|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu của Trung Quốc chậm lại, giá cao su có thể giảm trong quý III?

08:23 | 24/06/2021
Chia sẻ
Giá cao su thế giới đang có xu hướng giảm do nhiều nước bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mới trong khi nhu cầu tại Trung Quốc có phần chậm lại.

Nguồn cung tăng theo yếu tố mùa vụ và nhu cầu tiêu thụ chậm lại tại Trung Quốc – nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới được cho là yếu tố chính khiến giá cao su đi xuống trong hơn 1 tháng qua. 

Tâm lý thị trường e ngại xu hướng này có thể tiếp tục diễn ra trong quý III năm nay.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/6, giá cao su RSS 3 kỳ hạn tháng 7 tại Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1 năm nay với 64,9 baht/kg, giảm 9% so với cuối tháng trước.

Tại Nhật Bản, giá cao su RSS 3 - hợp đồng giao tháng 8 trên sàn TOCOM được giao dịch ở mức 233,4 yên/kg - thấp nhất kể từ đầu tháng 2 năm nay, giảm 8,6% so với cuối tháng trước.

Giá cao su thiên nhiên trên sàn giao dịch Thượng Hải - Trung Quốc cũng giảm 6,6%, xuống còn 12.830  nhân dân tệ/tấn - hợp đồng giao kỳ hạn tháng 9/2021.

So sánh với đầu năm nay, hiện giá cao su tại Thái Lan đang thấp hơn 1,8%, tại Nhật Bản giảm 6,9% và Trung Quốc giảm 5,9%.

Nhu cầu của Trung Quốc chậm lại, giá cao su có thể giảm trong quý III? - Ảnh 1.

Nguồn: Hiệp hội Cao su Thái Lan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Từ cuối tháng 5 đầu tháng 6, các nhà cung cấp cao su lớn như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và các nước sản xuất cao su khác đã bước vào thời kỳ tăng sản lượng, nhưng nguồn cung chưa tăng mạnh do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trong khu vực.

Finance.sina trích dẫn số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cho thấy, trong tháng 5 tổng sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt xấp xỉ 834,2 nghìn tấn, tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt 4, triệu tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo báo cáo hàng tháng của ANRPC, cơ quan này dự báo sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 sẽ tăng trưởng 5,8% so với năm 2020, đạt 13,8 triệu tấn; trong khi nhu cầu cao su thế giới ước tính tăng 6,7% lên 13,6 triệu tấn. 

Triển vọng sửa đổi này đã dự báo một thị trường cao su tự nhiên tương đối cân bằng trong những tháng còn lại của năm nay. 

Tuy nhiên, ANRPC cũng lưu ý rằng bất chấp sự phục hồi sau đại dịch được dẫn dắt bởi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ, việc kiểm soát đại dịch để đảm bảo tỷ lệ lây nhiễm thấp vẫn là chìa khóa để phục hồi cho tất cả các quốc gia. 

Các ca lây nhiễm cao kỷ lục hàng ngày ở một số nước ASEAN được cho là tác động gián tiếp đến ngành cao su qua các biện pháp hạn chế khác nhau để ngăn chặn đại dịch COVID-19. 

Trong khi đó, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), tăng trưởng của ngành ô tô nước này đang có dấu hiệu chậm lại khi sản lượng ô tô trong tháng 5 giảm 9% so với tháng trước và giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi doanh số bán ra cũng giảm 6% so với tháng 4 và giảm 3% so với cùng kỳ.

Lý do chính của sự sụt giảm này là tình trạng thiếu chip bán dẫn được sử dụng cho thiết bị điện tử trên bo mạch. Sự thiếu hụt chip dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất trong tháng 6 và tình hình có thể giảm bớt từ cuối quý 3 hoặc quý 4. 

Tính đến ngày 17/6, công suất hoạt động của các nhà máy sản xuất săm lốp toàn thép tại Sơn Đông – Trung Quốc là 56,92%, giảm 5,39 điểm phần trăm so với tuần trước và 10,19 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Công suất hoạt động của các công ty săm lốp bán thép là 52,7%, giảm 5,91 điểm phần trăm so với tuần trước và giảm 9,28 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tân Hoa Xã.

Hiện nay số ngày quay vòng hàng tồn kho của các công ty săm lốp Trung Quốc đều ở mức cao, mức tồn kho của săm lốp toàn thép đang cao hơn đáng kể so với mức lịch sử của 2 năm trước đó.

Số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng cho thấy, nước này đã nhập khẩu 466.000 tấn cao su thiên nhiên và tổng hợp (bao gồm cả mủ cao su) trong tháng 5 năm 2021, giảm 19,24% so với tháng trước nhưng tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng nhập khẩu cao su của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 5 đạt 2,8 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 5 tăng về lượng nhưng giảm về giá

Sau khi giảm trong tháng 4, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 5 tăng mạnh trở lại nhờ nguồn cung cải thiện từ vụ thu hoạch mới.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 5/2021 đạt 82,7 nghìn tấn, tăng 33,4% so với tháng 4/2021 và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế trong 5 tháng đầu năm 2021, khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây với 550,9 nghìn tấn, trị giá 927,7 triệu USD, tăng mạnh 59,5% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 5 giảm nhẹ 2,5% so với tháng 4, đạt bình quân 1.732 USD/tấn.

Dù vậy, tính chung 5 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân cao su của nước ta vẫn tăng mạnh 22,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1.684 USD/tấn.

Nhu cầu của Trung Quốc chậm lại, giá cao su có thể giảm trong quý III? - Ảnh 2.

Số liệu: Tổng cục Hải quan Việt Nam. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 68%, đạt 375,8 nghìn tấn, tăng mạnh 63% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, mặc dù dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Ấn Độ nhưng xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng mạnh 67% so với cùng kỳ năm ngoái và đây cũng là thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc.

Ngoài ra, lượng cao su xuất khẩu sang các thị trường khác cũng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái như Hàn Quốc tăng 35,9%, Mỹ tăng 71%, Đài Loan tăng 69%...

Xuất khẩu cao su tăng trưởng tốt cả về lượng và giá trong những tháng đầu năm nay đã mang lại kết quả kinh doanh tích cực cho các doanh nghiệp trong ngành.

Theo kết quả hoạt động kinh doanh CTCP Cao su Đồng Phú (Mã: DPR), lũy kế 4 tháng đầu năm, doanh thu của công ty đạt gần 151 tỷ đồng, tăng hơn 220% so với cùng kỳ năm trước. 

Doanh nghiệp cũng đạt được sản lượng 1.838 tấn cao su sau 4 tháng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, Cao su Đồng Phú đã đạt hơn 13% kế hoạch sản lượng cao su đã đặt ra cho năm 2021.

Còn với Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, tính đến ngày 16/5, sản lượng khai thác của công ty đạt 24,2% kế hoạch, nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 1.547 tấn. Sản lượng thu mua trên 1.502 tấn, đạt 15% kế hoạch, nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 950,4 tấn. Tiêu thụ 11.793 tấn, giá bán bình quân 41,26 triệu đồng/tấn.

Năm 2021, Cao su Phú Riềng quyết tâm nỗ lực hoàn thành các kế hoạch sản xuất kinh doanh. Cụ thể: hoàn thành vượt mức kế hoạch Tập đoàn giao 21.300 tấn, phấn đấu đạt trên 22.000 tấn đến 23.000 tấn, vượt trên 2.000 tấn. 

Nâng cao hiệu quả hoạt động của ban thu mua, tổ chức thu mua hoàn thành vượt mức kế hoạch Tập đoàn giao 8.000 tấn, phấn đấu thu mua 10.000 tấn. Tổng sản lượng chế biến phấn đấu trên 32.000 tấn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng tốt mọi nhu cầu của khách hàng.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã GVR) vừa qua công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021 với tổng doanh thu hợp nhất 2021 dự kiến đạt 26.914 tỷ đồng và lãi sau thuế 4.564 tỷ đồng, tương ứng tăng 5% và 10% so với thực hiện 2020.

Mặc dù kết quả kinh doanh khả quan nhưng các doanh nghiệp ngành cao su vẫn rất thận trọng trong việc đưa ra kế hoạch kinh doanh.

Mới đây ANRPC đã dự báo về 1 thị trường cao su cân bằng về cung – cầu trong nửa cuối năm nay, điều này cho thấy các yếu tố cơ bản của thị trường tương đối ổn định và giá khó có thể tăng mạnh thậm chí có thể suy yếu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc cao su của Việt Nam đang chiếm ưu thế so với các nguồn cung khác tại thị trường Trung Quốc sẽ là điểm tựa cho xuất khẩu mặt hàng này.

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Việt Nam luôn duy trì vị trí số 2 về nguồn cung cao su (cao su tự nhiên và cao su tổng hợp) cho thị trường Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020 sau Thái Lan.

Đáng chú ý, lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Tính đến năm 2020 lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc đạt 1,3 triệu tấn, tăng gần 90% so với năm 2016.

Mức tăng trưởng này vượt xa so với mức tăng của các đối thủ cạnh tranh khác trong cùng giai đoạn như Thái Lan (+7,7%), Malaysia (+18,4%), Indonesia (+42,1%).

Thị phần cao su của Việt Nam vào Trung Quốc trong giai đoạn trên cũng tăng từ 12,1% lên 17,8%.

Nhu cầu của Trung Quốc chậm lại, giá cao su có thể giảm trong quý III? - Ảnh 3.

Nguồn: ITC. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

 

Hoàng Hiệp