|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu của Trung Quốc sẽ thúc đẩy giá dầu thô toàn cầu bất chấp ngành bất động sản ảm đạm

08:37 | 14/09/2023
Chia sẻ
Trong khi những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc vẫn tồn tại do lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, IEA cho biết nước này sẽ chiếm hơn 70% mức tăng trưởng nhu cầu trong năm 2023. Nhu cầu ở Mỹ dự kiến ​​sẽ không thay đổi.

Theo Nikkei Asia, giá dầu WTI đạt 89 USD/thùng sau khi các nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ mà đồng minh (OPEC+) tiếp tục cắt giảm sản lượng và hoạt động kinh tế phục hồi sau đại dịch - đặc biệt là ở Trung Quốc - khiến giá cả trên toàn thế giới tăng vọt.

Số liệu: Investing. (H.Mĩ tổng hợp)

Giá dầu thô Brent tại Châu Âu tiếp tục tăng những ngày gần đây, nhanh chóng đạt 92,38 USD/thùng mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

 Số liệu: Investing. (H.Mĩ tổng hợp)

Tuần trước, Arab Saudi và Nga tuyên bố rằng họ sẽ gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện hiện tại cho đến cuối năm 2023, tạo thêm động lực cho giá tăng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến công bố báo cáo hàng tháng trong tuần này, có khả năng giá tăng cao hơn nữa nếu báo cáo cho thấy nhu cầu mạnh mẽ.

Theo báo cáo tháng 9 của OPEC công bố hôm thứ 12/9, nhu cầu dầu thô toàn cầu dự kiến ​​sẽ đạt mức kỷ lục 102 triệu thùng/ngày vào năm 2023, tăng 2% so với năm 2022. Nhu cầu ở Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai thế giới, được dự đoán sẽ tăng 6% lên 15,8 triệu thùng, tăng 50.000 thùng so với dự báo tháng 8.

Trong khi những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc vẫn tồn tại do lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, IEA cho biết nước này sẽ chiếm hơn 70% mức tăng trưởng nhu cầu trong năm 2023. Nhu cầu ở Mỹ dự kiến ​​sẽ không thay đổi.

Theo dữ liệu hải quan chính thức, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 8 đạt 52,8 triệu tấn, tăng 21% so với tháng trước. Con số này tăng 31% so với cùng kỳ năm trước và tăng 25% so với mức trước đại dịch vào tháng 8/2019.

Việc nối lại hoạt động kinh tế sau khi kết thúc chính sách Zero COVID của Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái đã dẫn đến sự gia tăng hoạt động đi lại, thúc đẩy nhu cầu xăng và nhiên liệu máy bay.

Khối lượng lọc dầu của Trung Quốc cũng tăng, đạt 2,037 triệu tấn/ngày trong tháng 7, tháng cao thứ ba sau 2,042 triệu tấn trong tháng 3 và 2,038 triệu tấn trong tháng 4.

Ông Dominic Schnider, người đứng đầu bộ phận hàng hóa và thị trường tiền tệ Châu Á-Thái Bình Dương tại UBS Global Wealth Management, cho biết, khách du lịch nước ngoài đến Trung Quốc vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch, do đó, nhu cầu về dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ có thể sẽ tăng thêm.

Theo phân tích của Tổ chức An ninh Kim loại và Năng lượng Nhật Bản (JOGMEC) dựa trên dự báo của OPEC, thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt dầu thô khoảng 2 triệu thùng/ngày trong quý từ tháng 7 đến tháng 9. Tình trạng thiếu hụt tương tự dự kiến ​​sẽ tiếp tục diễn ra trong quý từ tháng 10 đến tháng 12 .

Tuy nhiên, cũng có nhiều nghi ngờ về tính xác thực trong nhận định của các tổ chức quốc tế về tình hình nhu cầu thực tế của Trung Quốc.

Trung Quốc không tiết lộ nhu cầu hoặc trữ lượng dầu thô của mình. IEA và các tổ chức khác ước tính nhu cầu dựa trên khối lượng lọc dầu và nhập khẩu dầu thô. Takayuki Nogami, nhà kinh tế trưởng tại JOGMEC, cho biết ngay cả khi nhập khẩu ngày càng tăng, “có thể lượng dầu đó chỉ dùng chủ yếu cho dự trữ chứ không phải nhu cầu thực tế”.

Ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc vẫn sa lầy trong tình trạng suy thoái. Sản lượng công nghiệp tăng 3,7% so với cùng kỳ trong tháng 7, chậm lại so với mức tăng 4,4% của tháng 6. Sản xuất ô tô giảm 3,8% về lượng và xi măng giảm 5,7%. Tác động thực sự của sự sụp đổ ngành bất động sản vẫn còn hiện hữu.

Xu hướng giá dầu thô đang diễn ra có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Ông Ajay Parmar, nhà phân tích dầu khí tại HSBC Global Research, cho biết nếu những rủi ro như suy thoái tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc xuất hiện, dầu thô có thể nhanh chóng quay trở lại thị trường giá xuống

 

H.Mĩ