|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhóm vốn hóa lớn gây áp lực, VN-Index giảm hơn 6 điểm

15:00 | 29/03/2024
Chia sẻ
Thị trường duy trì tâm lý thận trọng đến hết phiên sáng, lực mua bán chủ yếu chỉ ở mức thăm dò và lực bán gia tăng về cuối phiên khiến sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử. VN-Index dừng phiên sáng giảm hơn 6 điểm.

Đóng cửa, VN-Index giảm 6,09 điểm (0,47%) về 1.284,09 điểm, HNX-Index giảm 1,33 điểm (0,55%) còn 242,58 điểm, UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (0,09%) đạt 91,57 điểm.

Phiên giao dịch ngày 29/3 được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ tiếp tục nới rộng sắc xanh do đây là phiên cuối cùng của tháng 3 - thời điểm các quỹ đầu tư thực hiện chốt NAV. Lịch sử các kỳ chốt NAV thị trường đều có được giao dịch tích cực.

Tuy nhiên, nhưng diễn biến trên thị trường trong phiên hôm nay lại chưa phản ánh được điều này. VN-Index dừng chân ở mốc 1.284 điểm giảm hơn 6 điểm so với phiên trước, tạm ngắt chuỗi tăng 3 phiên liên tục. Thị trường giao dịch ảm đạm từ sáng với xu hướng phân hóa chi phối.

Sức ép đến từ nhóm bluechips khiến VN-Index không thể níu lại sắc xanh cho thị trường. Nhóm ngân hàng đảo chiều giảm trong phiên hôm nay, từ nhân tố giữ nhịp chỉ số thành tác nhân chính gây giảm điểm. Trong phiên chiều, một số mã bank đã xanh trở lại nhưng chừng đó là không đủ sức để giữ được VN-Index trên mốc 1.285 điểm khi đa số các mã lớn khác đều giảm.

Cụ thể, VCB giảm 0,8% về 94.900 đồng/cp, BID và CTG lần lượt giảm 1% và 0,6%, TCB cũng bốc hơi 0,9% thị giá về 47.550 đồng/cp. Chiều ngược lại, các cổ phiếu trụ cột đóng vai trò nâng đỡ thị trường ở phiên hôm nay có VIB, VPB, ACB, VRE. Giao dịch kém sắc của nhóm chứng khoán, bất động sản, thép, xây dựng & vật liệu, … khiến VN-Index kết thúc phiên chốt NAV quý I trong sắc đỏ.

Toàn thị trường ghi nhận 504 mã giảm, trong khi chỉ có 418 cổ phiếu tăng và 262 mã đứng giá tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,05 tỷ đơn vị, tương đương giá trị gần 25.630 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch khớp lệnh trên HOSE ở mức thấp với 19.633 tỷ đồng, giảm 14% so với phiên trước và thấp hơn 20% so với giá trị trung bình 1 tháng gần đây.

Tính đến 14h00, VN-Index giảm 3,86 điểm (0,3%) xuống 1.286,32 điểm, VN30-Index giảm 3,66 điểm (0,28%) còn 1.299,54 điểm. Sau một giờ giao dịch đầu phiên chiều, VN-Index thu hẹp đà giảm nhờ nỗ lực hồi phục của một số bluechip. Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp khi với giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt hơn 14.400 tỷ đồng.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 6,16 điểm (0,48%) còn 1.284,02 điểm, HNX-Index giảm 0,8 điểm (0,48%) còn 1.284,02 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (0,07%) lên 91,55 điểm.

Sau 3 phiên tăng liên tục, VN-Index tiếp tục mở cửa xanh hơn 2 điểm trong phiên sáng nay (29/3). Tuy nhiên, chỉ số liên tục rung lắc sau đó khi nhóm bluechips – vốn là động lực dẫn dắt thị trường trong những phiên gần đây chịu áp lực điều chỉnh.

Rổ VN30 chìm trong sắc đỏ với 23 mã giảm giá, 4 mã tăng và 3 mã đứng giá tham chiếu. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giao dịch kém sắc kéo tụt VN-Index giảm điểm, điển hình như VCB, BID, CTG, MSN, MBB, VHM, HPG, .... Diễn biến trái chiều, bộ ba LPB, GVR, MWG đóng vai trò giữ nhịp cho chỉ số.

Ở nhóm midcap, nhiều mã chịu áp lực điều chỉnh như CTR giảm 4,1% về 136.400 đồng/cp, CRE, ASM, FRT, VIX, MSB mất hơn 2%. Chiều ngược lại, lác đác một vài cổ phiếu giao dịch khởi sắc như SZC (+3,4%), LPB (+2,7%), DGW (+2,6%), BWE (+2%), AAA (+1,8%), PTB (+1,6%), …

Xét theo nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng gây áp lực lớn nhất lên VN-Index khi Top10 lực cản của thị trường có tới 6 đại diện đến từ nhóm này. Sắc xanh le lói ở 3 cổ phiếu là LPB (+2,7%), VBB (+1%) và NAB (+0,6%).

 Cổ phiếu ngân hàng gây áp lực cho thị trường phiên sáng ngày 29/3. (Nguồn: MBS).

Là nhóm nhạy cảm với diễn biến thị trường, cổ phiếu của các công ty chứng khoán đồng loạt điều chỉnh trong phiên sáng nay. PSI giảm mạnh nhất ngành với 3,2%, WSS mất 3,1% thị giá.

Các mã còn lại trong ngành ghi nhận mức giảm phổ biến trên 1%, có thể kể đến như BSI, HBS, SSI, VIG, CTS, HCM, MBS, VND, APS, SHS, FTS, ORS, TVB, VIX, EVS. Chiều ngược lại, HAG, VUA , IVS xanh nhẹ trên tham chiếu.

Toàn thị trường ghi nhận 499 mã giảm, 337 mã tăng và 251 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản giao dịch thấp hơn trung bình 20 phiên, tổng khối lượng giao dịch phiên sáng nay đạt hơn 507 triệu đơn vị, tương đương giá trị 12.169 tỷ đồng). Trong đó, giao dịch khớp lệnh trên HOSE ghi nhận 9.488 tỷ đồng, giảm 19% so với phiên giao dịch trước đó. 

Thu Thảo

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.