, và lượng gạo cung ứng cũng tăng lên.
Ông Uchikawa cho biết thêm món cơm nắm cũng đang được du khách ưa chuộng.
Food & Life Cos., đơn vị điều hành chuỗi nhà hàng sushi băng chuyền lớn, Sushiro, cũng chia sẻ với Nikkei Asia rằng khối lượng mua gạo của tập đoàn đã tăng lên. Một đại diện của công ty cho biết điều này là do số lượng cửa hàng tăng lên và họ không theo dõi cụ thể dữ liệu khách hàng đến.
Đại diện của Food & Life cho biết công ty đang cố gắng đảm bảo nguồn cung ổn định cho khách hàng bằng cách ký kết các hợp đồng trung hạn hoặc dài hạn với các nhà cung cấp.
Theo ông Uchikawa, ngoài yếu tố du lịch, nhu cầu trong nước đã tăng mạnh kể từ năm ngoái. Doanh số bán gạo của Shinmei trong tháng 4 cao hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Uchikawa cho biết điều này là do tại thời điểm đó giá gạo vẫn tương đối ổn định so với các mặt hàng chủ lực khác. Theo số liệu thống kê CPI, giá gạo chỉ tăng 3,8% vào năm 2023, trong khi giá bánh mì tăng 8,1% và giá mì tăng 11,1%.
Ông Uchikawa nhận định, nhìn về tương lai, nhu cầu về gạo sẽ "phụ thuộc vào mức giá phải chăng" so với các loại thực phẩm khác.
Về phía cung, theo Yasuhiro Nakashima, giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học Tokyo, năm ngoái, việc sản xuất lúa gạo bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng thay vì thời tiết lạnh là điều bất thường.
Để thích ứng với nhiệt độ tăng cao, các nhà phát triển lúa gạo ở một số vùng đang nỗ lực tạo ra các giống mới. "Nếu những giống này được sử dụng rộng rãi hơn, nguồn cung lúa gạo có thể ổn định hơn một chút", ông Nakashima lưu ý.
Ông nói thêm rằng những thay đổi trong phương pháp canh tác, chẳng hạn như kỹ thuật quản lý nước, cũng sẽ cần thiết để chống lại tác động của nhiệt độ cao.
Về triển vọng cung cầu trước mắt, Bộ Nông nghiệp dự đoán tình trạng thiếu gạo sẽ giảm bớt khi nhiều loại cây trồng năm nay được đưa vào thị trường trong tháng này.
Người phát ngôn của một chuỗi siêu thị lớn nói với Nikkei Asia rằng họ hy vọng sẽ đảm bảo đủ gạo cho khách hàng vào cuối tháng 10, mặc dù giá có thể vẫn ở mức cao cho đến lúc đó.
Theo ông Uchikawa, các vùng phía bắc Tohoku và Hokkaido sẽ bắt đầu cung cấp hàng vụ thu hoạch năm nay vào cuối tháng 9. "Tôi tin rằng giá cả sẽ ổn định hơn một chút" khi nguồn cung gạo mới từ khắp Nhật Bản bắt đầu lưu thông, ông nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/